Tương lai tươi sáng của một Việt Nam vươn mình
Với sức mạnh, tiềm lực và vị thế sau 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Việt Nam đang đoàn kết muôn triệu người như một với bản lĩnh vững vàng, tầm nhìn trí tuệ để bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, hướng tới tương lai tươi sáng.
Tự tin với thế và lực của đất nước hôm nay
Việt Nam suốt chiều dài dựng nước và giữ nước, chưa khi nào có tiềm lực và vị thế được khẳng định mạnh mẽ như ngày hôm nay. 50 năm sau Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 / 30-4-2025), dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đạt được những thành tựu vĩ đại và có ý nghĩa lịch sử, làm thay đổi căn bản diện mạo đất nước, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân và đưa Việt Nam hội nhập mạnh mẽ với thế giới.

Đất nước Việt Nam đạt được những thành tựu to lớn đáng tự hào sau 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước
Từ một quốc gia bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh, chịu đựng bao vây cấm vận kéo dài, Việt Nam đã bứt phá ngoạn mục để trở thành nước có thu nhập trung bình, với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người đạt khoảng 4.700 USD năm 2024, tăng gấp 60 lần so với năm 1986 khi bắt đầu công cuộc Đổi mới, và có quy mô kinh tế đứng thứ 34 trong tổng số 195 quốc gia trên toàn cầu. Việt Nam tăng trưởng kinh tế bình quân đạt hơn 6,5%/năm, nằm trong nhóm các quốc gia tăng trưởng cao trên thế giới.
Việt Nam không chỉ kiểm soát thành công lạm phát từ mức “phi mã” 3 con số trong giai đoạn đầu Đổi mới xuống còn khoảng 4%/năm, mà còn duy trì được xuất siêu liên tục trong 8 năm qua. Năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt mức kỷ lục hơn 786 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 14,3%; nhập khẩu tăng 16,7%; cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu gần 25 tỷ USD.
Từ đất nước thiếu đói sau chiến tranh, Việt Nam đã vươn lên thành một trong những quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, đạt mức kỷ lục 9,18 triệu tấn năm 2024 với kim ngạch 5,75 tỷ USD, tăng 12,9% về lượng và tăng 23% về giá trị so với năm 2023. Nông sản Việt Nam hiện có mặt tại hơn 160 quốc gia, với kim ngạch xuất khẩu năm 2024 đạt 62,5 tỷ USD, mức cao kỷ lục từ trước đến nay, tăng 18,7% so với năm 2023.
Nền kinh tế Việt Nam cũng đang chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Năm 2024, tỷ trọng khu vực nông nghiệp chỉ còn gần 12%. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện mạnh mẽ thông qua ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế tri thức. Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho đầu tư nước ngoài với tổng vốn FDI cam kết năm 2024 đạt 38,23 tỷ USD, tăng hơn so với mức 36,6 tỷ USD năm 2023; vốn thực hiện cùng năm 2024 đạt 25,35 tỷ USD, thuộc nhóm 20 nước thu hút FDI lớn nhất toàn cầu.
Trong lĩnh vực hạ tầng, Việt Nam đã hoàn thành hơn 2.000 km đường cao tốc và đang phấn đấu đạt trên 3.000 km vào năm 2025. Các dự án trọng điểm như sân bay quốc tế Long Thành, mở rộng sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, Nội Bài cùng với hệ thống cảng biển, đường sắt tốc độ cao đang được đẩy mạnh, mở ra động lực phát triển bền vững lâu dài.
Việt Nam đã hoàn thành trước hạn nhiều chỉ tiêu trong Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG) và được Liên hợp quốc công nhận là một trong những nước đi đầu trong nỗ lực thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG). Công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, giáo dục thanh, thiếu niên, phát huy vai trò người cao tuổi, bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ... có những bước phát triển quan trọng; tuổi thọ trung bình của Việt Nam trong 30 năm qua tăng 9 tuổi, từ 65,5 tuổi năm 1993 lên 74,6 tuổi năm 2024; chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam được cải thiện rõ rệt, cao hơn nhiều so với các nước có cùng mức thu nhập; Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam lên vị trí 54/143 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trên bình diện quốc tế, từ vị thế bị cô lập, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia, là đối tác chiến lược hoặc toàn diện với 30 quốc gia, bao gồm cả 5 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và nhiều nước G20. Đảng ta cũng duy trì quan hệ với 253 chính đảng trên toàn thế giới, khẳng định vai trò và uy tín ngày càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế. Việt Nam ngày nay không chỉ là một đối tác tin cậy, một điểm đến an toàn cho đầu tư và du lịch, mà còn là quốc gia đóng vai trò chủ động trong việc tham gia xây dựng, định hình các thể chế đa phương, vì hòa bình, an ninh và phát triển bền vững toàn cầu.
