Tuyến đường sắt đô thị số 2 Hà Nội lùi tiến độ hoàn thành vào năm 2027

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa báo cáo Chính phủ, Quốc hội về dự án đường sắt đô thị tuyến số 2 TP Hà Nội, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo. Theo kế hoạch ban đầu, dự án có tổng mức đầu tư 19.555 tỷ đồng, hoàn thành vào năm 2015. Do phải điều chỉnh một loạt thông số kỹ thuật, thời hạn hoàn thành dự án được kiến nghị lùi đến năm 2027.

Vị trí dự kiến xây dựng ga ngầm C9 tuyến đường sắt đô thị số 2 TP Hà Nội, chỉ cách hồ Hoàn Kiếm khoảng 10 m.

Vị trí dự kiến xây dựng ga ngầm C9 tuyến đường sắt đô thị số 2 TP Hà Nội, chỉ cách hồ Hoàn Kiếm khoảng 10 m.

NDĐT – Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa báo cáo Chính phủ, Quốc hội về dự án đường sắt đô thị tuyến số 2 TP Hà Nội, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo. Theo kế hoạch ban đầu, dự án có tổng mức đầu tư 19.555 tỷ đồng, hoàn thành vào năm 2015. Do phải điều chỉnh một loạt thông số kỹ thuật, thời hạn hoàn thành dự án được kiến nghị lùi đến năm 2027.

Quy mô lớn

Dự án đường sắt đô thị tuyến số 2 TP Hà Nội đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo được phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi từ năm 2008, với quy mô xây dựng dài 11,5 km (đi ngầm chín km), gồm 10 nhà ga (bảy ga ngầm và ba ga trên cao). Khu Depot rộng 17,5 ha tại phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm.

Hướng tuyến dự án bắt đầu từ Khu đô thị Nam Thăng Long (Ciputra), đi theo đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài - Hoàng Quốc Việt - Hoàng Hoa Thám - Thụy Khuê - Phan Đình Phùng - Hàng Giấy - Hàng Đường - Hàng Ngang - Hàng Đào - Đinh Tiên Hoàng - Hàng Bài và kết thúc ở ngã tư phố Huế giao với đường Nguyễn Du.

TP Hà Nội đã phê duyệt (lần đầu) tổng mức đầu tư dự án 19.555 tỷ đồng, tuy nhiên mới đây, TP Hà Nội đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án lên 35.678 tỷ đồng sử dụng vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng trong nước, tăng 16.123 tỷ đồng (82%) so với ban đầu. Nguyên nhân do thay đổi quy mô đầu tư (tăng hơn 1.800 tỷ đồng), ngoài ra, các yếu tố khác cũng đều tăng, tỷ giá quy đổi (tăng 2.235 tỷ đồng), nguyên liệu, vật tư, nhân công, thiết bị,… (tăng 6.762 tỷ đồng), chế độ chính sách - chi phí quản lý (tăng 5.323 tỷ đồng).

Lấy ý kiến người dân về dự án.

Lấy ý kiến người dân về dự án.

Cùng với đó, TP Hà Nội cũng điều chỉnh giảm số lượng đoàn tàu từ 14 đoàn (56 toa) xuống 10 đoàn (40 toa) để vận hành phù hợp lưu lượng hành khách dự báo và điều chỉnh một số thông số kỹ thuật dự án so thiết kế ban đầu được duyệt vào năm 2008 để bảo đảm an toàn chạy tàu. Vận tốc chạy tàu cũng được nâng lên, tốc độ vận hành tối đa các đoàn tàu trên tuyến đạt 110 km/giờ đoạn trên cao, 80 km/giờ trong hầm và 15 km/giờ khu Depot. Do dự án phải thực hiện một loạt điều chỉnh, tiến độ hoàn thành được đề xuất lùi đến năm 2027.

Đến nay, chín ga và đoạn tuyến trên cao đã được phê duyệt và đang tiến hành giải phóng mặt bằng, chỉ còn ga ngầm C9 đang chờ phê duyệt. Theo Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội, do các ý kiến tranh cãi về vị trí ga C9 chưa ngã ngũ và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chưa có văn bản chấp thuận nên hiện tại, vẫn chưa có quyết định cuối cùng về vị trí xây dựng ga ngầm C9.

Bản vẽ ga ngầm C9.

Bản vẽ ga ngầm C9.

Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn chỉnh dự thảo, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp này về tình hình triển khai thực hiện dự án tuyến đường sắt đô thị số 2, trong đó có vấn đề phát sinh tiêu chí dự án thuộc dự án quan trọng quốc gia.

Phó Thủ tướng yêu cầu TP Hà Nội thực hiện trình tự, thủ tục về điều chỉnh dự án (bao gồm cả điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án) theo đúng quy định của Chính phủ, hướng dẫn về dự án quan trọng quốc gia và các quy định pháp luật liên quan và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng; chịu trách nhiệm toàn diện về thông tin, số liệu báo cáo và hiệu quả đầu tư dự án điều chỉnh. Đồng thời, phối hợp các bộ, ngành liên quan báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định việc bố trí vay vốn nước ngoài bổ sung phần điều chỉnh tổng mức đầu tư tăng thêm của dự án; giám sát đầu tư theo đúng quy định, bảo đảm dự án đầu tư đúng mục tiêu và hiệu quả.

Ga ngầm C9 – “tiêu điểm” tranh cãi

“Tiêu điểm” gây ra nhiều ý kiến trái chiều giữa các cơ quan, chuyên gia đối với dự án đường sắt đô thị tuyến số 2 TP Hà Nội, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo chính là nên nay không nên quy hoạch tổng thể mặt bằng ga ngầm C9 tại khu vực Hồ Hoàn Kiếm (dưới phố Đinh Tiên Hoàng và một phần vườn hoa Hồ Gươm) theo đề xuất của TP Hà Nội.

Nhà ga C9 được thiết kế ba tầng, dài 150 m, rộng 21,4 m và sâu 17,45 m. Nhà ga có bốn cửa lên xuống, trong đó một cửa ga trên vỉa hè cạnh Hồ Gươm thay thế cửa hàng và nhà vệ sinh công cộng hiện tại. Nếu được phê duyệt, năm 2019 sẽ đấu thầu thiết kế chi tiết và thi công; khởi công đầu năm 2020 và hoàn thành vào năm 2024. Chung quanh khu vực này, có quần thể các công trình Tượng đài Cảm Tử, đền Bà Kiệu, đền Bút Tháp, vườn hoa Tượng đài Lý Thái Tổ. Khoảng cách ngắn nhất từ thân ga C9 tới Hồ Gươm chỉ khoảng 10 m, tới Tượng đài Cảm Tử 81 m, đến đền Bà Kiệu 83 m, đền Tháp Bút 36 m, vườn hoa Tượng đài Lý Thái Tổ 120 m.

Vị trí dự kiến xây dựng ga ngầm C9 tuyến đường sắt đô thị số 2 TP Hà Nội, chỉ cách hồ Hoàn Kiếm khoảng 10 m.

Vị trí dự kiến xây dựng ga ngầm C9 tuyến đường sắt đô thị số 2 TP Hà Nội, chỉ cách hồ Hoàn Kiếm khoảng 10 m.

Trong khi TP Hà Nội cho rằng vị trí ga ngầm C9 là phương án tối ưu, một số cơ quan, chuyên gia về quy hoạch, kiến trúc và đại biểu Quốc hội lại không đồng thuận, cho rằng vi phạm Luật Di sản văn hóa, tác động tiêu cực đến các di tích và danh lam thắng cảnh khu vực hồ Hoàn Kiếm.

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội trong văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng vào tháng 8-2018 cho rằng, ga ngầm C9 đặt gần đền Ngọc Sơn, đền Bà Kiệu “không chỉ vi phạm Luật Di sản văn hóa mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, ảnh hưởng không thể khắc phục đối với di sản, không gian văn hóa của trung tâm Thủ đô”.

Đại biểu Quốc hội Triệu Thế Hùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội từng phát biểu trên nghị trường Quốc hội, cho rằng các dự án kiến trúc gần đây nặng về giá trị kinh tế và lợi ích cục bộ hơn là bản sắc văn hóa. Dẫn chứng trường hợp ga C9, ông Hùng bày tỏ lo ngại việc xây dựng ga sẽ xâm phạm di tích Hồ Gươm đã được công nhận là di sản cấp quốc gia đặc biệt. Không ai dám khẳng định khi thi công và vận hành dự án có gây sụt lở, ảnh hưởng đến cụm di tích Hồ Gươm hay không. Dự kiến, khi hoàn thành, mỗi ngày có khoảng 5.000 người đổ về, như vậy, có giữ được cảnh quan của di sản cấp quốc gia đặc biệt này không.

