Tuy Hòa thúc đẩy phát triển kinh tế biển

Trong thời gian tới, TP Tuy Hòa sẽ giảm dần tàu thuyền và nghề nghiệp khai thác vùng ven bờ. Trong ảnh: Tàu thuyền neo đậu tại cảng cá Đông Tác. Ảnh: THANH LÊ

Thủy sản là ngành đang phát triển cả về năng lực đánh bắt, sản lượng khai thác và chế biến, mang lại giá trị xuất khẩu cao của TP Tuy Hòa. Địa phương đang phát huy tiềm năng, lợi thế, phát triển kinh tế biển gắn với chế biến sâu, tạo giá trị gia tăng nguồn lợi thủy sản theo Chương trình hành động số 13 của Thành ủy.

Thực hiện theo chương trình hành động này, mới đây, Bí thư Thành ủy Tuy Hòa Huỳnh Lữ Tân và Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa Cao Đình Huy đã chủ trì Hội nghị gặp mặt, đối thoại giữa lãnh đạo thành phố và ngư dân để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển ngành Thủy sản.

Ngăn chặn đánh bắt bất hợp pháp

Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa Cao Đình Huy cho biết, UBND thành phố đã ban hành các kế hoạch về thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo và an ninh, trật tự trên khu vực biên giới biển; tăng cường các biện pháp công tác phòng ngừa, đấu tranh các hành vi vi phạm pháp luật trên biển… Thành phố cũng rất chú trọng công tác quán triệt, tuyên truyền các quy định mới của Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn thi hành về quản lý khai thác theo hướng bền vững, hiệu quả, có trách nhiệm để ngư dân nhận thức đầy đủ, sâu sắc tầm quan trọng của Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển.

“Hàng năm, UBND thành phố chỉ đạo Đồn Biên phòng Tuy Hòa chủ trì, phối hợp với các phòng, ban, hội, đoàn thể và UBND các phường, xã xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn thi hành luật cho các chủ tàu cá, thuyền trưởng và ngư dân thành phố, trọng tâm là các quy định về chống đánh bắt bất hợp pháp, không có báo cáo và không theo quy định (IUU) để thực thi cam kết chung của quốc tế”, ông Cao Đình Huy nhấn mạnh.

Thực hiện nhiệm vụ, Đồn Biên phòng Tuy Hòa đã kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tàu cá xuất nhập bến, kiên quyết không cho ra khơi đối với tàu không đầy đủ thủ tục giấy tờ theo quy định pháp luật khi hành nghề trên biển, không trang bị các thiết bị an toàn, không thực hiện đăng ký tàu cá… Ngành chức năng cũng yêu cầu tàu cá khai thác xa bờ phải thực hiện ghi nhật ký khai thác, báo cáo khai thác, bật thiết bị giám sát hành trình trong suốt quá trình khai thác trên biển, xử lý nghiêm hành vi các tàu cá khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài, khai thác thủy sản vượt ranh giới cho phép. Nhờ đó, từ năm 2019 đến nay, không tàu cá nào của thành phố vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý.

Khuyến khích thành lập HTX thủy sản

Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về vận động thành lập HTX lĩnh vực thủy sản trên địa bàn tỉnh Phú Yên giai đoạn 2021-2025, đến nay UBND thành phố đã vận động thành lập được 2 HTX hoạt động trong lĩnh vực này. Đó là HTX Nuôi biển Phú Yên, với ngành nghề nuôi trồng, khai thác thủy sản biển, thủy sản nội địa. HTX Cá ngừ công nghệ cao Phú Yên, với ngành nghề nuôi trồng, khai thác thủy sản biển, thủy sản nội địa, chế biến, bảo quản thủy sản. Đây là những HTX tiên phong trong ngành Thủy sản của thành phố, với phương án hoạt động mới mẻ, hy vọng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế bền vững cho ngư dân khi tham gia làm xã viên, góp phần phát triển kinh tế biển của thành phố.

“Các HTX đi vào hoạt động và có triển vọng bước đầu. UBND thành phố sẽ ủng hộ, tạo điều kiện tốt nhất để thành phần kinh tế này hoạt động hiệu quả và mở rộng quy mô. Qua đó khuyến khích các cá nhân, tập thể thành lập thêm HTX trong lĩnh vực thủy sản”, Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa Cao Đình Huy khẳng định và cho biết, ngành chức năng của thành phố sẽ khảo sát các mô hình sản xuất thủy sản trên địa bàn; đồng thời tổ chức học tập kinh nghiệm các mô hình tiên tiến để định hướng hình thức liên kết, hợp tác, phối hợp trong hoạt động khai thác, vận chuyển trên biển… nhằm giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.

Để phát huy tiềm năng, lợi thế, phát triển kinh tế biển gắn với chế biến sâu, tạo giá trị gia tăng nguồn lợi thủy sản, UBND thành phố sẽ tạo điều kiện ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, giám sát hoạt động tàu cá; cơ giới hóa, tự động hóa trong khai thác, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch; ứng dụng công nghệ tái chế, tái sử dụng các phế phụ phẩm từ hoạt động sản xuất thủy sản; ứng dụng sàn giao dịch thương mại điện tử cho các sản phẩm thủy sản.

Theo UBND TP Tuy Hòa, tổng sản lượng thủy sản quýI/2022 trên địa bàn ước đạt hơn 2.846 tấn, tăng 1,4%; diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 7,4ha, tăng 2,1%; sản lượng nuôi trồng đạt 76,9 tấn, tăng 1,7%; sản lượng khai thác ước đạt 2.770 tấn, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước… Trong đó, sản lượng cá ngừ đại dương đánh bắt tương đối cao, cộng với được giá (150.000 đồng/kg), nên ngư dân rất phấn khởi.

Chủ tịch UBND TP Cao Đình Huy, TP Tuy Hòa cho biết thêm cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc cơ cấu lại đội tàu khai thác thủy sản với mục tiêu giảm dần tàu thuyền và nghề nghiệp khai thác vùng ven bờ, vùng lộng, những nghề kém hiệu quả, gây xâm hại nguồn lợi; từng bước phát triển đội tàu khai thác hải sản xa bờ; chuyển dần một bộ phận ngư dân khai thác sang các nghề khác ít xâm hại đến môi trường. Thành phố quyết tâm bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, môi trường sinh thái, đưa ngành khai thác thủy sản phát triển theo hướng ổn định và bền vững.

Tại Hội nghị gặp mặt, đối thoại giữa lãnh đạo thành phố và ngư dân, đại diện các nghiệp đoàn nghề cá, các ban lạch và ngư dân nêu các nhóm vấn đề còn tồn tại, gây khó khăn chung như: giá xăng dầu tăng cao, giá cá ngừ không ổn định; vấn đề khan hiếm lao động nghề cá; việc tiếp cận vốn vay ngân hàng Nhà nước chưa thuận lợi; hệ thống máy nhắn tin và thiết bị giám sát hành trình chưa đồng bộ; quy mô cảng cá Đông Tác, bến đậu tàu thuyền còn chưa đáp ứng nhu cầu. Lãnh đạo thành phố, các sở, ngành của tỉnh đã tiếp thu, trao đổi và trả lời thỏa đáng các ý kiến, kiến nghị của ngư dân thuộc phạm vi, thẩm quyền.

THANH LÊ

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/367/273322/tuy-hoa-thuc-day-phat-trien-kinh-te-bien.html