Tuyển bóng đá Việt Nam: Sao không là huấn luyện viên nội?

Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) đã từ chối cơ hội bổ nhiệm huấn luyện viên (HLV) nội thay thế ông Troussier. Có rất nhiều lý do khiến họ 'ngại' sử dụng HLV nội ở thời điểm này.

VFF không có quyền tự quyết

Ít ai biết rằng VFF thực tế không có quyền tự quyết bổ nhiệm ai làm HLV đội tuyển quốc gia Việt Nam. Trước khi VFF chọn HLV Kim Sang Sik thay thế Troussier, nhiều tin đồn cho rằng cơ quan này sẽ bổ nhiệm ông Hoàng Anh Tuấn làm HLV tạm quyền dẫn dắt đội tuyển Việt Nam trong dịp FIFA Days tháng 6/2024. Thực tế, đây là phương án khả thi và hoàn toàn hợp lý nếu VFF chưa tìm kiếm được phương án phù hợp cho đường dài.

Huấn luyện viên Kim Sang Sik là lựa chọn phù hợp với tiêu chí của VFF.

Huấn luyện viên Kim Sang Sik là lựa chọn phù hợp với tiêu chí của VFF.

Tại vòng loại 2 World Cup 2026, đội tuyển Việt Nam gần như đã hết cơ hội đi tiếp sau 2 trận thua liên tiếp trước Indonesia vào tháng 3/2024. Sau loạt trận ở FIFA Days tháng 6/2024, đội tuyển Việt Nam sẽ tiếp tục nghỉ dài hạn đến tháng 9. Ngoài ra, chúng ta cũng không còn giải đấu lớn nào cho đến cuối tháng 11, thời điểm AFF Cup 2024 diễn ra. Điều đó có nghĩa VFF có thể dành thêm thời gian tìm kiếm HLV mới nếu muốn, đồng thời trao cơ hội cho ông Hoàng Anh Tuấn thể hiện bản thân giống như ở VCK U23 châu Á 2024 tại Qatar vừa qua.

Tuy nhiên, VFF quyết định bổ nhiệm HLV Kim Sang Sik ngay lập tức. Phương án sử dụng ông Hoàng Anh Tuấn làm HLV tạm quyền hoặc lựa chọn một chiến lược gia nội đã sớm bị gạt bỏ ngay từ đầu. Có rất nhiều lý do khiến VFF không muốn dùng HLV nội ở đội tuyển Việt Nam. Trong đó, quan trọng nhất là việc VFF không có quyền tự quyết.

Quy trình bổ nhiệm HLV cho các đội tuyển quốc gia phức tạp hơn những gì giới mộ điệu nhìn thấy. Trước đây, ngay cả Hội đồng HLV quốc gia cũng không có nhiều tiếng nói. Hiện tại, Hội đồng này tham gia nhiều hơn trong việc xác định hồ sơ phù hợp, nhưng quyền quyết định vẫn thuộc về các cấp cao hơn.

Cụ thể, VFF muốn bổ nhiệm HLV trưởng cho đội tuyển Việt Nam cần thông qua Hội đồng HLV quốc gia, thường trực VFF và cao nhất là Ban chấp hành VFF, sau đó báo cáo lãnh đạo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL), Cục Thể dục Thể thao (TDTT). Được biết, quan điểm của các bên mà VFF xin ý kiến đều mong muốn đội tuyển Việt Nam tiếp tục thuê HLV ngoại.

Huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn muốn dẫn dắt đội tuyển Việt Nam nhưng ông không được chọn.

Huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn muốn dẫn dắt đội tuyển Việt Nam nhưng ông không được chọn.

HLV Hoàng Anh Tuấn quả thực mong muốn dẫn dắt đội tuyển Việt Nam sau gần một thập kỷ làm việc ở các đội tuyển trẻ. Thế nhưng, ông không nhận được sự tín nhiệm cần thiết. Đây cũng là một phần khiến nhà cầm quân người Khánh Hòa quyết định chia tay VFF sau thời gian dài gắn bó.

Hạn chế của HLV nội

Không phải vô cớ mà quan điểm của hầu hết những bên có thẩm quyền đều muốn đội tuyển Việt Nam sử dụng HLV ngoại. Quá khứ cho thấy HLV nội có rất nhiều điểm hạn chế, khó thành công ở cấp độ cao nhất.

Trong vòng 20 năm trở lại đây, đội tuyển Việt Nam có tổng cộng 12 HLV khác nhau (chỉ tính người dẫn dắt 2 trận trở lên). Trong đó bao gồm 7 HLV ngoại và 5 HLV nội. Số lượng này thoạt nhìn không cho thấy sự chênh lệch đáng kể, nhưng quãng thời gian cầm quân và tầm ảnh hưởng lại có sự khác biệt rất lớn.

