'Tuồng xuống phố' - thành công đáng ghi nhận của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh
Sau bài viết 'Chút chạnh lòng về bản quyền tác giả', tôi đã rất vui khi thấy ở các buổi diễn sau, tên các nhạc sĩ đã được xướng lên bên tác phẩm của họ cùng lời giải thích của NSƯT Trần Ngọc Tuấn - Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh (Đà Nẵng). Và từ niềm vui ấy, thêm ấn tượng với cách quảng bá nghệ thuật Tuồng của Nhà hát, tôi đã hỏi anh về dự án 'Tuồng xuống phố'.
Như thường lệ cứ vào tối chủ nhật sân khấu nhỏ bên sông Hàn lại tưng bừng bởi tiếng nhạc, bởi những tiết mục múa, hát, hòa tấu nhạc cụ hoặc những trích đoạn Tuồng do Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh biểu diễn. Tôi đã có cuộc trò chuyện với NSUT Trần Ngọc Tuấn - Giám đốc Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh.
PV: Thưa anh, anh có thể kể một chút về hành trình "Tuồng xuống phố"?
NSƯT Trần Ngọc Tuấn: Bắt đầu từ đầu năm 2014, trong cuộc họp đầu năm với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Đà Nẵng, khi đồng chí Bí thư Trần Thọ có trao đổi về việc làm sao phải đẩy mạnh các hoạt động văn hóa nghệ thuật Đà Nẵng cho xứng tầm với sự phát triển kinh tế, xã hội của thành phố. Có nhiều ý kiến thảo luận, trong đó ý kiến của tôi là nên tăng cường các hoạt động biểu diễn, sinh hoạt nghệ thuật về đêm tại hai bên bờ sông Hàn để tăng phần cuốn hút du khách và để người dân được hưởng lợi trực tiếp, được đến gần hơn với các loại hình nghệ thuật mà không phải mất tiền. Cuối buổi làm việc đồng chí Bí thư kết luận nhiều nội dung, trong đó có nội dung giao cho Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch thực hiện kế hoạch xây dựng các chương trình nghệ thuật để biểu diễn hai bên bờ sông Hàn về đêm.
PV: Ngay sau đó "Tuồng xuống phố" bắt đầu hành trình?
NSƯT Trần Ngọc Tuấn: Tuy nhiên, để được như bây giờ, cứ đều đặn cứ tối chủ nhật hàng tuần chúng tôi biểu diễn bên bờ sông Hàn để phục vụ khách du lịch thì mãi đến ngày 12/7/2015, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Đặng Việt Dũng - Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, Nhà hát Tuồng biểu diễn thí điểm đêm đầu tiên với cái tên "Tuồng xuống phố" tại bờ Đông cầu sông Hàn.
PV: "Tuồng xuống phố" ở Đà Nẵng có gì khác với những nơi cũng đang làm không anh?
NSƯT Trần Ngọc Tuấn: Hiện nay, cũng có nhiều nơi thực hiện việc đưa nghệ thật truyền thống đến gần hơn với đời sống nhân dân và du khách. Điển hình và tiên phong là tại Khánh Hòa, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh cũng học tập từ mô hình này. Mỗi địa phương có thể có cách làm khác nhau về không gian, địa điểm, sân khấu... nhưng mục đích chính vẫn là góp phần làm cho nghệ thuật truyền thống sinh động hơn trong đời sống xã hội.
Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh thực hiện chương trình "Tuồng xuống phố" trên một sân khấu lắp ráp, có hệ thống âm thanh, ánh sáng hiện đại, có mang theo ghế ngồi cho khán giả đến xem, có địa điểm để giới thiệu cách vẽ mặt nhân vật với khán giả. Nhà hát cũng đầu tư trang phục, đạo cụ đẹp, phục trang được may, thêu thủ công bằng tay đúng với quy chuẩn của loại hình nghệ thuật tuồng cổ. Tất cả những điều này nhằm tạo điều kiện tốt nhất để cho khán giả đến xem, tìm hiểu về nghệ thuật một cách chỉn chu nhất có thể.
PV: Anh có thể cho biết nội dung biểu diễn ở những đêm diễn "Tuồng xuống phố" của Nhà hát?
NSƯT Trần Ngọc Tuấn: Nhà hát Tuồng xây dựng hai chương trình biểu diễn xen kẽ vào tối chủ nhật hàng tuần từ tháng 4 đến hết tháng 9 hàng năm, tháng có thời tiết thuận lợi nhất trong năm. Trong đó, chương trình một chuyên về nghệ thuật Tuồng với các trích đoạn tuồng hay, chương trình hai chuyên về nghệ thuật truyền thống Việt Nam "Giai điệu quê hương", gồm các tiết mục hòa tấu, độc tấu các loại nhạc cụ dân tộc, các điệu múa dân gian các dân tộc, múa Chăm…
PV: Hành trình đưa "Tuồng xuống phố" có thuận lợi là được lãnh đạo ủng hộ, địa điểm đẹp là bên bờ sông Hàn nên chắc là mọi việc đều suôn sẻ phải không anh? Anh có kỷ niệm gì đáng nhớ trong những lần đưa "Tuồng xuống phố" không?
