Tượng mồ

Hồi mới lên Tây Nguyên, về bất cứ làng nào, tôi cũng bắt gặp những không gian tượng mồ huyền hoặc, hư ảo. Những bức tượng gỗ thô mộc mà kỳ bí, lại được gắn trong một không gian phảng phất nét mơ hồ âm bản cuối chiều tà. Nó ma mị lôi cuốn. Nó mê hoặc quyến rũ lạ kỳ.

Tượng mồ là một trong số những “bí tích” của người Tây Nguyên. Người Tây Nguyên quan niệm con người có 3 trạng thái dạng thức: thể xác, bóng hình và linh hồn. Tượng mồ có lẽ là hình thức bóng hình nào đó của con người!

Theo quan niệm của người Tây Nguyên, trong chuỗi vòng đời con người, khi mới chết, hồn sẽ ở tạm dưới nhà mồ và quẩn quanh nơi trần gian. Thời gian đầu, hồn không lìa bỏ hẳn thế giới của người sống. Người sống và người chết vì vậy vẫn còn quyến luyến với nhau. Người sống vẫn thường nói chuyện, nuôi hồn, tiếp rượu hàng ngày cho người chết. Chỉ khi làm lễ bỏ mả, người sống và người chết mới hoàn toàn rời bỏ được nhau, linh hồn người chết mới được giải phóng khỏi nơi nhà mồ để về cõi Mang Lung.

Trong lễ bỏ mả, người Tây Nguyên nhất thiết phải tạo dựng những bức tượng mồ. Đó là những bức tượng làm từ thân cây rừng. Chúng được đẽo tạc bằng những công cụ hết sức thô sơ như rìu, dao rựa. Nghệ nhân tạc tượng hình như bị rơi vào một trạng thức tinh thần huyền bí, mang tính ngẫu hứng. Đó là những tác phẩm điêu khắc độc bản, nhưng khá đa dạng phong phú, mô tả cuộc sống, tâm tư tình cảm của con người. Trong đó, ấn tượng nhất là tượng những người đàn bà chống cằm ôm mặt với nét hiu buồn thăm thẳm. Tượng sẽ thay người đưa hồn ma đi suốt chặng đường về cõi Mang Lung cô đơn mờ mịt. Một đi không trở lại…

Tượng nhà mồ của người Jrai. Ảnh: Đức Thụy

Tượng nhà mồ của người Jrai. Ảnh: Đức Thụy

Đó có thể là những hình nhân thế mạng đi theo người chết. Thuở xưa, vua chúa phương Đông khi quy tiên, người ta phải chôn theo rất nhiều phi tần, những kẻ hầu hạ. Đó được coi như là sự tiết liệt của những người đàn bà thủy chung thủ tiết. Về sau, thay vì chôn sống người tùy tùng hầu hạ theo người chết, người ta đã chôn các hình nhân thế mạng bằng gốm, đất nung hoặc các chất liệu khác.

Có lẽ người Tây Nguyên trước đây cũng có lối hiến tế người sống. Giả như bắt được tù binh, làm lễ hiến tế người bị chết vì binh đao chăng?… Trong “Hiến pháp vương quốc Sê Đăng” của Marie de Mayrena, hồi năm 1888, có một điều luật “từ nay về sau, việc hiến tế người bị cấm”, thể hiện sự cấm đoán hành vi man rợ trong việc hiến tế. Nỗi nhớ hiến tế được thỏa mãn bởi sự thay thế bằng các hình nhân. Có thể tượng mồ có vai trò hình bóng của con người là thế!

Những bức tượng mồ phải hơi cũ, tàn phai, nhuốm màu sương gió bàng bạc mới nổi hồn vía. Nó mang hình bóng những họa tiết đâu đó giữa Thái Bình Dương thăm thẳm bao la. Một nỗi nhớ biển đê mê nơi chốn đại ngàn sâu thẳm… Và theo thời gian mưa nắng, những bức tượng mồ dần mục nát giữa cụm nhà mồ hoang phế, như ký ức những đời người từng thời khắc đi vào quên lãng… đi vào bất tận xa xôi… Đó là khoảnh khắc cái đẹp trước vĩnh hằng thời gian!

PHẠM ĐỨC LONG

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12382/202207/tuong-mo-5784760/