Tượng nhà mồ Tây Nguyên trong không gian công cộng
Nghệ thuật đẽo tượng nhà mồ Tây Nguyên, một loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo không dễ giữ gìn và truyền dạy đang xuất hiện ngày càng nhiều trong đời sống dùng để trang trí sân vườn, cảnh quan. Đây có phải là xu hướng tốt để bảo tồn văn hóa hay không?
Nghệ nhân Ksor H’nao, người đẽo tượng nhà mồ nổi tiếng làm ra những bức tượng như có linh hồn ở làng Kép, thành phố Pleiku, Gia Lai bày tỏ quan điểm: “Việc người ta yêu thích tượng nhà mồ, biến nghệ thuật dân gian mang tính tâm linh này trở thành thú chơi là một cách giữ lại nghệ thuật. Bây giờ lễ bỏ mả người ta cũng không còn làm lễ to như xưa nữa, người biết đẽo tượng ngày càng ít. Không truyền bá rộng rãi để nhiều người biết đến sợ là nghệ thuật này sẽ biến mất”.
Nghệ thuật đẽo tượng nhà mồ của dân tộc Gia Rai vùng Tây Nguyên vốn là một nghi thức thường có trong lễ bỏ mả của họ. Giống như nghệ thuật cắt giấy, làm nhà táng, vẽ tranh thờ... của các dân tộc khác, việc đẽo tượng nhà mồ thường không được tổ chức ngoài quy mô của một lễ tang ma.
Nguyên thủy, người đẽo tượng và thân quyến của người đã khuất muốn làm lễ bỏ mả cần phải chuẩn bị nhiều công đoạn trong đó có việc đẽo tượng nhà mồ một cách bí mật. Họ cùng nhau đẽo tượng khoảng 1 tháng trước khi diễn ra lễ bỏ mả. Sau đó, chuyển tượng đến ngôi mả làm lễ, dựng tượng, cúng bỏ mả và đoạn tuyệt với ngôi mộ, không thờ cúng nữa sau 3 năm đoạn tang.
Như vậy, tượng nhà mồ giống như hình tượng của người, của thú, của vạn vật cây cỏ mà người thân của người đã khuất để lại bầu bạn với người dưới mộ. Vì vậy, việc đẽo tượng là việc nghĩa tình, thường làm không công, hoặc các thầy cúng kiêm luôn việc đẽo tượng. Không ai để ý phán xét những bức tượng gỗ đẹp xấu, vô hồn hay biểu cảm, cũng rất ít bàn soạn các quan điểm về chúng. Bởi đó là việc gắn với đời sống tâm linh của nhiều dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.
Đáp ứng việc nghiên cứu giữ gìn văn hóa truyền thống, nghệ thuật đẽo tượng nhà mồ gần như được hồi sinh mạnh mẽ sau một thời gian mai một, thất truyền. Những nghệ nhân biết đẽo tượng và hiểu được nghệ thuật này còn lại rất ít. Vì vậy, tượng nhà mồ càng hiếm, hiếm nữa thì trở nên đắt đỏ, gây tò mò và dấy lên việc sưu tầm, gìn giữ.
Một thập kỷ đã trôi qua đánh dấu việc tượng nhà mồ không còn ở nhà mồ nữa mà đã tràn ra các không gian công cộng, khu du lịch, quán cà phê, nhà hàng, bảo tàng, sân vườn các gia đình. Tại các thành phố trung tâm đô thị của khu vực Tây Nguyên như Pleiku, Buôn Ma Thuột, Đà Lạt... hầu như quán xá, nơi đông người đều có trưng bày và trang trí tượng gỗ phong cách tượng nhà mồ.
Những người sưu tầm, đặt làm tượng gỗ cho cơ sở lưu trú, khách sạn, nhà hàng, quán cà phê của mình đều cho rằng, họ bị cuốn hút bởi những bức tượng gỗ xù xì, đậm chất truyền thống nên bắt kịp xu hướng trang trí không gian này. Mặt khác, trang trí sân vườn và không gian ngoài trời bằng tượng gỗ dạng này đều mang lại hiệu ứng tốt về mặt thẩm mĩ.