Nguyên Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Đỗ Hoàng Ân cho rằng, do ga C9 không phải ga đầu mối, nên có thể tính đến việc điều chỉnh kích cỡ gọn lại, ít ảnh hưởng đến ranh giới vùng bảo vệ di sản văn hóa hơn. Cơ quan liên quan nên xem xét ý kiến của các ngành, nhà khoa học. Nếu cần thiết vẫn phải nghĩ đến vị trí khác, như vườn hoa Lý Thái Tổ để có cửa lên xuống ga phù hợp.

Khi còn sống, TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cũng cho rằng, ở các nước trên thế giới, khi xây ga ngầm, họ lùi xa các điểm di tích lịch sử, văn hóa và làm lối nhánh hàng trăm mét để khách đi lên tham quan, nghỉ ngơi. Vì thế, ta không nên làm ga ngầm ở ven hồ Gươm mà nên chọn vị trí khác lùi xa Bờ Hồ hơn, sau đó có lối nhánh đi lên Bờ Hồ. Còn TS Nguyễn Ngọc Long, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Cầu đường Việt Nam cũng cho rằng, những vị trí địa linh nhân kiệt, gắn liền với lịch sử, truyền thống thì bất khả xâm phạm. Các khu vực trên đều không được xây dựng công trình cao tầng bên trên hay đi ngầm ở dưới. Tuyến đường sắt ngầm và ga C9 cũng cần phải làm như vậy.

Người dân xem mô hình dự án.

Người dân xem mô hình dự án.

Đại diện chủ đầu tư, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho rằng, một số vấn đề kỹ thuật Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lưu ý đối với ga gầm C9 và dự án đều có thể xử lý được. Nhà ga C9 chỉ có một phần lọt vào vùng II (tiếp giáp khu vực bảo vệ vùng I) của di sản văn hóa và được phép xây dựng công trình bảo vệ, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa. Công trình ga C9 góp phần bảo tồn, phát huy giá trị của di sản.

Theo quan điểm của chủ đầu tư, vị trí ga C9 có ý nghĩa với hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội, kết nối với ga của tuyến Yên Viên - Ngọc Hồi (số 1) và Nhổn - ga Hà Nội (số 3), giúp tăng lưu lượng vận chuyển gấp 10 lần so hoạt động tuyến đơn lẻ. Năm 2011, trong giai đoạn triển khai quy hoạch chi tiết, các đơn vị liên quan đã nghiên cứu bảy phương án vị trí ga C9 gắn với hướng tuyến đường hầm đi qua khu vực Hồ Gươm, trong đó ba phương án đi theo phía tây hồ (phía đường Lê Thái Tổ) và bốn phương án phía đông (đường Đinh Tiên Hoàng).

Phương án bố trí ga C9 như hiện nay có nhiều ưu điểm như không ảnh hưởng vùng bảo vệ I của di tích Hồ Gươm, Tháp Bút, có đủ không gian bố trí các công trình phụ trợ, không phải giải phóng mặt bằng, có tính khả thi cao nhất được đề xuất lựa chọn. Do vị trí ga C9 thuộc khu bảo vệ II của di tích văn hóa quốc gia đặc biệt nên vẫn phải chờ ý kiến chấp thuận của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Đại diện Bộ Xây dựng nhận định, đơn vị tư vấn dự án cần làm rõ tiêu chuẩn, quy chuẩn áp dụng để chứng minh mức độ rung lắc, tiếng ồn của ga nằm trong giới hạn cho phép. Các ý kiến trái chiều về vị trí nhà ga C9 là thể hiện sự trách nhiệm của các cơ quan, nhà khoa học với công trình của đất nước và Thủ đô.

Tuy vậy, TP Hà Nội vẫn khẳng định vị trí ga ngầm C9 không vi phạm Luật Di sản văn hóa, hoàn toàn nằm ngoài và không xâm phạm khu vực bảo vệ I là vùng có các yếu tố gốc cấu thành di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn; tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật về di sản văn hóa, bảo tồn văn hiến Thủ đô. Đồng thời, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, có văn bản đồng ý với quy hoạch tổng thể mặt bằng ga ngầm C9 và tuyến hầm liên quan tại khu vực hồ Hoàn Kiếm để dự án tiếp tục triển khai.

MINH TRANG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/42339802-tuyen-duong-sat-do-thi-so-2-ha-noi-lui-tien-do-hoan-thanh-vao-nam-2027.html