Tùy bút: Bánh chưng vụn
Cái bánh nhỏ xíu nhưng chứa đựng trong đó là cả ký ức tuổi thơ, ký ức của những ngày háo hức chờ tết.
Với bọn trẻ ngày nay tết đến là dịp để diện những bộ quần áo đẹp, cùng gia đình đi chơi, cái cảm giác háo hức được ăn những món ăn ngày tết không nôn nao như những đứa trẻ của thế kỷ trước.
Những người thuộc thế hệ 7x, 8x của thế kỷ trước như tôi, xuân về luôn là cái gì đó rất thiêng liêng, háo hức đếm từng ngày. Với họ, tết đến là dịp để được ăn những món ăn mà ngày thường không dễ gì có được. Và bánh chưng vụn là một trong những ký ức đẹp đó.
Bánh chưng vụn thường nhỏ rất nhỏ
Bánh chưng vụn theo đúng tên gọi của nó. Đây là chiếc bánh được gói bằng những hạt gạo, đậu, thịt còn thừa trong quá trình gói bánh chưng dịp tết.
Độ to, nhỏ của chiếc bánh tùy vào số nguyên liệu còn dư trong mỗi lần gói bánh chưng. Nguồn gốc ra đời của chiếc bánh chưng vụn đơn giản chỉ có vậy.
Cái bánh nhỏ chỉ bằng một phần tư chiếc bánh chưng truyền thống nhưng với bọn trẻ khi đó là một sự hãnh diện.
Bánh chưng vụn sẽ được đưa vào luộc cùng với bánh chưng lớn nhưng do nó nhỏ nên thường được vớt ra trước khoảng vài tiếng. Và đương nhiên, những đứa trẻ trong nhà sẽ được sở hữu chiếc bánh này.
Bánh chưng vụn như là một minh chứng cho tết đã về nên bọn trẻ thường sẽ cầm trên tay hay đeo lên trước ngực như tấm huy chương để đi khoe với bạn bè. Kiểu như: Nhà tao đã gói bánh chưng, nhà mày có chưa… Cái cảm giác lũ bạn nhìn chiếc bánh chưng với cảm giác thèm muốn đến bây giờ vẫn không phai mờ trong ký ức những người thế hệ 7x, 8x.
Chiếc bánh tuy nhỏ nhưng là một sự hãnh diện to lớn
Sau này lớn lên, tôi mới hiểu chiếc bánh vụn không đơn giản là gói từ nguyện liệu thừa để khỏi lãng phí. Mà nó là cả tình thương của người lớn dành cho trẻ nhỏ. Những năm 70, 80 của thế kỷ trước, kinh tế còn nhiều khó khăn. Có những món ăn chỉ dịp tết mới có, không như bây giờ thèm thì ra chợ mua về ăn. Và số lượng cũng không nhiều như hiện nay nên có những món ăn hết rồi mà miệng vẫn thòm thèm. Và bánh chưng là một trong những món đó.
Trong quan niệm của người Việt, bánh chưng là loại bánh thiêng liêng để dâng lên ông bà tổ tiên. Và chỉ sau 3 ngày tết, khi đã cúng tiễn ông bà thì mới được đưa bánh chưng từ bàn thờ xuống thưởng thức. Nhưng với những đứa trẻ ngày ấy, bánh chưng có sức hấp dẫn kỳ lạ chỉ cần nhìn nó thôi là nước miếng đã nhệu nhạo, đi ra, đi vào đều nhìn. Thương con, xót cháu, người lớn đã nghỉ ra cách làm bánh chưng vụn. Vì nó nhỏ sẽ không dùng để cúng ông bà được nên nghiễm nhiên sẽ cho mấy đứa. Và chỉ sau vài phút khoe khoang với bạn bè, chiếc bánh chưng đã được chúng tôi xử gọn. Sau này, bánh chưng vụn được gói không phải từ lượng nguyên liệu còn thừa mà người lớn đã chủ động ngâm nhiều gạo, đậu, cắt nhiều thịt hơn để gói bánh chưng vụn cho bọn trẻ. Nhà nào đông con, nhiều cháu thì số lượng bánh sẽ nhiều hơn, đứa nào cũng có một chiếc để khỏi so bì đánh lộn.
Năm nay, thằng em út gửi vào ít nếp, vài chục tàu lá dong. Tôi gói bánh chưng để dâng lên ông bà nhưng cũng không quên gói cho con trai một chiếc bánh chưng vụn. Nói cho con nghe về những ngày khốn khó về ý nghĩa của chiếc bánh chưng vụn, về những nét đẹp của những ngày tết xưa.
Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/tuy-but-banh-chung-vun-105303.html