Tưởng nhớ chiến sĩ quốc tế, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập
Đồng chí Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập qua đời là một tổn thất lớn lao, để lại niềm tiếc thương sâu sắc cho người thân, bạn bè, đồng chí ở Hy Lạp và Việt Nam.
Đồng chí Kostas Sarantidis sinh ra trong một gia đình công nhân ở miền bắc Hy Lạp. Năm 1943, khi mới 16 tuổi, đồng chí bị bắt đi lính sang Đức phục vụ chế độ phát xít Hilter. Đến Nam Tư, đồng chí trốn thoát, sống vật vờ trên những chuyến tàu lửa ngược xuôi dọc biên giới Nam Tư - Hy Lạp.
Chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc, Kostas Sarantidis không có giấy tờ tùy thân, không có đường trở về Hy Lạp, bị bắt đưa vào trại tập trung ở Italy và gia nhập đội quân lê dương theo lời rủ rê của bạn bè. Đồng chí nghe người Pháp mô tả Sài Gòn là một thành phố đẹp nhất Á Đông với những dòng sông thơ mộng, những “con thuyền huyền bí” và bao điều kỳ lạ, hấp dẫn.
Nhưng khi cập bến Sài Gòn, đứng trên boong tàu, nhìn thành phố, chàng trai trẻ thấy quang cảnh thật là trái ngược. Nước sông Sài Gòn đầy rác rưởi, xác súc vật chết nổi lềnh bềnh. Trên mặt đất là những hầm trú ẩn, những nhà kho đầy xe quân sự Mỹ. Xa hơn một chút là tàn tích sự sụp đổ của phát xít Nhật.
Trên con đường lên Đà Lạt, xuống Phan Rang, Phan Thiết, đồng chí đã tận mắt chứng kiến cảnh giết người, cướp của, đốt nhà tàn bạo của lính lê dương dưới sự chỉ huy của các sĩ quan Pháp không khác gì phát xít Hitler đối xử với nhân dân Hy Lạp. Đồng chí dứt khoát tìm mọi cách rời bỏ quân đội Pháp, đứng về phía Việt Nam đang chiến đấu để giành độc lập, tự do.
Ra đến vùng tự do, đồng chí gia nhập ngay vào quân Việt Nam kháng chiến. Người chỉ huy đơn vị quân đội đầu tiên đồng chí được gặp đã đặt cho Kostas Sarantidis cái tên Việt Nam là Nguyễn Văn Lập. Từ đây, đồng chí chính thức trở thành “Anh bộ đội Cụ Hồ”.
Chín năm kháng chiến ở chiến trường Khu 5, đồng chí đã hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Đồng chí được kết nạp vào Đảng tại Tiểu đoàn 365 đóng ở Phú Yên.
Chín năm kháng chiến chống Pháp, đồng chí được phân công nhiều nhiệm vụ khác nhau trong các đơn vị quân đội chính quy Liên khu 5. Đồng chí có mặt trong nhiều trận chiến đấu ác liệt ở khúc ruột miền trung. Thời kỳ đầu làm công tác địch vận ở chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng, đồng chí đã lập công xuất sắc.
Làm xạ thủ trung liên 12 ly 7, đồng chí đã cùng đồng đội bắn rơi tại chỗ chiếc máy bay Morane ở gần ga Phú Cang (Quảng Nam). Ba tên giặc lái bị bắt đã trố mắt, cực kỳ ngạc nhiên thấy “hai ông Tây” trong hàng ngũ Việt Minh đã bắn hạ mình. Trong trận chống lính Âu - Phi đi càn quét ở Hương An - Bà Rén ngày 13/4/1948, đồng chí đã cùng đồng đội ở Tiểu đoàn 39 chiến đấu kiên cường, bắn xối xả vào địch, đỏ cả súng máy, diệt gọn 200 lính địch, bẻ gãy cuộc càn quét.
Sau Hiệp định Geneva 1954, đồng chí được phân công dẫn tù binh trao trả ở Quy Nhơn, rồi đi tập kết. Ra miền bắc, đồng chí tham gia chống đói, chống địch cưỡng ép đồng bào miền bắc di cư vào miền nam, bảo vệ đội cải cách ruộng đất, làm trung đội trưởng trung đội cung tiêu sân bay, làm phiên dịch tiếng Đức cho chuyên gia Nhà máy in Tiến Bộ, lái xe tải ở mỏ than Na Dương, mỏ thiếc Cao Bằng. Thỉnh thoảng được mời đóng các "vai Tây" trong phim, có bộ phim, đồng chí đóng cả ba vai: lính chiến, sĩ quan, phi công... Bất cứ nhiệm vụ nào đồng chí cũng làm hết sức mình với hiệu quả cao.
Năm 1958, đồng chí kết hôn với một cô gái Hà Nội, sinh được bốn người con: một trai, ba gái. Tất cả đều được đặt tên Việt Nam: Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Thị Bạch Tuyết, Nguyễn Thị Bạch Nga, Nguyễn Thị Tự Do.
Trải qua quãng đời trẻ trung, sôi nổi, rất có ý nghĩa ở Việt Nam, đồng chí gắn bó với đất nước này đến mức không nghĩ đến việc rời Việt Nam, dù cuộc sống còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn.
