Tượng 'thảm họa' nơi du lịch - trách nhiệm của ai?
Một số khu du lịch đã dựng những bức tượng sao chép cẩu thả, thậm chí 'ngoại lai' biến dạng, làm mất cảnh quan xung quanh và ảnh hưởng đến sự phát triển của văn hóa, du lịch địa phương.
Những bức tượng “đột biến”
Mạng xã hội ngày 18/7 chia sẻ rầm rộ hình ảnh bức tượng Nữ hoàng băng giá Elsa, nhân vật hoạt hình nổi tiếng trong “Froze”, được lắp đặt tại một khu du lịch ở Sa Pa. Bức tượng làm từ nhựa, cao hơn 3m, phía dưới là kính chịu lực và “gây chú ý” do được đánh giá không có tính thẩm mỹ, khác xa nguyên mẫu. Cư dân mạng đặt hàng loạt biệt danh cho tượng: “Elsa phiên bản lỗi”, “Elsa thẩm mỹ viện hỏng”, “Elsa đột biến”, “Elsa nhái”… Việc một nhân vật hoạt hình nước ngoài “ngự” trên khung cảnh núi rừng Tây Bắc Việt Nam cũng “chả giống ai”.
Ngày 22/7, chỉ 4 ngày sau khi bị dư luận lên tiếng chê bai, bức tượng Elsa do Công ty AnSaPa làm chủ đầu tư đã bị chính quyền thị xã Sa Pa yêu cầu dỡ bỏ, do mô hình nằm trong khuôn viên chưa được công nhận là điểm du lịch và chưa có giấy phép xây dựng.
Trước đó, cũng tại khuôn viên của Công ty AnSaPa, tháng 4/2021, một bức tượng Nữ thần Tự do “phiên bản lỗi” được dựng ở đây. “Nữ thần Tự do” được làm từ thạch cao và xi măng, bên trong có khung bằng thép từng trở thành hình ảnh gây cười trên mạng xã hội. Việc sao chép những bức tượng nước ngoài đưa lên vùng cao khiến cho khung cảnh rừng núi “tây không ra tây, ta chẳng ra ta”, gây bức xúc cho nhiều người dân Sa Pa và du khách.
Chuyện về những vật thể được gọi là “tác phẩm điêu khắc ngoài trời” nhưng xấu xí, phản cảm và không phù hợp với truyền thống văn hóa, cảm quan thẩm mỹ của người Việt được đặt ở không gian công cộng, điểm du lịch… đến nay không phải là mới.
Còn nhớ, vườn tượng 12 con giáp có tạo hình khỏa thân trong khu du lịch Hòn Dấu (Hải Phòng) từng khiến dư luận “choáng váng”. Khi bị cộng đồng và du khách “có ý kiến”, chủ nhân vườn tượng này đã có “sáng kiến” khắc phục bằng cách cho tượng mặc quần bơi, hoặc dùng mảnh vải mỏng manh che những bộ phận nhạy cảm. Điều này càng khiến cho các bức tượng thêm “thảm họa”.
Cũng xây dựng tượng khỏa thân kỳ dị là những bức tượng quỷ trong Khu du lịch Quỷ Núi thuộc quần thể du lịch Quỷ Núi - Suối Ma (xã Lát, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng). Ngay khi mở cửa đón khách, dư luận phản ứng dữ dội vì cho rằng các tượng quỷ ở đây gây phản cảm, không phù hợp với cảnh quan chung và môi trường du lịch Đà Lạt. Chủ nhân Khu du lịch vội vàng “mặc quần áo” cho các tượng quỷ.
Trách nhiệm của ai?
Có thể thấy, những bức tượng trên không chỉ xấu xí, phản thẩm mỹ đơn thuần mà còn là cảnh báo về sự tùy tiện trong quản lý loại hình du lịch mới phát sinh. Một thực tế, tại các địa phương, những năm qua xuất hiện nhiều điểm check-in du lịch, nhưng đa số là tự phát, chủ cơ sở thích mô hình nào thì sẽ làm mô hình đó để tạo tò mò cho du khách.
Hầu hết, các tượng check-in khu du lịch đều sao chép vụng về từ nước ngoài hay tạo ra các sản phẩm “kém duyên”, vi phạm bản quyền trí tuệ. Tranh, tượng là những tác phẩm nghệ thuật, vì thế việc sao chép phải tuân thủ nghiêm theo quy định về bản quyền. Chưa kể, chủ nhân các bức tượng “thảm họa” vi phạm Nghị định 113/2013/NĐ-CP của Chính phủ về hoạt động mỹ thuật, bảo đảm môi trường văn hóa, thẩm mỹ, nhân văn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam. Theo đúng quy trình thì cần phải thành lập một hội đồng nghệ thuật xét duyệt mẫu phác thảo, sau khi Hội đồng thông qua thì chính quyền địa phương, cơ quan chức năng cấp phép rồi mới tiến hành xây dựng.
Mỹ thuật công cộng cũng là một phần then chốt cho bộ mặt văn hóa, du lịch của xã hội. Nhưng tại một số địa phương, ngành du lịch dường như chưa “bắt tay” với ngành mỹ thuật để sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật phù hợp với cảnh quan, môi trường, văn hóa, bản sắc vùng miền.
Sự tùy tiện trong tư duy thẩm mỹ của doanh nghiệp đã đáng trách, nhưng trách nhiệm lớn hơn thuộc về cơ quan chức năng địa phương. Tại sao thường khi dư luận lên tiếng, các cơ quan này mới “phát hiện” điểm du lịch không phép, đưa ra những giải pháp tình thế khi “sự đã rồi”?