Tuyên Quang có thành nhà Mạc
Năm 1527, Mạc Đăng Dung ép vua Lê nhường ngôi, lập ra nhà Mạc, nắm quyền vùng Bắc Bộ gọi là Bắc triều. Năm 1533, Nguyễn Kim lập Lê Trang Tông lên ngôi, mở đầu triều Lê Trung Hưng, kiểm soát từ Thanh Hóa trở vào gọi là Nam triều. Cả hai tập đoàn phong kiến đều xây dựng lực lượng quân sự nhằm triệt hạ nhau, gây ra cho người dân bao cảnh chết chóc, tang thương.
Ngay sau khi lên ngôi, Mạc Đăng Dung đã cho xây dựng Dương kinh ở Hải Dương, cải tổ quân đội, tăng quân số có lúc lên tới 12 vạn người. Năm 1592, rút lên Cao Bằng, nhà Mạc cho dựng tuyến phòng ngự từ xa bằng việc xây đắp nhiều thành lũy ở Quảng Yên, Bắc Giang, Vĩnh Yên, Thái Nguyên, Lạng Sơn.
Thành nhà Mạc có đặc điểm là tận dụng tối đa địa hình tự nhiên, dựa vào núi làm tường thành, lấy sông, ngòi làm hào; phần lớn là thành đất và đơn thuần mang tính chất một công trình quân sự (ngoại trừ những thành ở căn cứ Cao Bằng được xây dựng kiên cố). Ở những nơi có di tích thành nhà Mạc, người dân thường kể câu chuyện giống nhau là thành được đắp trong một đêm. Truyền kể dân gian có cái lõi hợp lý, đó là quân Mạc rất đông, đi tới đâu bắt lính và phu dịch ở đó. Vả lại việc xây đắp thành gấp để đối phó với những đợt tấn công của quân Lê - Trịnh. Quân Mạc tuy đông nhưng không tinh nhuệ, lại không được dân ủng hộ nên phải lấy thành lũy làm vật che chở.
Những đặc điểm kể trên, đều giống với tòa thành hiện hữu tại thành phố Tuyên Quang: Thành đất, lấy Thổ sơn làm tường thành phía Bắc, lấy sông Lô làm hào phía Đông, cũng tương truyền đắp trong một đêm... Tuyên Quang giáp ranh với Cao Bằng, một tuyến mà quân Lê - Trịnh có thể tấn công nên nhà Mạc phải cho đắp thành ở Tuyên Quang (nhấn mạnh là đắp chứ không phải xây).
Không phải vô cớ mà từ xa xưa cho đến ngày nay người dân Tuyên Quang chỉ biết và nói đến thành nhà Mạc.
Tại sao nhà Mạc và nhà Bầu, hai thế lực đối địch lại xây thành cách nhau chỉ hơn 10 km?
Nhà Bầu xây thành ở xã An Khang thời mới khởi nghiệp. Năm 1533, chúa Bầu Vũ Công Mật quy phục vua Lê, chống Mạc. Từ sau đó bản doanh của họ Vũ ở Đại Đồng châu Thu Vật (huyện Yên Bình ngày nay. Vị trí này hiện nằm trong lòng hồ Thác Bà).
Việc xây thành Tuyên Quang sử sách triều Nguyễn ghi chép khá đầy đủ. Lưu ý đến lời tâu của Nguyễn Đăng Giai vào năm 1844: “Tỉnh Tuyên Quang, thành đất cao đến 3, 4 thước, trên cắm chông tre, nhà cửa nơi sảnh thự rất là tiêu điều; đường sá phố phường trông không thể coi được”.
Cũng năm này, vua Thiệu Trị giao Tổng đốc Nguyễn Đăng Giai và Lãnh binh Nguyễn Trọng Thao đôn đốc xây dựng Thành tỉnh Tuyên Quang. Từ đây mới có tên thành Tuyên Quang và chủ yếu dùng trong giấy tờ.
Căn cứ vào thực thể tòa thành và tư liệu dân gian, khẳng định Tuyên Quang có thành nhà Mạc, còn theo sử nhà Nguyễn gọi đó là thành Tuyên Quang cũng không sai.