Điều day dứt nhất đối với đồng chí là hơn mười năm xa gia đình, đồng chí không được tin tức gì của mẹ. Năm 1954, đồng chí nhờ một tù binh trở về cố quốc chuyển giúp bức thư đến mẹ. Cuối năm, đồng chí nhận được thư trả lời. Đồng chí “đọc suốt 10 ngày, cứ giở ra là khóc”. Mẹ đồng chí viết: bà đã mặc áo đen và dặn con trở về vuốt tóc cho mẹ.
Đáp lại nguyện ước của mẹ thân yêu, năm 1965, đồng chí cùng các con rời quê ngoại về cố hương Hy Lạp. Năm đầu về Hy Lạp, gia đình gặp vô vàn khó khăn, túng bấn. Không có quốc tịch Hy Lạp, vắng mặt quá lâu lại không trải qua quân dịch, cho nên đồng chí không tìm được việc làm, không có gì để ăn.
Sống trong một căn buồng 10m2 do bố mẹ để lại, Kostas Sarantidis thường ra nhà hàng xin đầu gà, chân gà mà người ta loại bỏ, về nấu ăn. Đồng chí không dám nhận mình là người Hy Lạp, nói dối là lấy những thứ trên về làm thuốc chữa bệnh! Mỗi ngày một bọc chân gà, đầu gà đã nuôi sống cả nhà anh trong một năm.
Thế rồi bằng lái xe ở Việt Nam của đồng chí đã được thừa nhận có giá trị và đồng chí được công nhận lại là công dân Hy Lạp.
Năm 1975, nghe tin Việt Nam hoàn toàn đại thắng, thống nhất đất nước, Kostas Sarantidis nhảy lên vì quá sung sướng. Đồng chí đã giữ rất cẩn thận các kỷ vật về Việt Nam. Ngay cả chiếc mũ cối mà ngày nay Việt Nam cũng ít người dùng, đồng chí cũng mang theo những khi ra nước ngoài.
Từ ngày trở về Hy Lạp đến khi trút hơi thở cuối cùng, đồng chí luôn hướng về Việt Nam, luôn coi mình là công dân Việt Nam, quê hương thứ hai. Đồng chí tham gia Đảng Cộng sản Hy Lạp, làm đầu mối liên lạc giữa các tổ chức Đảng, công đoàn Đoàn thanh niên Việt Nam sang thăm Hy Lạp với các cơ quan hữu quan ở Hy Lạp, làm nòng cốt vận động thành lập Hội Kiều bào yêu nước, vận động quyên góp tiền và đem sang Việt Nam ủng hộ nạn nhân bị bão lụt ở Quảng Nam (năm 2007), Hà Tĩnh (năm 2010), trực tiếp giúp đỡ hai cháu bé bị bệnh tim bẩm sinh ở Sóc Sơn (năm 2009).
Đồng chí viết và in cuốn hồi ký Tại sao tôi theo Việt Minh, tự mình đi in rồi bán lấy tiền ủng hộ Quỹ Nạn nhân chất độc da cam ở Đà Nẵng lên đến 150 triệu đồng.
Quãng đời chiến đấu, hoạt động sôi nổi, hào hùng trong Quân đội Nhân dân Việt Nam được đồng chí ghi lại rất chân thật, sống động trong hai tập hồi ký: Tại sao tôi theo Việt Minh và Ở một trại tù binh Nam Việt Nam. Đây là hai tác phẩm có giá trị lịch sử, tư tưởng, văn học rất hấp dẫn, lý thú, bổ ích.
Kostas Sarantidis đã nhiều lần trở lại Việt Nam thăm chiến trường xưa ở Khu 5, dự kỷ niệm Ngày thành lập Trung đoàn 803, gặp lại đồng đội, bà con nông dân ở các làng quê nơi đồng chí đã từng sống, dự Đại hội chiến sĩ thi đua toàn quốc...
Nhà nước Việt Nam đã tặng đồng chí nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Chiến công hạng nhất, Huân chương Hữu nghị... Năm 2010, đồng chí được Nhà nước ta quyết định công nhận quốc tịch Việt Nam.
Tháng 1/2011, đồng chí được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trao tặng Huân chương Hữu nghị. Năm 2013, đồng chí được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân và là người nước ngoài duy nhất được phong tặng danh hiệu cao quý này của Việt Nam từ trước đến nay.
Đồng chí Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập qua đời là một tổn thất lớn lao, để lại niềm tiếc thương sâu sắc cho người thân, bạn bè, đồng chí ở Hy Lạp và Việt Nam.
Dưới đây là một số hình ảnh ghi lại kỷ niệm với Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập do nhà báo lão thành Đặng Minh Phương cung cấp cho Nhân Dân điện tử:
Nhà báo Đặng Minh Phương (thứ hai, từ bên phải) chia vui với đồng chí Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập trong ngày đồng chí quay lại Việt Nam nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Những người bạn Việt Nam - Hy Lạp.
Đồng chí Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập cầm trên tay cuốn sách do nhà báo Đặng Minh Phương gửi tặng.
(Ảnh do nhà báo Đặng Minh Phương cung cấp)