Tuyên bố mới về bí ẩn quái vật hồ Loch Ness
Huyền thoại về quái vật hồ Loch Ness, một bí ẩn chưa có lời giải trong suốt gần một thế kỷ, luôn là đề tài thu hút sự chú ý và tranh luận không ngừng.
Theo trang Daily Mail (Anh), quái vật hồ Loch Ness, hay còn gọi là Nessie, được cho là một sinh vật biển khổng lồ sinh sống tại hồ nước ngọt phía Nam Inverness, Scotland. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn chưa chứng minh được rằng loài sinh vật này có tồn tại hay không. Mới đây, một nhà khoa học hàng đầu đã tuyên bố rằng mọi sự nghi ngờ về Nessie cuối cùng đã được giải đáp.
Giáo sư Tim Coulson, chuyên gia động vật học tại Đại học Oxford, khẳng định việc quái vật hồ Loch Ness tồn tại là điều “không thể về mặt sinh học”. Ông chỉ ra rằng không có hài cốt và không ai bắt được sinh loài vật nào như vậy trong khu vực. Điều này cho thấy Nessie không có thật.
“Việc không có hài cốt và bất kỳ bức ảnh đáng tin cậy nào là lời khẳng định mạnh mẽ và đáng tin cậy cho thấy Nessie không tồn tại”, ông này nói với tờ The European.
Giải thích về các bức ảnh được cho là chụp quái vật hồ Loch Ness, ông Coulson cho rằng những hình ảnh mờ này có thể là những mảnh vỡ trôi nổi hoặc các loài chim có cổ dài, chẳng hạn chim cốc, khi chúng bơi gần mặt nước. Theo ông, sự hiểu nhầm về kích thước của vật thể có thể là nguyên nhân chính xuất hiện những thông tin về sự xuất hiện của Nessie.
Giống như Bigfoot hay Yeti, quái vật hồ Loch Ness được xem là một sinh vật huyền bí mà sự tồn tại vẫn chưa được chứng minh, với rất ít hoặc không có bằng chứng khoa học xác thực. Thông tin về một sinh vật kỳ lạ ở hồ Loch Ness đã xuất hiện từ năm 565 sau Công nguyên. Hình ảnh nổi tiếng nhất về Nessie xuất hiện vào năm 1934, được cho là chụp bởi một bác sĩ phẫu thuật, dù bức ảnh này cũng có nhiều tranh cãi về tính xác thực.
Trong suốt gần một thế kỷ qua, hàng nghìn du khách đã tới hồ Loch Ness và chụp những bức ảnh mờ ảo về loài sinh vật này, song chưa có bức ảnh nào đủ thuyết phục để chứng minh nó tồn tại.
Ông Coulson chỉ ra rằng không có bất kỳ hóa thạch nào của loài plesiosaur (thằn lằn đầu rắn) còn sót lại sau 66 triệu năm, nên việc tồn tại một con plesiosaur trong hồ Loch Ness là không thể. Nếu có hàng trăm con sinh vật này, chúng đã được phát hiện trong các lưới đánh cá từ lâu.
Về loài Bigfoot (quái vật chân lớn), ông Coulson giải thích rằng các thông tin về sự xuất hiện của sinh vật này thực chất là gấu đen, bởi sự phân bố của Bigfoot trùng khớp hoàn toàn với khu vực sống của loài gấu đen.
Tiến sĩ Jason Gilchrist tại Đại học Edinburgh Napier cho rằng các huyền thoại như Nessie hay Bigfoot vẫn luôn thu hút sự tò mò của con người mà không có bằng chứng cụ thể. Con người luôn muốn khám phá những điều hiếm có và đặc biệt, và không gì thú vị hơn một sinh vật huyền bí như Quái vật hồ Loch Ness. Điều này khiến những người tìm kiếm Nessie chú ý đến những bằng chứng mà họ có thể bỏ qua ở các địa điểm khác.
Tuy nhiên, mặc dù sự tồn tại của Nessie đã bị bác bỏ, Giáo sư Coulson cho rằng vũ trụ rộng lớn có thể chứa đựng những dạng sống khác ngoài hành tinh. Với 70 nghìn tỷ hành tinh trong vũ trụ, khả năng tồn tại của các sinh vật thông minh khác ngoài Trái Đất là một giả thuyết đáng cân nhắc.
Vì vậy, dù sự tồn tại của Quái vật hồ Loch Ness không thể chứng minh, vũ trụ vẫn đầy bí ẩn, và chúng ta chưa thể biết hết được những điều kỳ thú đang chờ đợi phía trước.
Tiến sĩ Gordon Gallup, nhà sinh lý học tâm lý tại Đại học Albany, cho rằng người ngoài hành tinh có thể tránh xa Trái Đất vì sợ rằng con người sẽ quá nguy hiểm đối với họ.