Tuyên Quang: Chú trọng phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Triển khai có hiệu quả từ các nguồn vốn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc tiểu số và miền núi, Huyện Yên Sơn đang nỗ lực giúp người dân từng bước vượt khó vươn lên.

Huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) có 22 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 52% dân số toàn huyện, gồm đồng bào: Mông, Dao, Tày, Nùng,... Những năm qua, huyện đã chú trọng triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc tiểu số và miền núi (DTTS&MN) từng bước vượt khó, phát triển vươn lên. Nhờ vận dụng sáng tạo lồng ghép nhiều nguồn vốn từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS trong huyện đã có sự chuyển biến rõ rệt, đời sống vật chất, tinh thần của người dân đang dần được nâng lên, rút ngắn chênh lệch giữ các vùng trong tỉnh.

Con đường bê tông liên thôn tại xã Đạo Viện đang được hoàn thiện sáng 15/10, giúp giao thông đi lại thuận tiện, tạo điều kiện phát triển KT - XH cho người dân. Ảnh: Xuân Trường.

Con đường bê tông liên thôn tại xã Đạo Viện đang được hoàn thiện sáng 15/10, giúp giao thông đi lại thuận tiện, tạo điều kiện phát triển KT - XH cho người dân. Ảnh: Xuân Trường.

Trước đây, phần lớn đồng bào là người DTTS trong huyện Yên Sơn sống không tập trung; canh tác, chăn nuôi lạc hậu, manh mún. Vì vậy điều kiện kinh tế gặp nhiều khó khăn, nhiều hộ nghèo, cận nghèo chưa có điều kiện mua bồn nước đạt chuẩn đựng nước sinh hoạt; nguồn nước sinh hoạt thường ngày chính là từ các sông suối, được người dân dẫn về nhà bằng các ống dây nhựa, ống cây tre, cây nứa. Những vật dụng thường được sử dụng để chứa nước như: chum, vại, xô, chậu,…cứ như vậy năm này qua năm khác. Do tích trữ lâu ngày ngoài trời, dụng cụ chứa nước không được vệ sinh thường xuyên, nắp đậy không kín nên bụi bẩn, các loại sinh vật dễ dàng xuất hiện, tiềm ẩn nhiều bệnh nguy hiểm về tiêu hóa, hô hấp, mẩn ngứa da cho con người.

Gia đình anh Đinh Văn Thi (thôn 2 xã Đạo Viện) hàng chục năm nay vẫn phải sử dụng nguồn nước, thiết bị vệ sinh không đảm bảo vệ sinh ATTP. Nay phấn khởi được nhận bồn nước Inox đạt chuẩn từ Chương trình MTQG hỗ trợ. Ảnh: Xuân Trường.

Gia đình anh Đinh Văn Thi (thôn 2 xã Đạo Viện) hàng chục năm nay vẫn phải sử dụng nguồn nước, thiết bị vệ sinh không đảm bảo vệ sinh ATTP. Nay phấn khởi được nhận bồn nước Inox đạt chuẩn từ Chương trình MTQG hỗ trợ. Ảnh: Xuân Trường.

Nhờ chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước. Người dân mọi nơi, nhất là đồng bào vùng DTTS&MN được thụ hưởng nhiều chính sách hỗ trợ, trong đó nổi bật là chính sách hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán của Dự án 1, thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia (CTMTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng bào DTTS&MN. Nhiều hộ dân ở 24 xã thuộc huyện Yên Sơn đã được hỗ trợ 1.780 bồn nước Inox chất lượng cao, có thời gian bảo hành đến 20 năm. Chương trình mang ý nghĩa thiết thực đã góp phần cho nhiều hộ dân có hoàn cảnh khó khăn được sử dụng nước sạch, đảm bảo an sinh xã hội, sức khỏe và cuộc sống no đủ; 16 xã đã hoàn thành các tiêu chí được công nhận đạt chuẩn xã Nông thôn mới.

Sản phẩm OCOP thìa gỗ dùng một lần Công ty TNHH Hải Đăng. Ảnh: Xuân Trường.

Sản phẩm OCOP thìa gỗ dùng một lần Công ty TNHH Hải Đăng. Ảnh: Xuân Trường.

Ông Đinh Thanh Tuyền - Phó Chủ tịch xã Đạo Viện tới thăm Công ty TNHH Hải Đăng chuyên sản xuất các sản phẩm OCOP dùng một lần từ nguyên liệu gỗ để xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản. Tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hơn 20 lao động tại địa phương. Ảnh: Xuân Trường.

