Tuyên Quang Phú Thọ: Đời sống nông thôn đổi thay khi có điện lưới quốc gia
Sau nhiều năm chờ đợi, đến nay, toàn thể bà con nhân dân trong thôn Vàng On, xã Trung Minh, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang Phú Thọ đều vui mừng, phấn khởi và mong sao chóng đến ngày 31/12/2024 để được chứng kiến sự kiện ngành Điện hoàn thành dự án cấp điện lưới quốc gia.
“Có điện lưới quốc gia, tôi sẽ có thêm ánh sáng để sử dụng vào ban đêm, chúng tôi sẽ mua thêm máy say xát, bơm nước để phục vụ cuộc sống hàng ngày” - anh Giàng Seo Sình – Thôn Vàng On, xã Trung Minh, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang nói trong niềm phấn khởi!
Thôn Vàng On xã Trung Minh, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang hiện có 105 hộ dân và 500 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc Mông chiếm đa số. Hiện nay, vẫn còn hơn 80 số hộ trong thôn vẫn chưa có điện sử dụng. Theo chia sẻ của ông Lê Quang Toàn – Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang, việc đảm bảo cung cấp điện cho đồng bào khu vực vùng sâu, vùng xa của huyện Yên Sơn là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, giúp người dân đẩy mạnh phát triển KT-XH và hướng tới thoát nghèo bền vững.
Từ khi có điện lưới quốc gia, người dân đã có thêm điều kiện tiếp cận thêm nguồn thông tin để phát triển kinh tế. Thời gian qua, các cấp các ngành của tỉnh, cùng với UBND huyện Yên Sơn đã nỗ lực đưa điện lưới quốc gia tới các thôn bản vùng sâu, vùng xa chưa có điện lưới quốc gia như thôn Vàng On. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện đã giảm đi đáng kể. Cụ thể, đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Yên Sơn là 15,04% với trên 6.200 hộ thì đến cuối năm 2024 này đã giảm xuống còn 10,08% với khoảng 4.000 hộ nghèo.
Công tác đầu tư hạ tầng lưới điện trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang thời gian qua được triển khai bởi 2 đơn vị chính là Tổng công ty Điện lực miền Bắc thông qua PC Tuyên Quang cùng một số Ban Quản lý dự án trực thuộc EVNNPC; Kênh thứ 2 là thông qua nguồn vốn ngân sách của TW và của Tỉnh được triển khai thực hiện thông qua Sở Công Thương. Đối với những dự án cấp điện cho những thôn bản chưa có điện trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang được Sở Công Thương triển khai thực hiện; Còn đối với các dự án nâng cao độ tin cậy cung cấp điện sẽ do PC Tuyên Quang đảm nhiệm.
Ông Hà Huy Tâm – Giám đốc Công ty Điện lực Tuyên Quang cho biết: “Để đảm bảo đủ điện phục vụ tăng trưởng KT-XH, cũng như sinh hoạt của người dân trong năm 2025 và những năm tiếp theo, ngay từ giữa năm 2024, Điện lực Tuyên Quang đã chủ động triển khai các danh mục đầu tư xây dựng. Với quyết tâm đưa các công trình điện hoàn thành sớm nhất để phục vụ khách hàng, Điện lực Tuyên Quang đang nỗ lực phấn đấu hoàn thành các dự án đầu tư xây dựng trong tháng 12/2024 này và sẽ đóng điện trong tháng 1/2025. Qua đó không chỉ góp phần nâng cao độ tin cậy cung cấp điện mà còn giúp bà con có điện để làm ăn kinh tế, thoát nghèo, đưa cuộc sống đi lên”.
Tại Phú Thọ, công tác đầu tư hạ tầng lưới điện cho các khu vực nông thôn, đồng bào vùng sâu vùng xa trên địa bàn tỉnh được thực hiện bao gồm 2 dự án do Sở Công thương tỉnh Phú Thọ làm đại diện chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 146,052 tỷ đồng. Tính đến hết năm 2021, các dự án trên đã thực hiện cấp điện cho 99 thôn, bản thuộc 26 xã trên địa bàn các huyện Thanh Thủy, Thanh Sơn, Tân Sơn và Yên Lập với khối lượng đầu tư: xây dựng mới: 88,574km đường dây trung áp; 177,36 km đường dây hạ áp; 48 trạm biến áp. Tổng số hộ dân được cấp điện: 5458 hộ.
Ông Phạm Văn Chúc - Phó Giám đốc Điện lực Phú Thọ cho biết: “Tính đến hết tháng 11/2024, toàn bộ 196 xã trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã được cấp điện lưới quốc gia. Số hộ dân nông thôn được cấp điện là 385.152/385.152 hộ (đạt 100%). Theo thống kê, tăng trưởng điện năng của khu vực nông thôn, miền núi tỉnh Phú Thọ những năm gần đây thường ở mức 8-10%. Đây là mức tăng trưởng tương đối cao đối với khu vực nông thôn, miền núi”.
Không chỉ Tuyên Quang hay Phú Thọ, việc cấp điện cho các thôn bản chưa có điện trên địa bàn các tỉnh nông thôn vùng sâu vùng xa quả thực sự là một thách thức rất lớn với với ngành Điện. Do địa bàn sinh sống của nhiều hộ dân tại các thôn bản thưa thớt, cách xa nhau nên dẫn tới xuất đầu tư rất lớn. Thậm chí, có những khoảng cách từ vị trí lưới điện hiện tại đến hộ dân cuối cùng trong bản là từ 05 – 10km. Tuy nhiên, ngành Đện đều xác định, ngoài nhiệm vụ kinh doanh bán điện có lãi thì các Điện lực còn có nhiệm vụ đảm bảo an ninh chính trị xã hội trên địa bàn đơn vị quản lý.
Bằng sự nỗ lực cao nhất và tinh thần trách nhiệm trong công việc, trong những năm qua, Công ty Điện lực Tuyên Quang và Công ty Điện lực Phú Thọ luôn đảm bảo cung cấp điện đến từng hộ dân, đưa điện lưới quốc gia về với từng thôn bản dù xa nhất. Ngành Điện với vai trò luôn “đi trước một bước”, đã góp phần quan trọng công cuộc điện khí hóa, xóa đói giảm nghèo, tạo đà phát triển bền vững cho khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo của đất nước ta.