NSƯT Trần Ngọc Tuấn: Hành trình đưa "Tuồng xuống phố" của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh phải nói là có rất nhiều thuận lợi. Thứ nhất là nhận được rất nhiều sự ủng hộ của lãnh đạo các cấp, của các cơ quan truyền thông báo đài và đặc biệt là người dân. Thứ hai là có một địa điểm rất đẹp, không gian thoáng đãng ở hai bên bờ sông Hàn. Chính vì những yếu tố đó nên việc tổ chức thực hiện hết sức suôn sẻ.
Trong quá trình đưa "Tuồng xuống phố" cũng có nhiều kỷ niệm, tuy nhiên kỷ niệm tôi nhớ nhất là sau khi tổ chức được một vài buổi thì tôi được mời tham dự buổi trao đổi trực tiếp trên kênh của Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng. Trong buổi trao đổi đó, tôi có tham gia trao đổi một số câu hỏi liên quan đến nghệ thuật Tuồng như: "Tại Đà Nẵng, có một rạp biểu diễn tuồng rất đẹp, chúng ta đem tuồng ra biểu diễn tại không gian mở và không thu phí vậy liệu có ai còn đến rạp để xem không?". Quả là câu hỏi hóc búa và không dễ để trả lời. Tôi suy nghĩ và trả lời theo sự am hiểu của mình đồng thời cũng là tâm tư của người làm nghề đã hơn 35 năm.
Nghệ thuật Tuồng trước khi vào cung đình nó vốn xuất thân từ "Những trò diễn xướng dân gian" rất phong phú về đề tài, uyển chuyển về nội dung và nó phát triển mạnh mẽ, sống hòa mình vào các phong tục, tập quán và các lễ hội trong đời sống nhân dân. Nó hơi khác với Tuồng cung đình ở chỗ, Tuồng cung đình môi trường và không gian phát triển gói gọn trong cung đình (cung Vua, phủ Chúa) nên đề tài cũng bó hẹp hơn, tuy nhiên, nó được chắp bút bởi các nhà soạn tuồng lỗi lạc, được thể hiện bởi các nghệ sĩ có trình độ nghệ thuật rất cao, tạo ra các hình thức biểu diễn theo khuôn khổ mực thước nhất định. Nhưng hiện nay còn rất ít khán giả cảm thụ hết những cái uyên bác của Tuồng cung đình. Chính vì vậy việc đưa "Tuồng xuống phố" còn có thêm nhiệm vụ là tạo lực lượng khán giả mới cho Tuồng.
Hai là, khi đưa "Tuồng xuống phố", chúng tôi chọn các trích đoạn ngắn, có nội dung dể hiểu, gần gũi với đời sống, trang phục, hóa trang đẹp để giới thiệu với nhiều thành phần khán giả. Và ở tại rạp thì ưu tiên cho việc biểu diễn các chương trình nghệ thuật tổng hợp để phục vụ khách du lịch. Bên cạnh đó cũng có kế hoạch biểu diễn những vở Tuồng nguyên vở để phục vụ nhân dân vào các dịp lễ, tết…
PV: Qua đây có thể thấy việc anh được giao trọng trách lãnh đạo nhà hát là "đúng người" rồi!
NSƯT Trần Ngọc Tuấn: Khi cá nhân tôi được lãnh đạo tin tưởng giao trách nhiệm làm lãnh đạo quản lý Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh - một đơn vị nghệ thuật truyền thống công lập, phải nói là một thách thức rất lớn đối với bản thân. Trước khi nhận nhiệm vụ tôi cũng đã suy nghĩ rất nhiều. Cuối cùng thì tôi quyết định nhận với 2 lý do chính. Thứ nhất, nếu không nhận nhiệm vụ trong thời điểm đó, buộc cấp trên sẽ điều động 1 cán bộ ngoài đơn vị, như vậy sẽ khó cho cả người về và cho cả đơn vị. Thứ hai, năm 2008 là thời điểm tôi đã có 28 năm công tác tại đơn vị và cũng đã được hưởng nhiều ưu đãi mà nghề nghiệp, tổ nghề đã mang lại. Tôi nghĩ đây cũng là cơ hội để tôi thể hiện trách nhiệm với nghề, với đơn vị.
PV: Vậy xem ra có cả thuận lợi và khó khăn, đúng không anh?
