Tuyên Quang khai trương 'Mô hình thương mại hai chiều'

'Mô hình thương mại hai chiều' vừa là điểm bán hàng thiết yếu, vừa là điểm thu mua, tiêu thụ các sản vật đặc trưng của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Sở Công Thương tỉnh Tuyên Quang vừa khai trương cửa hàng “Mô hình thương mại hai chiều” thu mua, tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại Cửa hàng Thắng Loan, thôn Đoàn Kết, xã Lực Hành, huyện Yên Sơn.

 Cửa hàng “Mô hình thương mại hai chiều” Thắng Loan tại thôn Đoàn Kết, xã Lực Hành, huyện Yên Sơn. Ảnh: Cổng TTĐT huyện Yên Sơn

Cửa hàng “Mô hình thương mại hai chiều” Thắng Loan tại thôn Đoàn Kết, xã Lực Hành, huyện Yên Sơn. Ảnh: Cổng TTĐT huyện Yên Sơn

Được biết, tỉnh Tuyên Quang là một trong 7 tỉnh được Bộ Công Thương hỗ trợ xây dựng “Mô hình thương mại hai chiều”.

Theo đó, “Mô hình thương mại hai chiều” vừa là điểm bán hàng thiết yếu, vừa là điểm thu mua, tiêu thụ các sản vật đặc trưng của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Mô hình này mở ra hướng đi mới cho việc thu mua và tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Qua đó nhằm giúp các doanh nghiệp, Hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh nâng cao kiến thức, kỹ năng phân phối hàng hóa, xây dựng thương hiệu, kết nối cung cầu.

 Các đại biểu cắt băng khai trương “Mô hình thương mại hai chiều”. Ảnh: Cổng TTĐT huyện Yên Sơn

Các đại biểu cắt băng khai trương “Mô hình thương mại hai chiều”. Ảnh: Cổng TTĐT huyện Yên Sơn

Đồng thời “Mô hình thương mại hai chiều” mở rộng mạng lưới phân phối các mặt hàng thiết yếu, chất lượng cao, đặc sản đến người dân tộc thiểu số và miền núi, , góp phần đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội.

“Mô hình thương mại hai chiều” được Sở Công Thương Tuyên Quang triển khai theo quyết định 216/QĐ-BCT ngày 10/2/2023 của Bộ Công Thương thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2023.

 Một số sản phẩm của xã Lực Hành bày bán ở cửa hàng. Ảnh: Báo Tuyên Quang

Một số sản phẩm của xã Lực Hành bày bán ở cửa hàng. Ảnh: Báo Tuyên Quang

Đây là minh chứng cho cam kết và nỗ lực của chính quyền và cộng đồng trong việc hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời cũng là bước đệm quan trọng, mở ra cơ hội phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần gia tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của địa phương.

Thế Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tuyen-quang-khai-truong-mo-hinh-thuong-mai-hai-chieu-post275940.html