Tưởng niệm GS Tô Ngọc Thanh

GS.TSKH Tô Ngọc Thanh, nguyên Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã ra đi vĩnh viễn. Khắp nơi, trong và ngoài nước, biết bao nhiêu điều trân trọng, kính mến, thương tiếc đã được tỏ bày.

GS.TSKH Tô Ngọc Thanh. Nguồn: vietnamnet

GS.TSKH Tô Ngọc Thanh. Nguồn: vietnamnet

1 Đối với Hội Văn nghệ dân gian và Văn nghệ các dân tộc thiểu số (VNDG&VNCDTTS) tỉnh Phú Yên, GS Tô Ngọc Thanh đã dành nhiều công sức xây dựng và luôn có tình cảm sâu sắc với các hội viên. Cách đây 30 năm, chính giáo sư đã đề xuất việc thành lập hội và 1 năm sau đó, UBND tỉnh ra Quyết định 1083 ký ngày 14/9/1995 cho phép thành lập Hội Văn nghệ dân gian và Văn hóa các dân tộc tỉnh Phú Yên (đến năm 2011 đổi tên thành Hội VNDG&VNCDTTS tỉnh Phú Yên). 30 năm với biết bao ân tình. Cho đến nay, Hội VNDG&VNCDTTS tỉnh Phú Yên vẫn hoạt động hiệu quả, gắn bó mật thiết với Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.

GS.TSKH Tô Ngọc Thanh có 3 khóa làm Tổng Thư ký Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam và 2 khóa liên tiếp làm Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam (nhiệm kỳ 2010-2015 và 2015-2020). Vậy nên, ông như người được mặc định cai quản ngôi nhà chung Văn nghệ dân gian Việt Nam. Là con trai cả của danh họa Tô Ngọc Vân, được học hội họa từ nhỏ nhưng GS Tô Ngọc Thanh lại chọn đi theo con đường nghiên cứu âm nhạc dân tộc và là một trong những người có học hàm, học vị cao nhất trong nước về âm nhạc dân tộc.

Nhớ kỷ niệm năm đại hội toàn thể hội viên tại khách sạn Giảng Võ, một số tân hội viên Phú Yên lần đầu gặp gỡ các vị lãnh đạo hội, không sao quên hình ảnh gần gũi “giống như ở quê mình” của GS Tô Ngọc Thanh và các giáo sư trong ban chấp hành. Đêm ấy Giảng Võ bị cúp điện, lúc họp trù bị, GS Trần Quốc Vượng cầm ngọn nến soi cho GS Tô Ngọc Thanh phổ biến chương trình đại hội. Ánh nến nhỏ, lung linh trên tay GS Vượng không đủ sáng khắp hội trường, chỉ soi rõ nét mặt GS Thanh trầm tĩnh, có phần đăm chiêu, nhưng tất cả đều im lặng, nghiêm túc lắng nghe.

Niềm tin tưởng, sự gần gũi thân tình lan tỏa từ những người lãnh đạo hội đến tất cả thành viên. Những lần đại hội sau ở Tây Hồ, ở La Thành…, phương tiện đầy đủ hơn, hai vị giáo sư đầu ngành vui hơn. Lần ở Tây Hồ, trong bữa ăn, một hội viên đến từ Nam Trung Bộ gọi nước mắm, nhà hàng đem ra một thứ nước chấm pha trộn chẳng ra sao. Chuyện nhỏ vậy mà GS Thanh cũng để ý và phân trần để anh em hiểu về tình trạng này.

Trại viết Văn nghệ dân gian (có lẽ là đầu tiên) tại Bách Khoa, các hội viên Phú Yên đi bằng tàu lửa, lại trúng ngày bão lụt, một đoạn đường sắt bị sạt lở, đêm ấy phải ngủ lại trên tàu ở Tam Kỳ. Đến khi thông đường, tàu ra đến Hà Nội thì đã khuya. Thật bất ngờ và cảm động, GS Tô Ngọc Thanh đã nhờ nhân viên hội (cô Phạm Thủy Chung) ra đón, gọi taxi đưa về khu Tạ Quang Bửu. Hà Nội hôm ấy rất lạnh, nhưng ai cũng thấy lòng ấm áp.

GS Tô Ngọc Thanh đã nhiều lần đến Phú Yên. Năm 2006, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phối hợp với Trường cao đẳng Sư phạm Phú Yên (tiền thân của Trường đại học Phú Yên ngày nay) tổ chức Hội thảo về văn hóa sông nước miền Trung. Rất nhiều nhà nghiên cứu văn học dân gian và văn hóa đã tập trung về Tuy Hòa. Bài phát biểu của GS Tô Ngọc Thanh và báo cáo đề dẫn của GS Trần Quốc Vượng khiến cho ai nấy đều xúc động với tinh thần văn hóa dân tộc là cội nguồn, là chỗ dựa cho mọi sự phát triển.