Tính từ năm 2005 thời cố HLV Alfred Riedl đến nay, 7 HLV ngoại cầm quân tổng cộng 163 tháng (tương đương 13,5 năm). Trong đó, người tại vị lâu nhất là HLV Park Hang-seo, kéo dài từ tháng 10/2017 đến tháng 1/2023. Trong khi đó, 5 HLV nội chỉ dẫn dắt đội tuyển Việt Nam trong vòng 47 tháng (tương đương gần 4 năm). HLV nội cầm quân lâu nhất là Nguyễn Hữu Thắng, cũng chỉ tại vị được 17 tháng.

Huấn luyện viên Phan Thanh Hùng từ chức chỉ sau 4 tháng.

Huấn luyện viên Phan Thanh Hùng từ chức chỉ sau 4 tháng.

Hơn nữa, một số HLV nội chỉ xuất hiện chớp nhoáng trong vai trò tạm quyền. Điển hình là HLV Mai Đức Chung, người phải “chữa cháy” cho đội tuyển Việt Nam đến 3 lần. Tương tự như vậy, Nguyễn Văn Sỹ cũng từng có cơ hội dẫn dắt “Binh đoàn sao vàng” trong vòng 4 tháng từ tháng 1/2013 đến tháng 5/2023. Cả hai đều không nhận được hợp đồng dài hạn.

Ngoài những cái tên kể trên, 2 HLV nội còn lại từng có cơ hội dẫn dắt tuyển quốc gia là Phan Thanh Hùng và Hoàng Văn Phúc. Cả hai đều gặt hái thành công nhất định ở cấp CLB, nhưng chịu thất bại nhanh chóng khi lên tuyển. Ông Phan Thanh Hùng thậm chí phải từ chức chỉ sau 4 tháng làm việc vì áp lực quá lớn từ giới mộ điệu.

Sau thất bại thảm hại của ông Phan Thanh Hùng, VFF vẫn kiên định với quyết tâm dùng HLV nội. Họ dùng ông Nguyễn Văn Sỹ làm HLV tạm quyền trước khi trao ấn tín cho HLV Hoàng Văn Phúc. Cộng thêm HLV Mai Đức Chung trước đó, đây là giai đoạn đội tuyển Việt Nam sử dụng HLV nội liền mạch dài nhất, và nhiều nhất lịch sử. Thế nhưng, kết quả cuối cùng chỉ chứng minh một điều: HLV nội có quá nhiều hạn chế và khó đem lại thành công như kỳ vọng.

Một trong những hạn chế lớn nhất của HLV nội là không được quyền lựa chọn ban huấn luyện như mong muốn. Đây là đặc thù của bóng đá Việt Nam. Ngay cả các HLV ngoại cũng chỉ được lựa chọn số ít trợ lý thân cận, trong khi phần còn lại sẽ do VFF chỉ định.

Ngoài ra, phẩm chất chuyên môn của các HLV nội luôn là dấu hỏi lớn. Môi trường ở V.League cho thấy các HLV Việt Nam hiếm khi tạo ra dấu ấn chiến thuật khiến giới mộ điệu phải trầm trồ. Đơn cử trường hợp của Thép Xanh Nam Định hiện nay. Đội bóng đang dẫn đầu V.League 2023/2024 và tràn đầy cơ hội vô địch, nhưng tầm ảnh hưởng của HLV Vũ Hồng Việt không được đánh giá cao. Thay vào đó, sự xuất sắc của các ngoại binh như Hendrio và Rafaelson mới là điều tạo ra khác biệt cho đội bóng này và phần còn lại.

V.League rõ ràng không phải môi trường tốt cho các HLV Việt Nam phát triển tài cầm quân. Mùa trước, CLB Công an Hà Nội lên ngôi với 3 HLV khác nhau trong suốt mùa giải. Người cuối cùng nâng cúp vô địch cùng họ không phải HLV đúng nghĩa, mà là Giám đốc kỹ thuật Trần Tiến Đại.

Nguy cơ chia bè, chia phái

Một lý do khác khiến VFF không muốn sử dụng HLV nội, và nó không nằm ở chuyên môn. Đó là nguy cơ chia bè, chia phái trong lòng đội tuyển. Các HLV nội có xu hướng gọi các học trò cũ ở CLB hoặc các cầu thủ đồng hương lên tuyển, từ đó tạo ra các tin đồn không hay.

Huấn luyện viên Nguyễn Hữu Thắng gây điều tiếng trong giai đoạn dẫn dắt đội tuyển Việt Nam.

Huấn luyện viên Nguyễn Hữu Thắng gây điều tiếng trong giai đoạn dẫn dắt đội tuyển Việt Nam.