Ông Đinh Thanh Tuyền - Phó Chủ tịch xã Đạo Viện tới thăm Công ty TNHH Hải Đăng chuyên sản xuất các sản phẩm OCOP dùng một lần từ nguyên liệu gỗ để xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản. Tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hơn 20 lao động tại địa phương. Ảnh: Xuân Trường.

Theo thống kê của Phòng Dân tộc huyện Yên Sơn, từ năm 2022 Phòng đã phối hợp với UBND 24 xã trong huyện, cấp phát đến tay người dân thuộc đồng bào dân tộc tiểu số có hoàn cảnh khó khăn là 1.780 bồn inox, cụ thể: Năm 2022 (198 bồn), Năm 2023 (1.112 bồn) và Năm 2024 (470 bồn) . Với người dân đây là món quà vô cùng ý nghĩa, giúp cuộc sống sinh hoạt của gia đình thuận lợi và an toàn hơn; củng cố thêm niềm tin đối với Đảng và chính quyền.

Chia sẻ với Báo Đại Đoàn Kết, bà Trần Thị Bình Phước – Trưởng phòng Dân tộc huyện Yên Sơn cho biết: “Người dân cảm kích, phấn khởi khi được Nhà nước quan tâm cho thụ hưởng từ nhiều Chương trình MTQG như: xóa đói giảm nghèo; xây dựng nông thôn mới; xây dựng điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa;… Chương trình MTQG đang tiếp thêm động lực để người dân có ý thức, trách nhiệm trong mục tiêu giảm nghèo; từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần; cùng chung tay xây dựng nông thôn mới ngày càng khang trang hơn”.

Chị Lương Thị Mười (49 tuổi, thôn 1, xã Đạo Viện, Sơn Dương) xúc động cho biết: “Nhà thuộc hộ nghèo, 6 nhân khẩu; gia đình sử dụng nước máng lấy từ khe suối cho mọi sinh hoạt từ nhiều năm nay, nguồn nước thường xuyên không đảm bảo vệ sinh. Được nhà nước hỗ trợ bồn nước sạch, gia đình yên tâm có nước hợp vệ sinh để sử dụng. Ngoài ra còn được hỗ trợ vay vốn, cấp cây giống để phát triển kinh tế, nay gia đình đã vượt qua khó khăn thiếu thốn. Nếu không có nhà nước, chính quyền hỗ trợ, gia đình tôi chưa biết khi nào mới thoát cảnh nghèo khó”.

Chị Lương Thị Mười (thôn 1, xã Đạo Viện, Sơn Dương) chút được âu lo khi được hỗ trợ bồn nước Inox để cả gia đình được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh từ Chương trình MTQG. Ảnh: Xuân Trường.

Chị Lương Thị Mười (thôn 1, xã Đạo Viện, Sơn Dương) chút được âu lo khi được hỗ trợ bồn nước Inox để cả gia đình được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh từ Chương trình MTQG. Ảnh: Xuân Trường.

Ông Đinh Thanh Tuyền, Phó Chủ tịch UBND xã Đạo Viện, Yên Sơn cho biết: Toàn xã có 7 thôn với 2.967 nhân khẩu; gồm 12 dân tộc anh em cùng chung sống. Trong đó dân tộc thiểu số là: 1.871 người, chiếm 55,54% dân số toàn xã (trong đó, dân tộc Kinh: 1.086 khẩu; Tày: 388 khẩu; Dao: 534 khẩu; Mường: 08 khẩu; Hán: 03 khẩu; Mông: 820 khẩu; Nùng: 67 khẩu; Tống: 18 khẩu; La Chí: 01 khẩu; Thái: 23 khẩu; Xơ đăng: 02 khẩu; Xinh mua: 07 khẩu). Nhờ các Chương trình MTQG hỗ trợ cùng với nguồn vốn đầu tư của huyện, sự nỗ lực của người dân, diện mạo của xã đang từng bước đổi thay; cuộc sống vật chất, tinh thần của người dân cũng được cải thiện đáng kể.

