Tương trợ tư pháp: Xác định nguyên tắc đương nhiên áp dụng có đi có lại

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại dự thảo Đề nghị xây dựng xây dựng dự án Luật Tương trợ tư pháp (TTTP) trong lĩnh vực dân sự mà Bộ Tư pháp đang tiến hành lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Số lượng tăng, đòi hỏi quy trình phải rút ngắn

Luật TTTP được ban hành ngày 21/11/2007 và có hiệu lực từ 1/7/2008. Sau hơn 10 năm thực hiện, Luật TTTP đã tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực TTTP. Việc thực hiện hoạt động TTTP có nhiều chuyển biến, đạt kết quả đã hỗ trợ tích cực cho hoạt động tố tụng của cơ quan có thẩm quyền Việt Nam giải quyết các vụ việc có yếu tố nước ngoài cũng như hỗ trợ các cơ quan tư pháp nước ngoài giải quyết các vụ việc có liên quan đến cá nhân, tổ chức tại Việt Nam.

Qua đó đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong các vụ việc dân sự, tạo điều kiện cho các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài phát triển, góp phần ổn định xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế. Luật TTTP cũng đã thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tăng cường hội nhập quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp; nội luật hóa một số cam kết quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực này.

Tuy vậy, thực tiễn thực hiện Luật TTTP trong những năm cũng cho thấy, nhiều quy định của Luật chưa hoàn thiện, còn khoảng trống so với yêu cầu thực tế cần được khắc phục, bổ sung đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế các quan hệ hợp tác ngày càng đa dạng và hệ thống pháp luật tố tụng dân sự đã có nhiều thay đổi. Bên cạnh đó, Luật TTTP điều chỉnh cả 4 lĩnh vực là TTTP về dân sự, hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù chưa thực sự phù hợp, làm cho Luật cồng kềnh, không có điểm trọng tâm.

Riêng trong lĩnh vực dân sự, các tranh chấp về dân sự, thương mại, lao động và hôn nhân và gia đình phát sinh từ các giao dịch dân sự và thương mại có yếu tố nước ngoài không ngừng tăng nhanh về số lượng, đa dạng về hình thức và phức tạp về nội dung dẫn đến số lượng yêu cầu TTTP Bộ Tư pháp tiếp nhận và chuyển thực hiện tăng nhanh đáng kể. Vào thời điểm năm 2005, số lượng yêu cầu TTTP trong lĩnh vực dân sự hàng năm gửi đến Việt Nam và Việt Nam gửi ra các nước trung bình là: 800-1000 yêu cầu, đến nay số lượng yêu cầu TTTP đã tăng lên 3000-4200 yêu cầu/năm nên đòi hỏi quy trình thủ tục thực hiện phải được cải cách, rút ngắn và cắt giảm hồ sơ, các khâu trung gian để giảm tải gánh nặng cho các cơ quan thực thi ở trung ương cũng như ở địa phương.

Quy định rõ nguyên tắc áp dụng pháp luật nước ngoài

Ngoài ra, thực tiễn đã phát sinh nhiều yêu cầu TTTP để giải quyết các vụ án hành chính nhưng chưa được Luật TTTP tính đến. Bên cạnh đó, việc thực thi các cam kết quốc tế trong lĩnh vực TTTP cũng đặt ra yêu cầu mới đối với pháp luật trong nước.

Vì vậy, đặt ra yêu cầu cần xây dựng Luật TTTP về dân sự theo hướng hiện đại, khả thi thúc đẩy quy trình giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình có yếu tố nước ngoài được nhanh chóng, chính xác và hiệu quả; giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đối tượng có liên quan trong vụ việc dân sự, tăng cường khả năng thực hiện quyền và tiếp cận công lý của người dân; tạo nền tảng cho sự tham gia điều ước quốc tế đa phương về TTTP.

Theo dự thảo Đề nghị xây dựng Luật TTTP trong lĩnh vực dân sự, Bộ Tư pháp dự kiến sẽ xây dựng Luật này theo hướng là một đạo luật chuyên biệt, có phạm vi áp dụng và đối tượng điều chỉnh riêng, có nội dung đồng bộ, đầy đủ và toàn diện về TTTP dân sự, mở rộng phạm vi TTTP trong lĩnh vực dân sự.

Dự thảo Luật dự kiến được chia thành 5 chương gồm: Những quy định chung; chi phí trong TTTP về dân sự; thực hiện ủy thác tư pháp của Việt Nam; thực hiện ủy thác tư pháp của nước ngoài; trách nhiệm của các cơ quan liên quan và điều khoản thi hành.

Trong đó tập trung vào các quy định cụ thể về áp dụng nguyên tắc có đi có lại, áp dụng pháp luật nước ngoài trong thực hiện TTTP trong lĩnh vực dân sự. Cụ thể, sẽ sửa đổi quy định hiện nay theo hướng xác định nguyên tắc đương nhiên áp dụng có đi có lại trong thực hiện TTTP trừ một số trường hợp ngoại lệ cụ thể, đặc biệt. Quy định rõ trình tự, thủ tục xem xét quyết định các trường hợp ngoại lệ (Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với các Bộ ngành quyết định việc không áp dụng có đi có lại); quy định rõ nguyên tắc áp dụng pháp luật nước ngoài trong thực hiện TTTP trong lĩnh vực dân sự trong trường hợp không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.

Ngoài ra, dự thảo Luật sẽ có các quy định nội luật hóa các cam kết, tiêu chuẩn quốc tế về TTTP trong lĩnh vực dân sự, hoàn thiện quy trình, thủ tục tạo thuận lợi cho việc thực hiện các điều ước quốc tế; tạo cơ chế để từng bước xã hội hóa hoạt động tống đạt giấy tờ của nước ngoài.

K.Quy

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/tu-phap/tuong-tro-tu-phap-xac-dinh-nguyen-tac-duong-nhien-ap-dung-co-di-co-lai-480110.html