Năm 2011, GS Tô Ngọc Thanh cùng các trụ cột trong Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã phối hợp với Trường đại học Phú Yên tổ chức tại Tuy Hòa lớp tập huấn về phương pháp sưu tầm nghiên cứu văn hóa văn nghệ dân gian, trang bị cho hội viên tại Phú Yên những kiến thức chuyên môn quý báu. Nhờ vậy, nhiều người chỉ vì đam mê mà đến với công việc sưu tầm, nghiên cứu văn nghệ dân gian được có thêm kiến thức, chuyên môn và có thêm kỹ năng sưu tầm, kinh nghiệm đi điền dã, phỏng vấn, diễn đạt, trình bày.

GS Tô Ngọc Thanh (hàng đầu, thứ sáu, từ phải sang) chụp ảnh lưu niệm sau buổi tập huấn về sưu tầm nghiên cứu văn nghệ dân gian do Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tổ chức tại Phú Yên năm 2011. Ảnh: THU TRANG

GS Tô Ngọc Thanh (hàng đầu, thứ sáu, từ phải sang) chụp ảnh lưu niệm sau buổi tập huấn về sưu tầm nghiên cứu văn nghệ dân gian do Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tổ chức tại Phú Yên năm 2011. Ảnh: THU TRANG

2 Trong Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, GS Tô Ngọc Thanh và GS Trần Quốc Vượng là những người đi nhiều. Chiếc xe của văn phòng hội đã chở ông liên tục vào Nam, ra Bắc, lên vùng núi cao, vào cả những buôn làng hẻo lánh. Trên đường thiên lý xuôi ngược Bắc - Nam, nhiều lần giáo sư đã ghé lại Phú Yên cùng trò chuyện, trao đổi, giải đáp mọi yêu cầu cần hiểu biết của hội viên. Ông cũng là vị chủ tịch hội hay gọi điện hỏi thăm việc gia đình, việc nghiên cứu, sưu tầm, phổ biến văn nghệ dân gian.

Trái tim GS Tô Ngọc Thanh ngừng đập vào lúc 8 giờ 34 ngày 24/4/2024 (tức ngày 16/3 năm Giáp Thìn) tại nhà riêng ở Hà Nội. Tang lễ ông được tổ chức vào lúc 7 giờ 30 hôm nay - ngày 6/5/2024, tại Nhà tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hai Bà Trưng, Hà Nội). GS Tô Ngọc Thanh ra đi, để lại một khoảng trống lớn lao cho sự nghiệp tìm kiếm, lưu giữ, phổ biến các di sản văn hóa dân tộc.

Sự quan tâm của GS Tô Ngọc Thanh cùng với Ban Chấp hành Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam từ lâu đã thành chất keo gắn kết, để mọi người đồng tâm cố gắng hơn. Nhờ vậy, hầu hết hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tại Phú Yên đều đã được đi dự các trại viết, được nhận tài trợ sáng tạo, có các công trình nghiên cứu đạt giải thưởng cao của hội, của Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, có nhiều công trình nghiên cứu, tác phẩm được xuất bản.

Còn nhớ trong kỳ đại hội nhiệm kỳ 2020-2025, đoàn đại biểu đến từ Phú Yên được trò chuyện, hàn huyên với giáo sư rất lâu tại khách sạn. Những năm cuối đời, dù đã bước vào tuổi 90, chân đã yếu và mắt không còn tinh anh, trí nhớ ông vẫn minh mẫn và tinh thần ông vẫn không quên hướng về việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống.

Trong các cuộc họp, hội thảo, trao đổi công việc, mọi người luôn gọi giáo sư một cách trân trọng với chức danh đầy đủ, nhưng trong lúc nói chuyện thân tình, các hội viên cao tuổi thường gọi GS Tô Ngọc Thanh là anh, hội viên ít tuổi hơn và lớp trẻ gọi giáo sư là thầy, là bác, như cùng trong gia đình - gia đình Văn nghệ dân gian.

GS Tô Ngọc Thanh rời xa cõi tạm. Dù vẫn biết quy luật sinh - lão - bệnh - tử, dù vẫn theo dõi, hỏi thăm tình hình sức khỏe của giáo sư, chúng tôi vẫn cảm thấy hụt hẫng và đau buồn. GS Tô Ngọc Thanh để lại cả một khoảng trống lớn lao cho sự nghiệp tìm kiếm, lưu giữ, phổ biến các di sản văn hóa dân tộc.

Thông thường, khi tưởng niệm người đã khuất, dân gian hay nói “lễ bạc tâm thành”. Hội VNDG&VNCDTTS tỉnh Phú Yên từ xa xin bái vọng hương hồn GS Tô Ngọc Thanh, xin gửi lời chia buồn sâu sắc đến Ban Chấp hành Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam và gia đình giáo sư. Chúng tôi cầu mong ngôi nhà chung Văn nghệ dân gian Việt Nam vẫn vững bền, ấm áp như khi GS Tô Ngọc Thanh còn sống.

Lời lẽ mộc mạc của chúng tôi đúng là “lễ bạc”, nhưng đó là tất cả “tâm thành”! Từ tận đáy lòng, chúng tôi - những hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tại Phú Yên vẫn luôn kính trọng, yêu quý giáo sư, như một người thân thương trong gia đình.

TRẦN SĨ HUỆ

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/93/316049/tuong-niem-gs-to-ngoc-thanh.html