Vững bước vào kỷ nguyên mới
Tự hào và tự tin vào thành tựu to lớn đạt được, nhưng chúng ta cũng luôn ý thức rằng, sự phát triển càng mạnh mẽ bao nhiêu thì những thách thức phải đối mặt cũng phức tạp, gay gắt bấy nhiêu, nhất là khi tình hình thế giới diễn biến phức tạp, nhanh và khó lường như hiện nay. Đổi mới và hội nhập quốc tế đòi hỏi một tinh thần tự giác, sáng tạo không ngừng. Nếu thiếu sáng tạo, thiếu ý chí, bản lĩnh vững vàng và trí tuệ thì thành quả sẽ bị ngưng đọng, thậm chí tụt hậu.
Thực tiễn cho thấy, Việt Nam vẫn đối diện nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế nếu không tiếp tục đẩy mạnh đổi mới. Xuất phát điểm thấp, hạ tầng yếu kém, trình độ dân trí và khoa học - công nghệ còn hạn chế là những bất lợi lớn. Thêm vào đó, trong cuộc đua tranh ngày càng gay gắt để thu hút vốn, công nghệ, bất kỳ sự chậm trễ nào cũng có thể khiến Việt Nam đánh mất cơ hội.
Song, cùng với những thách thức to lớn ấy là thế và lực mới vô cùng mạnh mẽ. Tổng hòa thành tựu của đất nước sau 50 năm thống nhất và gần 40 năm đổi mới đã tạo ra thế vững chắc cho chúng ta bước tới. Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong trí tuệ, có đường lối đúng đắn, được nhân dân tuyệt đối tin tưởng. Người Việt Nam cần cù, thông minh, giàu lòng yêu nước, có bản lĩnh cách mạng kiên cường, là những yếu tố bảo đảm cho sức mạnh nội sinh của quốc gia.
Đảng ta đã xác định rõ mục tiêu: Phát triển nhanh, bền vững, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, phát huy sức mạnh văn hóa, con người Việt Nam, kết hợp khối đại đoàn kết toàn dân tộc và sức mạnh thời đại; phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao.
Muốn đạt được mục tiêu ấy, chúng ta cần kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; tiếp tục nhất quán thực hiện đường lối đổi mới, hội nhập, phát triển toàn diện; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; xây dựng Nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa; tập hợp và phát huy tối đa nguồn lực sáng tạo và ý chí vươn lên của toàn dân.
Trong bối cảnh thế giới biến động khó lường, bản lĩnh tư tưởng vững vàng, sự tỉnh táo, chủ động và linh hoạt là yêu cầu cấp thiết. Việt Nam kiên quyết không để bị cuốn vào các vòng xoáy địa - chính trị, không để rơi vào thế bị động trong xung đột quốc tế. Hơn ai hết, dân tộc ta trải qua lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước với bao hy sinh, mất mát to lớn của các thế hệ nối tiếp nhau luôn thấu hiểu giá trị của hòa bình và chúng ta nhất định sẽ làm tất cả để bảo vệ hòa bình, dựng xây đất nước “ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đi đôi với đó, việc xây dựng nền kinh tế tự lực tự cường, nền quốc phòng toàn dân hiện đại, một xã hội phát triển văn hóa, nhân văn và đoàn kết càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Trong kỷ nguyên số và toàn cầu hóa, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, với khoảng 6 triệu người, là một phần không thể tách rời của khối đại đoàn kết dân tộc, là nguồn lực quý giá cho công cuộc phát triển đất nước.
Chúng ta tin tưởng rằng, với nền tảng thế và lực vững chắc xây đắp sau 50 năm thống nhất đất nước, với bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, với đường lối đúng đắn, kiên định và sáng tạo, dân tộc Việt Nam nhất định sẽ vươn lên mạnh mẽ, bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, xây dựng thành công một nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, hạnh phúc, sánh vai cùng các cường quốc năm châu như Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn.
Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/tuong-lai-tuoi-sang-cua-mot-viet-nam-vuon-minh-post610359.antd