Tuy Phong: Vun đắp cho đờn ca tài tử - cải lương
Ở Tuy Phong, nếu nói về CLB Đờn ca tài tử - Cải lương (ĐCTT –CL) thì đây là vùng đất vun đắp cho biết bao con người trở thành những nghệ nhân ưu tú. Thấm thoát 4 năm, từ ngày thành lập đến nay, những cá thể ấy đã âm thầm hoạt động nuôi dưỡng đam mê và truyền dạy ĐCTT- CL với cái tên Câu lạc bộ 'ĐCTT- CL Bách Hợp'.
Bộ môn ĐCTT-CL được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể vào năm 2013. Với Tuy Phong nói riêng, cái nôi ĐCTT-CL đã có từ lâu đời. Đây là địa phương đã có nhiều nghệ nhân khá nổi tiếng trong nghề như: Mộng Hoa Cà, cố nghệ danh Thanh Bình, Hai An, Chín Mảnh, Tám Nùng và soạn giả Văn Lương... “CLB ĐCTT - CL Bách Hợp” được thành lập vào tháng 6/2020 có 20 thành viên tham gia trong đó có 4 tài tử đàn và 16 tài tử ca. Khi mới thành lập, trong tuần tổ chức sinh hoạt 1 lần, mỗi thành viên đóng quỹ 50.000 đồng/tháng sử dụng trong việc thăm bệnh, giao lưu, sinh nhật, tất niên và các hoạt động khác của CLB. Mặc dù chỉ là CLB ở một huyện vùng biển, nhưng những năm qua, CLB thường xuyên tổ chức giao lưu với các CLB lân cận như CLB Đạo Long - Phan Rang, CLB Nửa Vầng trăng - quận Tân Phú, CLB Tiếng tơ lòng - quận 8... Ngoài ra còn tham gia biểu diễn phục vụ cho địa phương nhân ngày kỷ niệm, Tết Nguyên đán, các chương trình đón chào năm mới tại thành phố Phan Thiết, phục vụ cho các đình, làng, miếu trong các ngày cúng lệ làng.
Ông Lê Tĩnh - Chủ nhiệm CLB cho hay: “Để bảo tồn và phát huy bộ môn ĐCTT-CL, các thành viên CLB cố gắng trau dồi tập luyện, đoàn kết phát huy hết khả năng của bản thân. Mặt khác, CLB rất cần được sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi trong việc giới thiệu, đưa loại hình này đến nơi công chúng, phổ biến rộng rãi trong nhân dân”.
CLB cũng nhắc nhiều về sự đóng góp của nghệ nhân ưu tú Tám Nùng - người nhỏ tuổi nhất trong các đàn anh thời ấy đã dẫn dắt, truyền dạy cho các đàn em hát và đàn. Năm 2015 ông được Nhà nước phong tặng là Nghệ nhân ưu tú (NNƯT). Là người đầu tiên của huyện Tuy Phong nhận được danh hiệu cao quý cho bộ môn nghệ thuật này. Năm 2019, ông đột ngột qua đời, trong sự thương tiếc của mọi người. Còn nhớ, năm 2014 Festival tổ chức tại Bạc Liêu, có NNƯT Tám Nùng, tài tử Bích Hợp, tài tử Ngọc Quân, tài tử đàn Tám Thọ, đại diện tỉnh Bình Thuận tham dự chương trình này. Năm 2017 tham dự Festival tại Bình Dương, năm 2023 Festival Cần Thơ. Năm 2019 tài tử đàn Tám Thọ được Nhà nước phong tặng NNƯT; Năm 2022 tài tử ca Bích Hợp, Ngọc Quân được Nhà nước phong tặng NNƯT… Ở CLB người lớn tuổi nhất cũng ở tuổi thất thập, người nhỏ nhất cũng hơn 40 tuổi nhưng vì lòng đam mê nghệ thuật này các cá nhân không ngừng học hỏi, tập luyện, dẫn dắt, truyền dạy cho các anh chị em tham gia xây dựng phong trào đờn ca tài tử tại địa phương, và sẵn sàng tham gia các chương trình khác.
Trong buổi lễ kỷ niệm mới đây, CLB dành thời gian vinh danh cho 2 nghệ nhân ưu tú Đỗ Ngọc Quân và Nguyễn Thị Hợp. Nghệ nhân Nguyễn Thị Hợp có nghệ danh là Bích Hợp, cô sinh năm 1966 tham gia phong trào lúc 16 tuổi, vai bé Sen trong vở cải lương “Chuyến đò tuyển quân" của cố tác giả Hoàng Văn Lương. Sau đó, cô lập gia đình, vợ chồng thành lập nhóm nhỏ đờn ca và truyền dạy cho các đệ tử. Chồng nghệ nhân Bích Hợp là Lê Văn Nùng cũng được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú từ năm 2015. Cô từng đoạt huy chương vàng toàn đoàn khi tham gia Festival toàn quốc năm 2016; huy chương vàng song ca, huy chương bạc đờn ca, huy chương vàng toàn đoàn tại Hội thi đờn ca tài tử và cải lương do tỉnh Bình Thuận tổ chức.
Trong CLB còn có nghệ nhân Đỗ Ngọc Quân với nghệ danh Năm Sển (sinh năm 1965). Năm 2001 đoạt huy chương vàng Hội diễn cải lương và dân ca của lực lượng vũ trang do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Thuận tổ chức. Năm 2005 nghệ danh Năm Sển đạt giải 3; giải phong cách trong Liên hoan Đờn ca tài tử toàn quốc lần thứ 3 do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức vào năm 2008; Huy chương đồng Liên hoan ĐCTT thành phố Hồ Chí Minh mở rộng năm 2014. Huy chương bạc Festival ĐCTT quốc gia tại Bạc Liêu. Đến hôm nay, ông vẫn năng nổ xây dựng và giữ gìn phong trào đờn ca tài tử, luôn đồng hành cùng câu lạc bộ tham gia các chương trình biểu diễn sân khấu tài tử và cải lương.
CLB hiện nay là sân chơi bổ ích duy trì đều đặn sinh hoạt, tụ họp nhau rèn luyện khi có thời gian rảnh rỗi. Không gian ngôi nhà của chủ nhiệm CLB lại vang lên tiếng đàn, tiếng ca vun đắp cho cuộc đời và nuôi nấng đam mê. Vì hiểu điều giản đơn là mong muốn giữ lửa và truyền dạy cho các thế hệ theo cách bình dân nhất.