Bảo vệ 'thư viện' của thiên nhiên
Một trong những nạn nhân rõ rệt của biến đổi khí hậu là các sông băng. Do đó, ngày 21-1-2025 được chọn làm ngày khởi động Năm Quốc tế bảo vệ các sông băng để thúc đẩy nỗ lực kìm đà tan chảy ngày càng nhanh chóng của sông băng khắp nơi.
Ngày khởi động Năm Quốc tế bảo vệ các sông băng được tổ chức ngay sau ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump - người quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định Khí hậu Paris và thúc đẩy việc khai thác các năng lượng hóa thạch, thủ phạm chính của biến đổi khí hậu.
Chỉ cần một con số cũng đủ để tóm tắt được mức độ tan chảy của các sông băng. Riêng tại Thụy Sĩ, người ta ước tính rằng sông băng mất 10% khối lượng chỉ trong 2 năm 2022 và 2023. Sự biến mất của các sông băng gây nhiều thiệt hại. Không có gì có thể bảo vệ được sông băng ngoài việc cắt giảm mạnh khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Trước mắt, giới khoa học tìm cách bảo vệ các mẫu băng, được coi là các “thư viện” của thiên nhiên, nơi lưu giữ những ký ức quý giá về vi sinh vật, môi trường Trái đất, các tác động của con người đến môi trường…, trước khi các “thư viện” tan chảy hoàn toàn.
Giáo sư Jérôme Chappellaz tại Trường EPFL ở thành phố Lausanne (Thụy Sĩ), cũng là Chủ tịch của Ice Memory Foundation (Quỹ ký ức băng), cho hay, mục tiêu của dự án Năm Quốc tế bảo vệ các sông băng là bảo tồn lõi băng của ít nhất 20 sông băng trên khắp thế giới. ‘‘Khi lấy một thỏi băng có đường kính khoảng 10cm, bạn có thể có chất liệu để kể về lịch sử của núi lửa chẳng hạn, hay về hoạt động của Mặt trời, cũng như về nạn ô nhiễm do các hoạt động của con người. Đây thực sự là một loại thư viện của tự nhiên’’, ông Chappellaz nói.
Một thư viện giúp giải mã quá khứ và cũng là để chuẩn bị cho tương lai. Các sông băng chứa một lượng lớn vi sinh vật mà con người hầu như không hay biết gì về chúng. Nhưng điều đó có thể cho phép chúng ta tạo ra nhiều loại thuốc sau này, với điều kiện là phải lưu giữ chúng kịp thời.
Chuyên gia về sông băng Chappellaz cho biết: ‘‘Chúng tôi đang nhắm tới một sông băng ở biên giới giữa Canada và Alaska, nơi đây chúng tôi đã quan sát thấy nhiệt độ ở sông băng tăng thêm 5oC trong 10 năm qua. Chỉ trong vòng một thập niên tới, sông băng này sẽ không còn phù hợp cho loại nghiên cứu này nữa’’.
Có thể lưu giữ những lõi băng này ở đâu? Không phải ở châu Âu mà là ở Nam cực. Tại một cơ sở của Pháp và Italy ở Concordia, nhiệt độ trung bình hàng năm là -55oC. Đây là điều kiện hoàn hảo để lập ra một bảo tàng sông băng đầu tiên trên thế giới. Nếu mọi việc diễn ra tốt đẹp, dự kiến mẫu băng đầu tiên sẽ được gửi đến vào cuối năm nay.
Trên thế giới, có khoảng 300.000 sông băng, với tổng thể tích 170.000km3, chiếm ít nhất 70% nguồn nước ngọt dự trữ toàn cầu. Theo một ước tính của giới khoa học, nếu tất cả sông băng tan chảy, mực nước biển sẽ dâng cao hơn 66m. Nếu thế giới tuân thủ Hiệp định Paris, có khả năng giữ được 1/3 thể tích sông băng trên dãy Alpes ở châu Âu. Ngược lại, nếu khí thải tiếp tục được phát ra với khối lượng lớn, có nguy cơ thế giới mất đến 95% sông băng trước cuối thế kỷ.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/bao-ve-thu-vien-cua-thien-nhien-post779158.html