NSƯT Trần Ngọc Tuấn: Đúng vậy. Khó khăn là lãnh đạo là một cái nghề khó, lãnh đạo một đơn vị nghệ thuật lại càng khó, mà mình có được học để làm lãnh đạo đâu. Nên khi bắt tay vào công việc phải vừa làm vừa học và phải học rất nhiều. Còn thuận lợi, vì bản thân đã cùng đơn vị, anh em lăn lộn trong nghề hơn 28 năm nên cũng đã nắm bắt được ít nhiều kinh nghiệm chuyên môn, tâm tư của từng cá nhân, đặc biệt là hiểu và biết cách chia sẻ cùng cơ quan, đơn vị và anh em trong suốt quá trình công tác.
PV: Và trái ngọt từ trách nhiệm với nghề, với đơn vị anh nhận được ngay khi mới tổ chức được một vài buổi đưa "Tuồng xuống phố" đó là lượng khán giả đến xem chương trình ngày càng đông, có cả khách ngoại quốc và trẻ em. Nhiều phụ huynh mang theo con trẻ đi xem và có bé đưa ra những câu hỏi: Vì sao ông này mặt đỏ, ông kia mặt đen, cái áo này sao mà rộng thế, họ đi đôi giầy kia dễ bị ngã ba, mẹ nhỉ…như anh tâm sự. Còn những lời khen mà tôi có dịp chứng kiến. Đó là tiếng xuýt xoa chị khán giả bên cạnh: "Múa đẹp tuyệt vời chị nhỉ", rồi chị quay sang bảo con: "Vỗ tay đi con". Hay là chia sẻ của Bùi Thị Thu Hà - khán giả lần đầu tiên xem tuồng bên sông Hàn: "Đưa bé đi chơi bắt gặp đêm diễn em liền dỗ con ngồi tô tượng còn mình tạt vào xem. Em thích nghe Tuồng hay những dạng biểu diễn kiểu ngày xưa như thế này vì thấy hay. Em tới muộn, chỉ xem được khoảng 15 phút, nhưng em thích nhân vật thể hiện tính cách khẳng khái có mặt đỏ (tôi đoán đây là nhân vật Kim Lân). Em liền hỏi lại lịch mấy giờ để hôm tới em ra sớm để xem. Em tiếc vì không được xem hết…". Đó đều là sự chăm chú, thích thú của nhiều người xem dành cho các trích đoạn vở tuồng hài "Đi xứ", "Ông già cõng vợ đi xem hội"...
Còn hình ảnh nhiều khán giả với khuôn mặt đầy hào hứng hướng lên sân khấu để xem mà không phải xem, mà là thưởng thức những tiết mục để rồi sau đó là những tràng vỗ tay. Một thú vị với tôi là đêm nào cũng có khán giả livestream, nghĩa là không chỉ những người có mặt tại đêm diễn xem mà đêm diễn còn được nhiều người xem ở nhiều nơi khác.
Thưa NSƯT Trần Ngọc Tuấn, qua thành công của việc đưa "Tuồng xuống phố" và hành trình anh cùng Nhà hát đồng hành trong suốt 15 năm qua có thể thấy, để "nuôi" một đơn vị nghệ thuật truyền thống trước đây khi còn bao cấp và bây giờ được tự chủ (dù chỉ một phần nào) không hề dễ. Anh có thể chia sẻ những kinh nghiệm từ thực tế của mình?
NSƯT Trần Ngọc Tuấn: Năm 2019 trong cuộc họp với Sở VHTTDL, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa sau khi xem, nghe các báo cáo của Sở, của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, đồng chí đề nghị Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh về xây dựng "Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động nhà hát đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2030". Trong đó xác định ngoài chức năng, nhiệm vụ chính là bảo tồn và phát huy nghệ thuật Tuồng trên quê hương Đà Nẵng, còn phải xây dựng các chương trình nghệ thuật truyền thống có chất lượng cao, tạo sản phẩm để phục vụ nhân dân và du khách. Bên cạnh đó đề xuất quá trình tự chủ một phần về kinh phí hoạt động.
Sau khi Đề án được phê duyệt, đơn vị đã tổ chức thực hiện các nội dung trong đề án. Riêng về chương trình nghệ thuật dành cho khách du lịch, năm 2020 đã đạt kết quả khá tốt, tuy nhiên từ 27/7/2020 đến hết năm 2022 ảnh hưởng lớn của đại dịch Covid-19 nên chương trình phải tạm dừng. Từ đầu năm 2023 đến nay đơn vị cùng các đơn vị lữ hành du lịch đang cố gắng tích cực cho công tác truyền thông, quảng bá để thu hút khách. Hiện nay lượng khách cũng còn ít và thất thường.
PV: Vậy bài học kinh nghiệm từ bản thân anh?
NSƯT Trần Ngọc Tuấn: Đó là mạnh dạn đề xuất với các cấp lãnh đạo, tạo sự thống nhất về đổi mới tư duy trong toàn đơn vị. Người thủ trưởng phải dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
PV: Xin cảm ơn NSƯT Trần Ngọc Tuấn!