Tụt huyết áp uống nước đường có phải giải pháp cấp bách không?
Tụt huyết áp là tình trạng phổ biến mà nhiều người gặp phải, có thể do nhiều nguyên nhân như mất máu, mắc bệnh tim hoặc tác dụng phụ của thuốc tây... Khi gặp phải hiện tượng này, một trong những cách xử lý thường được đề xuất là uống nước đường. Nhưng liệu nó có thực sự hiệu quả và là giải pháp cấp bách ở thời điểm này? Bài viết sau sẽ giải thích rõ hơn về vấn đề này, hãy theo dõi nhé!
Cơ chế sinh học của tụt huyết áp
Tụt huyết áp, hay còn gọi là hạ huyết áp, xảy ra khi áp lực máu trong động mạch giảm xuống dưới mức bình thường, khiến máu không đủ để cung cấp oxy và dưỡng chất cho các cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là não bộ. Điều này dẫn đến các triệu chứng như chóng mặt, đau đầu, mờ mắt, mệt mỏi, choáng váng, thậm chí có thể lú lẫn, mất ý thức, ngất xỉu.
Các triệu chứng này rất dễ nhầm lẫn với trường hợp hạ đường huyết ở người có bệnh nền đái tháo đường. Vì vậy nên thử đường huyết để loại trừ trường hợp hạ đường huyết.
Khi tụt huyết áp xảy ra, cơ thể cần có một phản ứng nhanh để tăng cường lưu lượng máu, nâng cao huyết áp và phục hồi. Một số người chọn uống nước đường vì tin rằng đường tăng huyết áp, giúp cải thiện tình trạng này. Vậy thực tế ra sao?
Uống nước đường có giúp tăng huyết áp hay không?
Đường (glucose) là nguồn năng lượng quan trọng cho cơ thể, đặc biệt là cho các cơ quan cần nhiều năng lượng như não. Khi uống nước đường, glucose sẽ nhanh chóng được hấp thụ vào máu, cung cấp năng lượng cho cơ thể và não bộ. Điều này có thể giúp người bị tụt huyết áp cảm thấy tỉnh táo và khỏe hơn tạm thời. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là nước đường thực sự điều trị tụt huyết áp.
Theo nghiên cứu "So sánh tác dụng của đồ uống glucose và nước đối với huyết áp và chức năng tim ở người lớn tuổi có và không có hạ huyết áp sau ăn" của Laurence G.Trahair và cộng sự (năm 2017) cho thấy uống nước đường glucose làm giảm huyết áp trong khi uống nước lại giúp tăng huyết áp. Việc uống nước đường chỉ tác động đến mức đường huyết, chứ không trực tiếp ảnh hưởng đến áp lực máu. Mặc dù một số người có thể cảm thấy khỏe hơn sau khi uống nước đường, nhưng đây là kết quả của việc cung cấp năng lượng nhanh chóng cho não, chứ không phải là việc huyết áp được điều chỉnh về mức bình thường. Hơn nữa, hiệu ứng này thường chỉ kéo dài trong thời gian ngắn và không giải quyết nguyên nhân gốc rễ của tình trạng tụt huyết áp.
Thậm chí, đối với những người bị tụt huyết áp do các nguyên nhân y tế như mất máu, bệnh tim mạch... uống nước đường có thể gây hại. Việc lạm dụng đường để đối phó với tình trạng tụt huyết áp có thể gây tiềm ẩn nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến chuyển hóa như tiểu đường.
Ngoài ra, triệu chứng tụt huyết áp khá giống với tụt đường huyết nên khi uống nước đường thấy cơ thể tỉnh táo là khỏe khoắn hơn. Vì vậy, nhiều người nhầm tưởng việc uống nước đường trong trường hợp này giúp cải thiện tình trạng hiệu quả.
Khi bị tụt huyết áp cần làm gì?
Thay vì chỉ uống nước đường, bạn có thể thử các biện pháp an toàn và hiệu quả hơn để đối phó với tụt huyết áp như sau:
Nghỉ ngơi: Khi bị tụt huyết áp, hãy ngồi hoặc nằm xuống và nâng cao chân để cải thiện lưu lượng máu về tim, đưa máu lên não tốt hơn. Khi đã đỡ, nên cử động chân tay trước khi ngồi dậy, tránh đứng lên đột ngột.
Bổ sung nước hoặc cốc nước có chút muối hoặc một cốc gừng ấm: Tụt huyết áp thường đi kèm với mất nước và mất điện giải. Uống nước và bổ sung muối có thể giúp tăng nhịp tim, tăng khối lượng tuần hoàn, tăng huyết áp nhanh chóng.
Đến cơ sở y tế: Nếu các triệu chứng không được cải thiện, người bệnh nên đến cơ sở y tế để bác sĩ có hướng xử lý kịp thời.
Sau khi đã cải thiện người bị tụt huyết áp cần lưu ý thường xuyên kiểm tra và theo dõi huyết áp. Hiện nay, có rất nhiều loại máy đo huyết áp nhỏ gọn, có độ chính xác cao, dễ dàng sử dụng như máy đo huyết áp điện tử Omron nên có thể theo dõi huyết áp tại nhà. Đây là dòng máy đo huyết áp đến từ Nhật Bản được xếp hạng là thương hiệu bán chạy nhất toàn cầu vào năm 2022 theo khảo sát của Công ty TNHH Fuji Keizai. Bên cạnh đó, người bệnh cũng nên xây dựng chế độ ăn uống khoa học và rèn luyện thể dục thể thao để nâng cao huyết áp lâu dài.
Như vậy, việc uống nước đường khi bị tụt huyết áp có thể mang lại cảm giác khỏe hơn trong thời gian ngắn, nhưng đây không phải là giải pháp lâu dài và hiệu quả. Hiểu rõ cơ chế sinh học và tránh các hiểu lầm phổ biến sẽ giúp xử lý tình trạng tụt huyết áp một cách an toàn và khoa học hơn. Để đảm bảo sức khỏe lâu dài, bạn nên thăm khám bác sĩ để tìm hiểu nguyên nhân gốc rễ và có phương pháp điều trị phù hợp.