Tuyên Quang: Khắc phục tình trạng hư hỏng, xuống cấp của tuyến đường từ xã Hồng Quang đi xã Bình An

Thời gian gần đây, tuyến đường giao thông liên xã từ xã Hồng Quang đến xã Bình An, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang có nhiều đoạn bị hư hỏng nặng, gây khó khăn trong việc đi lại của người dân. Để bảo đảm giao thông, các đơn vị chức năng của huyện Lâm Bình đang nỗ lực tập trung khắc phục, sửa chữa, tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho người dân.

Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện Lâm Bình huy động máy xúc san gạt các điểm xói lở trên tuyến đường.

Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện Lâm Bình huy động máy xúc san gạt các điểm xói lở trên tuyến đường.

Lâm Bình là huyện miền núi khó khăn nhất của tỉnh Tuyên Quang, huyện được thành lập từ tháng 2/2011. Đây cũng là huyện nghèo nhất của tỉnh, do vậy, hạ tầng giao thông vô cùng khó khăn, thiếu thốn.

Người dân muốn đi từ xã Hồng Quang đến trung tâm huyện phải di chuyển với quãng đường khoảng 38km, có nhiều đoạn đã xuống cấp.

Xuất phát từ nhu cầu của người dân và nhằm tăng cường kết nối, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của hai xã Bình An và Hồng Quang. Năm 2013, Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã phê duyệt chủ trương đầu tư mở mới tuyến đường giao thông từ xã Hồng Quang đến xã Bình An, huyện Lâm Bình.

Nhiều đoạn trên tuyến có độ dốc dọc lớn, gây khó khăn trong việc thi công.

Nhiều đoạn trên tuyến có độ dốc dọc lớn, gây khó khăn trong việc thi công.

Công trình này có tổng chiều dài 10,945km; nền đường rộng 6,5m. Chỉ các đoạn tuyến có độ dốc dọc lớn hơn 10% (4,5km) mới đổ bê-tông mặt đường, các đoạn còn lại là mặt đường đất.

Dự án được đầu tư phân kỳ xây dựng qua hai giai đoạn: Giai đoạn 1 từ năm 2013 đến năm 2015; giai đoạn 2 từ năm 2016 đến năm 2019 và được bàn giao đưa vào sử dụng vào tháng 4/2021, hết bảo hành công trình vào tháng 4/2022. Sau khi hoàn thành, đã rút ngắn khoảng cách từ xã Hồng Quang đến trung tâm huyện Lâm Bình từ 38km xuống còn 22km.

Qua phản ánh của người dân, hiện nay, trên tuyến đường này, một số đoạn đã bị xói lở mặt đường, gây khó khăn cho việc đi lại. Theo ghi nhận của phóng viên Báo Nhân Dân khi đi thực tế tại tuyến đường, thì phản ánh của người dân là đúng thực tế.

Lu nèn nền đất sẵn sàng rải bây khắc phục hư hỏng nền đường trên tuyến.

Lu nèn nền đất sẵn sàng rải bây khắc phục hư hỏng nền đường trên tuyến.

Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Thành Trung, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng khu vực huyện Lâm Bình cho biết, việc đầu tư xây dựng tuyến đường từ xã Hồng Quang đi xã Bình An gặp rất nhiều khó khăn, do đây là tuyến đường gần như mở mới hoàn toàn, với nhiều đèo, dốc, nhiều đoạn có độ dốc dọc lớn, khối lượng đào đắp khoảng 15,4 triệu m3 đất, đá.

Trong giai đoạn 2013-2015 chỉ thi công hoàn nền đường, hệ thống thoát nước, hệ thống an toàn giao thông đảm bảo thông tuyến. Riêng hạng mục mặt đường, đối với những đoạn tuyến có độ dốc dọc từ 10% trở lên thiết kế xây dựng mặt đường bê-tông xi-măng có bề rộng 5,5m bảo đảm yêu cầu kinh tế kỹ thuật.

Thiết kế châm trước độ dốc mái ta-luy nền đào từ 1/1 sang 1/0,75 ở những đoạn tuyến có độ dốc ngang lớn do địa hình khó khăn. Trên tuyến nhiều đoạn chỉ nổ mìn phá đá tạo mặt đường, san gạt, tạo phẳng và không được đầu tư xây rãnh thoát dọc mà chủ yếu sử dụng rãnh đất.

Nhiều đoạn trên tuyến đường xã Hồng Quang đi xã Bình An, huyện Lâm Bình đã được tạo phẳng.

Nhiều đoạn trên tuyến đường xã Hồng Quang đi xã Bình An, huyện Lâm Bình đã được tạo phẳng.

Giai đoạn 2 (từ năm 2016) trên cơ sở cân đối nguồn vốn, thực hiện đầu tư xây dựng hoàn thiện công trình theo quy mô dự án đã được phê duyệt (văn bản số 2078/UBND-GT ngày 7/9/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang).

Do điều kiện thời tiết bất lợi, địa hình núi cao, hiểm trở, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc. Vốn dự án cấp chia thành nhiều giai đoạn, dẫn đến tiến độ thi công kéo dài so với kế hoạch.

Bên cạnh đó, thời gian qua, khu vực huyện Lâm Bình mưa nhiều, lượng mưa lớn nên nước mưa chảy từ đồi cao theo các khe xuống rãnh thoát nước dọc, gây tắc rãnh và tràn lên mặt đường gây xói lở mặt đường, sạt ta-luy tại một số điểm đất yếu.

Qua kiểm tra, toàn tuyến có nhiều điểm bị sạt lở, mặt đường bị xói mòn, chủ yếu ở những vị trí có mặt đường nền đất, gây khó khăn đi lại cho người dân.

Tập kết sẵn vật liệu bây để khắc phục hư hỏng trên tuyến đường.

Tập kết sẵn vật liệu bây để khắc phục hư hỏng trên tuyến đường.

Cũng theo ông Nguyễn Thành Trung, để khắc phục tình trạng sạt lở, bảo đảm an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông, Ban Quản lý đã tiến hành san gạt, lu lèn, rải bây nền đường khắc phục tạm thời, để nhân dân đi lại thuận tiện.

Mặc dù đã được duy tu, bảo dưỡng, nhưng do kinh phí hạn hẹp chỉ có 18,5 triệu đồng/km/năm nên cũng chỉ đáp ứng được yêu cầu về phát dọn và sửa chữa nhỏ. Về lâu dài, vẫn cần bổ sung kinh phí để hoàn thiện mặt đường, hệ thống rãnh dọc.

Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện Lâm Bình phấn đấu đến hết tháng 10/2024 sẽ hoàn thành khắc phục hư hỏng tuyến đường, để người dân và các loại phương tiện có thể lưu thông bình thường.

HẢI CHUNG - ĐỨC THẮNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tuyen-quang-khac-phuc-tinh-trang-hu-hong-xuong-cap-cua-tuyen-duong-tu-xa-hong-quang-di-xa-binh-an-post837203.html