Tướng Mỹ lạc quan về LCS khi có tên lửa tàng hình
Hải quân Mỹ quyết định trang bị tên lửa tàng hình NSM cho LCS, lớp tàu chiến ven biển bị chê nhiều hơn khen kể từ khi chúng ra đời.
Hãng Kongsberg thông báo rằng đã nhận được đơn đặt hàng từ nhà thầu Raytheon Missiles & Defense với Tên lửa tấn công hải quân (NSM) theo chương trình Hệ thống vũ khí vượt chân trời (OTH WS) của Hải quân Mỹ. Hợp đồng có tổng trị giá 128 triệu USD.
"Đơn hàng là một phần của thỏa thuận khung OTH WS được công bố từ ngày 31 tháng 5 năm 2018. Chúng tôi đã ký các đơn đặt hàng theo thỏa thuận khung này.
Đây là đơn đặt hàng tên lửa tấn công hải quân lớn nhất từ Hải quân Mỹ cho đến nay. Điều này tạo ra việc làm và nhu cầu tăng năng lực sản xuất, cho cả chúng tôi và các nhà cung cấp của chúng tôi", Eirik Lie, Chủ tịch Kongsberg Defense & Aerospace cho biết.
Theo tờ Defense Express, Hải quân Mỹ có kế hoạch trang bị cho 31 tàu chiến đấu ven biển (LCS) tên lửa tấn công NSM. Ban đầu Mỹ dự định chế tạo tàu LCS theo kiểu module hóa nhưng kế hoạch này đã không diễn ra theo đúng dự định.
Chiến hạm LCS đã gặp khó khăn trong việc tìm kiếm vị trí của nó trong các Hạm đội của Hải quân Mỹ. Tuy nhiên, trong bài phát biểu mới nhất, Đô đốc Mỹ Mike Gilday cho biết chúng tôi rất lạc quan về sự phát triển của tàu chiến LCS.
Tên lửa NSM do Kongsberg hợp tác phát triển cùng Raytheon được đánh giá sẽ đóng vai trò trung tâm trong chương trình tự vệ trên biển của Hải quân Mỹ.
Tên lửa chống hạm có tầm bắn khoảng 185 km này sẽ không chỉ được lắp đặt trên 31 tàu LCS mà còn trên lô đầu tiên của ít nhất 10 Khinh hạm tàng hình lớp Constellation sẽ gia nhập Hải quân Mỹ thời gian tới.
NSM, được Kongsberg hoàn thiện sau khi hãng dành hơn 10 năm khắc phục các nhược điểm của sản phẩm, trở thành tên lửa diệt hạm thế hệ 5 có khả năng tấn công chính xác hàng đầu thế giới.
Giới quân sự phương Tây đánh giá, NSM có sức mạnh vượt qua Kh-35 Uran-E của Nga và Harpoon hiện tại của Mỹ. Một trong số các tính năng nổi bật của NSM là khả năng tránh các hệ thống phòng thủ ở giai đoạn cuối nhờ trang bị radar, công nghệ tàng hình và khả năng cơ động.
Đặc biệt, nó được thiết kế để chuyên tấn công các mục tiêu được bảo vệ nghiêm ngặt. Để làm được điều đó, NSM được chế tạo từ vật liệu tổng hợp (composite) có khả năng hấp thu sóng radar rất mạnh, cho khả năng tàng hình cực cao.
Tên lửa này có khả năng "lướt trên ngọn sóng" do chúng bay ở độ cao dưới 10 m so với mặt biển, và dùng cảm biến thụ động để tìm mục tiêu. Điều làm nên sự đặc biệt tiếp theo của NSM là chúng không phát ra tia hồng ngoại hay radar mà tàu đối phương có thể phát hiện.
Cùng với đó, NSM còn được trang bị công nghệ dẫn hướng rất hiện đại, kết hợp giữa hệ thống lái theo quán tính kết hợp tham chiếu bản đồ số thông qua hệ thống định vị toàn cầu GPS.
Khi tấn công mục tiêu trong giai đoạn bay cuối, tên lửa khóa mục tiêu bằng cảm biến hình ảnh hồng ngoại thụ động 2 băng tần cho phép phân biệt các đối tượng cần tiêu diệt trong môi trường lộn xộn.
Tờ Defense Express cho rằng, chính những tính năng tối tân đặc biệt của NSM là nguyên nhân khiến Hải quân Mỹ chọn tên lửa này mà không phải loại nào khác trang bị cho hạm đội tàu LCS.