Thất bại tan nát của U23 Việt Nam và đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Nguyễn Hữu Thắng là bài học lớn nhất cho VFF. Trong giai đoạn cầm quân từ tháng 3/2016 đến tháng 8/2017, HLV Hữu Thắng cho thấy sự ưu ái đáng kể với các cầu thủ Nghệ An.

Sau khi đội tuyển Việt Nam bị loại ở bán kết AFF Cup 2016, những cuộc tranh cãi không ngớt nổi lên, trong đó nhiều ý kiến cho rằng sai lầm lớn nhất của HLV Hữu Thắng là tin dùng quá nhiều cầu thủ xứ Nghệ. Ở thời điểm đó, HLV này thẳng tay loại bỏ một số cầu thủ từng khẳng định được khả năng dưới thời người tiền nhiệm Miura như Huy Toàn, Huy Hùng… để chọn Âu Văn Hoàn, Sầm Ngọc Đức, Trần Phi Sơn.

Trong danh sách dự AFF Cup 2016 của đội tuyển Việt Nam, 10/23 cầu thủ là “quân xứ Nghệ”. Ở trận ra quân gặp Myanmar, 7 cầu thủ quê Nghệ An hoặc đang khoác áo SLNA đá chính, bao gồm thủ môn Nguyên Mạnh, cặp trung vệ Ngọc Hải - Đình Luật, hậu vệ phải Đình Đồng, tiền vệ Hoàng Thịnh, tiền vệ cánh Thanh Trung (quê Hà Tĩnh) và đội trưởng Công Vinh. Đến phút 50, số lượng là 8 khi Trọng Hoàng vào thay Văn Toàn, khiến đội tuyển Việt Nam giống như đội bóng xứ Nghệ mở rộng.

Sự ưu ái của HLV Hữu Thắng với các học trò đồng hương khiến đội tuyển Việt Nam trải qua giai đoạn bất ổn chưa từng thấy. Cay đắng hơn, thất bại của đội bóng áo đỏ lại xuất phát từ sai lầm của chính các các cầu thủ này, khiến dư luận càng đổ dồn về HLV Hữu Thắng và đổ dồn trách nhiệm của VFF.

Sai lầm với HLV Hữu Thắng có lẽ là lý do khiến VFF đánh mất niềm tin vào HLV nội. Trong bối cảnh hiện nay, sẽ còn rất lâu để thấy đội tuyển Việt Nam do một HLV Việt Nam dẫn dắt.

HLV Kim Sang Sik gây ấn tượng

Sau khi ký hợp đồng với VFF, HLV Kim Sang Sik nhanh chóng gây ấn tượng nhờ sự chăm chỉ của mình. Chiến lược gia người Hàn Quốc gần như không nghỉ ngơi mà bắt tay ngay vào công việc, bắt đầu bằng cách đi xem các trận đấu tại V.League, qua đó trực tiếp đánh giá các tuyển thủ Việt Nam cũng như tìm kiếm gương mặt mới.

Trong giai đoạn này, V.League thi đấu với mật độ dày đặc, lên đến 3,4 ngày/1 trận nhưng HLV Kim Sang Sik không ngại di chuyển để theo dõi các trận cầu đinh. Ông có thể ở Bình Dương tối hôm trước, nhưng lại xuất hiện ở Hà Nội ngay vào buổi chiều hôm sau. Không những vậy, HLV Kim Sang Sik thậm chí xem cả Bắc Ninh FC thi đấu ở giải hạng Nhì Quốc gia, cốt trao đổi với “người thầy” Park Hang Seo. Không loại trừ HLV Kim Sang Sik xin lời khuyên từ Park Hang Seo để vực dậy đội tuyển Việt Nam nhanh nhất có thể. Sự nhiệt tình này giúp ông nhận được nhiều thiện cảm từ người hâm mộ.

Ở một diễn biến khác, ê kíp của HLV Kim Sang Sik đang dần hoàn thiện. Trợ lý số một của HLV Kim là Choi Won Kwon, người từng có kinh nghiệm dẫn dắt các CLB ở K.League. HLV thể lực là ông Sang Wuk An, từng học chuyên ngành khoa học thể thao và làm việc tại đội bóng Đại học Cardiff của Xứ Wales. Ông là người đi theo HLV Kim Sang Sik từ Jeonbuk Hyundai Motors.

Theo Tổng thư ký VFF Dương Nghiệp Khôi, ban huấn luyện ĐTQG và U23 Việt Nam thời gian tới có khoảng 13 người, trong đó có 4 người Hàn Quốc và 9 người Việt Nam. Những cái tên cụ thể sẽ được tiết lộ trong thời gian tới.

Thành Trần

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/tuyen-bong-da-viet-nam-sao-khong-la-huan-luyen-vien-noi--i732001/