Tuyến đường bộ ven biển qua địa phận tỉnh Tiền Giang dự kiến có tổng mức đầu tư khoảng 5.591 tỷ đồng

Ngày 24-7, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Tiền Giang Trần Văn Bon cho biết, Dự án Tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa phận tỉnh Tiền Giang kết nối với tỉnh Long An và tỉnh Bến Tre giai đoạn 1 (gọi tắt là Dự án) dự kiến có tổng mức đầu tư khoảng 5.591 tỷ đồng.

Đoạn tuyến Dự án qua địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Đoạn tuyến Dự án qua địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Theo đó, nguồn vốn để thực hiện Dự án sẽ do ngân sách trung ương hỗ trợ và ngân sách địa phương. Cụ thể, nguồn vốn giải phóng mặt bằng và chi phí khác sẽ sử dụng ngân sách tỉnh.

Về kinh phí thực hiện xây lắp, Trung ương sẽ hỗ trợ 90% từ nguồn vốn vay ADB, 10% còn lại tỉnh sẽ vay lại của Trung ương từ nguồn vốn ADB.

Cũng theo đồng chí Trần Văn Bon, hiện tỉnh đang lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án. Sau khi Chính phủ có quyết định phương án vốn, tỉnh mới phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Báo cáo này sẽ được tổng hợp đưa vào dự án chung (Tuyến đường bộ ven biển phía Nam). Dự kiến đến cuối năm 2024, Dự án sẽ được phê duyệt và triển khai thi công.

Theo Sở GTVT tỉnh Tiền Giang, trước đó, đề xuất Dự án đã được UBND tỉnh Tiền Giang trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính thẩm định tại Công văn 3380/UBND-KT ngày 24-6-2022.

Đến ngày 8-6-2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có Công văn 4309/BKHĐT-KTĐN về việc đề nghị hoàn chỉnh đề xuất dự án theo ý góp ý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ GTVT. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã hoàn thiện đề xuất dự án với một số nội dung chính.

Cụ thể, phạm vi của dự án nằm trên địa bàn TX. Gò Công, huyện Gò Công Đông và Tân Phú Đông. Về phương án tuyến, điểm đầu kết nối với Quốc lộ 50 tại xã Tân Trung, TX. Gò Công và điểm cuối (đấu nối với cầu bắc qua sông Cửa Đại) thuộc huyện Tân Phú Đông.

Tổng thể hướng tuyến đường bộ ven biển phía Nam.

Tổng thể hướng tuyến đường bộ ven biển phía Nam.

Dự kiến, tổng chiều dài khoảng 31 km, bao gồm: Đoạn đi trùng đường tỉnh 871B dài khoảng 5,6 km; xây dựng tuyến mới dài khoảng 25 km.

Quy mô đầu tư dự kiến, đầu tư xây dựng khoảng 25 km đường đạt tiêu chuẩn quy mô đường cấp III đồng bằng.

Phạm vi giải phóng mặt bằng cho cả 2 giai đoạn với chiều ngang 35 m, chiều dài toàn tuyến khoảng 25 km.

Dự kiến thời gian thực hiện trong giai đoạn năm 2023 - 2026 và vận hành sau năm 2027.

Về đầu tư cầu qua sông Cửa Đại (không có trong đề xuất Dự án), UBND tỉnh Tiền Giang kiến nghị trung ương đầu tư bằng vốn ngân sách trung ương.

Bởi nếu đầu tư theo hình thức PPP sẽ không đồng bộ với việc đầu tư toàn tuyến đường bộ ven biển bằng vốn ngân sách và công tác giải phóng mặt bằng giữa 2 tỉnh Tiền Giang và Bến Tre sẽ rất khó khăn.

Tuyến đường bộ ven biển phía Nam kết nối TP. Hồ Chí Minh - Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đi qua các tỉnh, thành gồm: TP. Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.

Đây là tuyến đường mang tính chất kết nối liên vùng, tạo thành hành lang kinh tế, trục động lực phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương ven biển ĐBSCL nói chung và các tỉnh có tuyến ven biển nói riêng.

Dự án khi hoàn thành sẽ hình thành tuyến đường bộ ven biển kết nối từ TP. Hồ Chí Minh đến các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, với chiều dài tuyến khoảng 941 km, quy mô đường cấp III đồng bằng.

ANH THƯ

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202307/tuyen-duong-bo-ven-bien-qua-dia-phan-tinh-tien-giang-du-kien-co-tong-muc-dau-tu-khoang-5591-ty-dong-985602/