Tuyến đường thầy Hải

Trong mùa hoa bằng lăng, năm nào tôi cũng háo hức đi về chiêm ngưỡng cái màu tím rỡ ràng tươi tắn sáng một vùng phía bắc tỉnh Bình Thuận, từ xã Hồng Sơn, huyện Hàm Thuận Bắc chạy ra Bắc Bình đến Tuy Phong.

Có cây bằng lăng bên đường quốc lộ 1 hằng năm nở hoa làm say đắm lòng người, khách thập phương qua đây dừng lại ngắm nhìn, chụp ảnh và tự bình bầu đó là cây bằng lăng đẹp nhất nước. Tôi thường đi đến không gian đó, bởi cũng không biết tự bao giờ, tôi rất mê màu tím.

Cái màu tím ấy được người ta - nhất là anh em trong giới hội họa nhận định, lý giải rất hay, cho rằng màu tím là gam màu nằm ở cuối bảng màu bảy sắc cầu vồng, thể hiện sự sang trọng, quý phái và bí ẩn. Nó còn biểu tượng cho trí tuệ, quyền lực và tâm linh. Trong tình yêu, màu tím thể hiện sự chân thành, tôn trọng và độc đáo. Một trái tim màu tím biểu tượng cho một tình yêu sâu sắc, không giới hạn và đầy mộng mơ. Có lẽ cùng cảm về ý nghĩa ấy nên tôi càng yêu thích màu tím, nên thường vào mùa hoa bằng lăng nở, tôi và vài người bạn tìm về không gian màu tím bằng lăng để chiêm ngưỡng, thưởng thức. Một hôm, chúng tôi đi về một vùng nông thôn ở gần chân núi, chạy về phía Sông Bình, gặp những vườn trái cây mát mắt. Trời đã về chiều, anh bạn nói giờ không quay lại Lương Sơn, tìm đường chạy qua Sông Lũy rồi về. Lúc ấy gặp vợ chồng anh nông dân thu hoạch chanh ở trang trại đang bỏ vào bao để chuẩn bị chở đi. Chúng tôi làm quen, anh nói tụi em cũng về bên Sông Lũy đây. Anh nói mấy năm trước, vào mùa thu hoạch gặp trời mưa đi đường này vất vả lắm. Từ khi có con đường thầy Hải, giúp tụi em chở hàng đi về rất thuận lợi. Tôi với anh bạn thắc mắc, hỏi sao lại gọi là con đường thầy Hải? Anh nói thì đó là con đường do thầy Hải làm, nối từ thôn Thanh Bình vào xã Sông Lũy. Tôi hỏi thầy Hải ấy ở đâu? Anh nói thầy ấy dạy học ở trường Nguyễn Thị Minh Khai. Tôi “ồ” lên một tiếng, vì thầy ấy là người tôi rất quen.

Chúng tôi đặt mua mấy ký chanh, vì thấy chanh ở đây rất mọng nước, trò chuyện với vợ chồng anh nông dân, thì ra anh là người Tày và tự giới thiệu tên mình là Soong A Sy, gia đình ở Sông Lũy, nhưng canh tác lúa bắp, cam, chanh, chuối, bưởi… phải qua bên thôn Thanh Bình. Rồi anh nói về con đường thầy Hải, trước đây đoạn đường này nhiều ổ gà nham nhở, vào mùa mưa lớn nước ngập lầy lội, việc vận chuyển nông sản từ bên này về Sông Lũy khó lắm. Gặp những ngày như thế, nhiều khi phải đi vòng qua phía Lương Sơn, ra quốc lộ, đi đoạn đường dài đến 15 cây, rồi mới về Sông Lũy được. Trong khi khoảng cách từ đây về Sông Lũy chừng vài ba cây số. Từ khi nhờ có con đường thầy Hải xây đắp cao ráo đến nay không con lầy lội nữa, việc chở hàng nông sản của bọn em từ bên này về Sông Lũy rất nhanh, hết sức thuận tiện, người dân địa phương bọn em làm rẫy bên này ai cũng phấn khởi và vô cùng biết ơn.

Đến cuối mùa hoa bằng lăng này, tôi có chuyện riêng đi về Bắc Bình và ghé đến thăm thầy Hải. Hồi tôi chưa về hưu - còn làm công tác chuyên môn ở Sở, biết thầy Hải là người rất vững về chuyên môn, làm tổ trưởng tổ giáo viên cốt cán bộ môn địa lý của tỉnh. Một giáo viên giỏi về chuyên môn và cũng rất năng nổ trong việc tìm cách nâng cao đời sống kinh tế gia đình một cách chính đáng. Từ khi tôi nghỉ hưu, 7- 8 năm rồi chưa gặp lại, vừa rồi nhân việc anh nông dân người Tày nói chuyện về “con đường thầy Hải”, tự nhiên thấy hứng thú nên ghé thầy.

Lần này lại có duyên tiếp xúc với anh phó trưởng thôn. Anh nói thôn Thanh Bình, xã Sông Bình, nông dân sống thuần về nông nghiệp. Trước đây đường sá đi lại khó lắm, đặc biệt vào mùa mưa vận chuyển nông sản, giao thương hàng hóa rất vất vả. Từ khi thầy Hoàng Tuấn Hải tự bỏ kinh phí làm 3 tuyến đường giao thông nông thôn (hóa ra 3 tuyến chứ không phải 1) đó là: Tuyến 1 gần 1,2 km giáp Sông Lũy (đây là tuyến mà anh Soong A Sy kể trước đây); tuyến 2 nối đường liên thôn Thanh Bình, Quỳnh Phụ gồm 1 km đến chân núi để dân vào làm rẫy; tuyến 3 dài hơn 400 m đường vào nghĩa trang. Sau khi 3 tuyến đường hoàn thành, bà con đi lại, vận chuyển nông sản rất thuận tiện. Kinh phí ước khoảng 2 tỷ đồng. Bà con nhân dân rất phấn khởi và biết ơn thầy Hoàng Tuấn Hải. Về phía chính quyền địa phương thôn, xã luôn ủng hộ, tạo điều kiện để thầy Hải hoàn thành công trình giúp dân.

Thầy Hải nói thấy dân làm rẫy đi lại vất vả quá, nên em hiến đất rẫy của nhà và bỏ kinh phí làm 2 tuyến đường dân sinh rộng 10 mét, sửa chữa và làm mới 1 tuyến đường rộng 4 mét để dân vận chuyển nông sản. Còn tuyến dài 400 mét… thầy ngập ngừng… rồi nhìn tôi, mỗi lần thấy người thân đưa người quá cố phải qua một đoạn đường “ổ gà, ổ voi” gập ghềnh chao đảo, thấy tội quá! nên em với chị Thu (bạn em) hợp tác tu sửa lại đoạn đường để thân nhân tiễn đưa người quá cố ấm lòng đi qua quãng đường phẳng phiu êm ái không vồng xóc về cõi vĩnh hằng.

Trong suốt thời gian làm công tác giáo dục ở tỉnh nhà, cho đến bây giờ, đã 46 năm, lần đầu tiên tôi mới gặp một thầy giáo như vậy, cảm động lắm! Việc làm của thầy Hải gợi nhớ đến nét đẹp biểu tượng màu tím cho trí tuệ, quyền lực và tâm linh, nên viết bài này, tôi lấy nhan đề Tuyến đường thầy Hải, không bình luận gì thêm.

VÕ NGUYÊN

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/tuyen-duong-thay-hai-123375.html