Tượng gỗ rất dễ phối hợp với thảm cây xanh và các công trình, các mảng miếng chi tiết, khối trang trí bằng gỗ khác. Tượng gỗ mang lại vẻ thân thiện với môi trường và có một giá trị đặc biệt khiến những không gian sân vườn trở thành những câu chuyện kể thú vị. Hình ảnh của đại ngàn, của bề dày truyền thống dân tộc, nhân sinh quan của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên được tái hiện lại chỉ bằng các khối tượng gỗ vô tri. Có vẻ như xu hướng này sẽ ngày càng phát triển và không có trở ngại nào.
Tuy nhiên, các nghệ nhân đồng tình với việc tượng gỗ được phổ rộng bằng cách đời sống hóa nó thì cũng chính là những người lo ngại rằng, giá trị truyền thống của tượng gỗ sẽ mất đi, mai một và tệ hơn là nó sẽ biến hình ra một dạng nào đó, phá cái nguyên gốc, pha tạp nhiều thứ đương đại không thể kiểm soát. May mắn là tượng gỗ Tây Nguyên không dễ bị phá hỏng như thế. Bằng chứng là không phải ai biết đẽo tượng cũng có thể trao cho bức tượng một vẻ đẹp sống động.
Đẽo tượng gỗ phải đẽo bằng rìu, nghe đã khó luôn từ ban đầu. Người truyền dạy ít, người yêu thích và kiên trì để học cũng ít. Đã học rồi không phải ai cũng thành công. Các khu du lịch muốn có một vườn tượng thường phải năn nỉ mời các nghệ nhân về ở cả tháng, bồi dưỡng nhiều thù lao và dành không gian, thời gian để các nghệ nhân mặc sức sáng tạo thì mới có một vườn tượng như ý.
Những người hiểu biết về tượng gỗ không dùng các loại máy cưa cắt mài hiện đại, mà dùng rìu thủ công. Các vết đẽo gọt phải thô mộc, không được mài nhẵn, không sơn bóng. Tượng gỗ phải có hồn vía của núi rừng Tây Nguyên, nếu mài gọt bằng máy thì chỉ làm ra những món đồ như đồ gỗ trang trí rẻ tiền mà thôi, không có hồn vía, không có cảm xúc và như vậy cũng không phải tượng gỗ Tây Nguyên.
Đời sống văn hóa, du lịch ở Tây Nguyên ngày càng phát triển, cảnh quan được tu bổ ở cả thành thị và nông thôn ngày càng mang một vẻ đẹp chỉn chu, sạch sẽ. Tượng gỗ dần ít đi ở nhà mồ, nhiều lên ở sân vườn, cảnh quan là một xu hướng đáng chú ý.
So với việc đắp các bức tượng khổng lồ bằng bê tông, dựng các nhân vật mà người bản địa chẳng biết là ai như ở các khu du lịch hiện nay, đưa tượng gỗ Tây Nguyên vào cảnh quan sân vườn, nơi công cộng, không gian sống là một xu hướng mới mẻ, thẩm mỹ, hòa nhuyễn với môi trường, phù hợp với mục tiêu sống xanh, lập làng sinh thái, khu dân cư văn hóa.
Cuộc chơi tượng gỗ sân vườn cũng không dành cho người không hiểu biết về văn hóa dân tộc và nghệ thuật dân gian. Chưa kể đối với một đất nước nhiệt đới mưa nhiều như Việt Nam, tác phẩm nghệ thuật bằng gỗ đặt ngoài trời nhanh chóng phải thay mới, phải giữ gìn. Vượt lên trên tất cả các yếu tố đó, tượng gỗ Tây Nguyên là những tác phẩm nghệ thuật dân gian giàu cảm xúc, giàu suy tưởng đối với một thời đại nhiều sắc thái của chúng ta hiện nay.