Theo báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2024, Đạo Viện vẫn đang là xã còn gặp nhiều khó khăn; cơ sở hạ tầng thiếu thốn, xuống cấp, nhất là hạ tầng giao thông, đặc biệt là các thôn khu vực phía bắc của xã có nhiều người là đồng bào DTTS sinh sống. Phát triển kinh tế của xã chủ yếu là kinh tế nông, lâm nghiệp, chăn nuôi. Thương mại, dịch vụ chưa phát triển, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, thu nhập bình quân đầu người còn thấp, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Trình độ dân trí không đồng đều; công tác giảm nghèo chưa thực sự bền vững, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao, cá biệt một số hộ nghèo chưa tích cực chủ động vươn lên thoát nghèo.

Không dấu nổi tâm trạng khi nhận bồn nước sạch từ Chương trình MTQG, ông Đinh Văn Thi (40 tuổi, thôn 2 xã Đạo Viện) chia sẻ: “Nhờ chính quyền đã quan tâm đến những hộ nghèo, cung cấp những téc nước để cho dân được sử dụng nước sạch, đảm bảo vệ sinh ATTP. Người dân chúng tôi xin cảm ơn sự quan tâm của Nhà nước, Chương trình MTQG đã giúp người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn”.

Tuyến đường liên xã dài hơn 5 km nối liền giữa hai xã Đạo Viện - Công Đa đã xuống cấp, nhiều đoạn bong tróc, lồi lõm; gây khó khăn, nguy hiểm tai nạn giao thông cho người và phương tiện. Người dân đã lâu mong mỏi con đường sớm được cải tạo, nâng cấp để thuận lợi cho giao thông và phát triển KT - XH. Ảnh: Xuân Trường.

Tuyến đường liên xã dài hơn 5 km nối liền giữa hai xã Đạo Viện - Công Đa đã xuống cấp, nhiều đoạn bong tróc, lồi lõm; gây khó khăn, nguy hiểm tai nạn giao thông cho người và phương tiện. Người dân đã lâu mong mỏi con đường sớm được cải tạo, nâng cấp để thuận lợi cho giao thông và phát triển KT - XH. Ảnh: Xuân Trường.

Xã Công Đa, huyện Yên Sơn cũng là xã thuộc vùng khó khăn và cũng được thụ hưởng nhiều chính sách từ các Chương trình MTQG. Theo báo cáo của Phòng Dân tộc huyện Yên Sơn cho biết: toàn xã có 25 hộ được hỗ trợ làm nhà ở, mỗi hộ 50 triệu đồng; 242 bồn nước inox; 25 hộ nghèo và cận nghèo được tham gia Dự án chăn nuôi lợn đen bản địa với tổng kinh phí hỗ trợ là 500 triệu đồng,…

Chia sẻ với Báo Đại Đoàn Kết, một cán bộ xã Công Đa cho biết: Chương trình MTQG đã giúp đỡ nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống; cơ sở hạ tầng như: điện, đường, trường, trạm cũng từng bước được cải thiện, tuy nhiên nguồn vốn hỗ trợ chưa nhiều nên chưa thể giúp xã nhanh chóng hoàn thành các mục tiêu phát triển KT – XH trong thời gian ngắn.

Quá trình triển khai thực hiện các Chương trình MTQG trong những năm qua tại Yên Sơn không phải không gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên được sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của Huyện ủy, UBND huyện Yên Sơn; Phòng Dân tộc huyện Yên Sơn đã luôn bám sát các nội dung Chương trình MTQG, bám sát địa bàn từng thôn, từng xã để triển khai có hiệu quả toàn bộ các dự án, tiểu dự án như yêu cầu Chương trình đã đề ra. Hiệu quả từ Chương trình đạt được đã góp phần lớn để 16 xã hoàn thành các tiêu chí và được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó, có 03 xã đạt nông thôn mới nâng cao, 01 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu).

Năm 2024, huyện Yên Sơn tiếp tục phấn đấu xây dựng xã Lang Quán đạt chuẩn nông thôn mới, xã Nhữ Hán đạt nông thôn mới nâng cao; xã Phúc Ninh đạt nông thôn mới kiểu mẫu.

Cùng với đó là hàng trăm hộ dân được thụ hưởng chính sách đã thoát nghèo và đang dần ổn định cuộc sống no đủ. Chương trình MTQG đã mang lại sức sống mới cho người dân; tạo lòng tin, lòng biết ơn đối với chủ trương của Đảng, nhà nước và chính quyền. Sẵn sàng cùng đoàn kết chung tay xây dựng quê hương Yên Sơn ngày càng khang trang, giàu mạnh.

Xuân Trường

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/tuyen-quang-chu-trong-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-10292484.html