Tương quan lực lượng giữa các nhóm chính trị

Là một trong những cuộc bầu cử lớn nhất thế giới và có ảnh hưởng bậc nhất trong năm nay, cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) được cho là sẽ chứng kiến sự chuyển dịch đáng kể sang cánh hữu.

Trong EP, các nghị sĩ tự tổ chức thành các nhóm chính trị, tập hợp các đại diện từ các quốc gia EU khác nhau dựa trên mối quan hệ chính trị của họ. Theo quy định, một nhóm chính trị phải có ít nhất 23 nghị sĩ từ ít nhất một phần tư số quốc gia thành viên (tại thời điểm Anh chưa rời khỏi EU, nghĩa là từ ít nhất 7 quốc gia).

Phân bổ ghế theo các nhóm chính trị của Nghị viện châu Âu hiện tại. Nguồn: europarl

Phân bổ ghế theo các nhóm chính trị của Nghị viện châu Âu hiện tại. Nguồn: europarl

Chi phối cơ quan lập pháp của EU trong nhiệm kỳ 5 năm vừa qua Liên minh gồm 3 đảng: đảng Nhân dân châu Âu (EPP) trung hữu, Liên minh Xã hội và Dân chủ (S&D) trung tả và khối Phục hưng châu Âu (RE) theo chủ nghĩa tự do và trung dung.

Cùng nhau, những khối chính trị lớn nhất này chỉ đạo chính sách của EU, trong đó bao gồm Thỏa thuận Xanh châu Âu (European Green Deal) và phản ứng của EU đối với cuộc xung đột Nga - Ukraine, đồng thời nắm giữ các vị trí lãnh đạo hàng đầu tại các tổ chức EU.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, các đảng cực hữu đang trỗi dậy khắp châu Âu, với việc nhận được sự ủng hộ từ các cử tri trẻ tuổi. Nhiều đảng có chương trình nghị sự chống người nhập cư thậm chí còn nhận được sự ủng hộ từ những cử tri lần đầu tiên tham gia cuộc bầu cử.

Theo các cuộc thăm dò ý kiến mới nhất từ European Elects, liên minh cầm quyền, bao gồm EPP, S&D và RE, dự kiến sẽ giữ đa số với 361 ghế. Trong đó, EPP 182 ghế, S&D 136 ghế, và nhóm tự do trung dung RE 86 ghế.

Ngoài ra theo dự báo của ECFR, cuộc bầu cử EP năm nay sẽ chứng kiến gần một nửa số ghế trong EP thuộc về các đảng không nằm trong liên minh lớn nhất. Cụ thể như sau.

Đảng Nhân dân châu Âu (EPP)

Khối EPP trung hữu là khối lớn nhất trong EP, hiện đang nắm giữ 178 ghế, với nòng cốt là các thành viên đảng CDU của Đức, với một số ít thành viên của Ba Lan và Romania. Trong 5 năm qua, khối này đã tạo dựng liên minh với khối Liên minh Xã hội và Dân chủ (S&D) trung tả và Khối Đổi mới châu Âu (RE) theo chủ nghĩa tự do và trung dung. Họ nắm các chức vụ cấp cao và thúc đẩy thông qua các chính sách như Thỏa thuận Xanh châu Âu (EGD). Nhưng khối này cũng ngày càng trở nên “hoài nghi” hơn đối với các nỗ lực chuyển đổi xanh trong thời gian chuẩn bị cho cuộc bầu cử. Số liệu thăm dò cho thấy EPP có thể giành được 182 ghế.

Liên minh Xã hội và Dân chủ (S&D)

Khối S&D trung tả là khối lớn thứ hai trong Nghị viện (141 ghế) với số thành viên lớn nhất đến từ đảng Công nhân Xã hội (PSOE) của Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez. S&D cho biết, ưu tiên của họ là cải thiện tình trạng thất nghiệp và làm cho xã hội trở nên công bằng hơn. Dự kiến số ghế của S&D sẽ không thay đổi nhiều với khoảng 136 ghế.

Khối Đổi mới châu Âu (RE)

Khối RE trung dung là khối lớn thứ ba trong liên minh cầm quyền tại EP với 101 ghế, trong đó đảng Phục hưng của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đóng vai trò chủ đạo. Đảng này đứng trước nguy cơ bị đảng Tập hợp quốc gia (Rassemblement National - RN) của chính trị gia cực hữu Marine Le Pen vượt qua trong cuộc bầu cử. Số liệu thăm dò cho thấy khối này có thể chứng kiến sự sụt giảm tương đối từ 101 còn 86 ghế.

Đảng Xanh/Liên minh Tự do châu Âu (G/EFA)

Đảng G/EFA - trong đó đảng Xanh của Đức là nòng cốt, đã khẳng định thành công trong kỳ lập pháp vừa qua với việc thúc đẩy thông qua Thỏa thuận Xanh châu Âu, một chương trình tham vọng chống biến đổi khí hậu, mặc dù liên minh này không nằm trong nhóm đa số. Nhưng liên minh này được dự báo sẽ gặp khó khăn lớn hơn trong cuộc bầu cử EP năm nay, thậm chí để mất một số ghế, khi các cử tri thấy rõ hơn cái giá phải trả của quá trình chuyển đổi xanh. Thăm dò cho thấy đảng này có thể sẽ chứng kiến số ghế từ 71 giảm còn 55.

Nhóm The Left - GUE/NGL

Nhóm The Left - GUE/NGL cánh tả, bao gồm các nghị sĩ từ đảng Nước Pháp bất khuất (La France Insoumise) của chính trị gia cực tả Jean-Luc Mélenchon, đảng Podemos Unida của Tây Ban Nha và đảng Die Linke của Đức. Nhóm này ưu tiên quyền của người lao động và công bằng kinh tế, bình đẳng cho phụ nữ và người thiểu số. Một cuộc ly khai cánh tả mới ở Đức của cựu đồng chủ tịch Die Linke Sahra Wagenknecht đã làm tăng thêm sự không chắc chắn về triển vọng của khối chính trị này. Các đảng cánh tả sẽ chứng kiến sự sụt giảm mạnh phiếu ủng hộ với số ghế 58 giảm còn 38.

Khối Bảo thủ và Cải cách châu Âu (ECR)

Từng là trụ sở của đảng Bảo thủ Anh trước Brexit, nhóm ECR cực hữu hiện do các thành viên của đảng Luật pháp và Công lý (PiS) có quan điểm hoài nghi châu Âu của Ba Lan chi phối.

Đảng Những người anh em Italy (FdI) của Thủ tướng Italy Giorgia Meloni có thể sẽ trở thành nòng cốt mới của ECR sau cuộc bầu cử năm nay. Với quan điểm cứng rắn về vấn đề người di cư, bà Meloni đã thể hiện thái độ sẵn sàng hợp tác nhiều hơn với những nhóm khác có cùng chí hướng trong EU. Điều này có nghĩa là ECR có thể đóng vai trò lớn hơn trong cơ quan lập pháp khóa mới. Các cuộc thăm dò cho thấy, ECR sẽ chứng kiến tăng từ 67 lên 79 ghế.

Nhóm Bản sắc và Dân chủ (ID)

Nhóm ID (hiện đang nắm giữ 58 ghế) là nhóm cực hữu nhất trong Nghị viện và dự kiến sẽ là một trong những nhóm giành chiến thắng lớn nhất trong cuộc bầu cử EP năm nay khi các cử tri thất vọng với cách xử lý cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, khủng hoảng năng lượng cũng như vấn đề di cư từ các đảng chính thống. Nhóm này có thể sẽ chứng kiến số ghế tăng từ 58 lên 69.

Quỳnh Vũ (Theo Reuters, Euronews)

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/nghi-vien-the-gioi-viet-nam-va-the-gioi/tuong-quan-luc-luong-giua-cac-nhom-chinh-tri-i375008/