Tuyên Quang trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954) (tiếp theo)

Theo kế hoạch phục kích đánh địch trên Quốc lộ 2, các chiến sĩ tự vệ Tuyên Quang đã vận chuyển 4 quả bom loại 100 kg tới làm địa lôi ở đoạn Km 7, xã Trung Môn và tập trận địa chiến đấu.

Sáng 22-10-1947, 500 quân Pháp từ thị xã Tuyên Quang theo đường Quốc lộ 2 hành quân lên Chiêm Hóa. Chớp thời cơ, đội tự vệ Tuyên Quang đã phục kích địch. Với tiếng nổ long trời, trùm đúng vào đội hình quân địch, ta tiêu diệt ngay 72 tên địch, làm bị thương nhiều tên khác, làm chết hơn hai chục lừa ngựa, thu 1 đại liên, 1 súng cối và nhiều quân trang, quân dụng khác. Trên đường tháo chạy về thị xã, quân địch lại bị bộ đội thuộc Tiểu đoàn 508 phục kích ở Km 5 tiêu diệt gần 30 tên. Chiến thắng ở Km 7 đã gây cho địch nỗi kinh hoàng. Quân địch hết sức kinh sợ, chúng gọi trận phục kích này bằng cái tên: “Tiếng nổ của hỏa ngục”. Thiếu tá quân đội Pháp Lơ Giốt thừa nhận: “Tiểu đoàn chúng ta vừa trải qua hai trận thử thách nặng nề. Những trận phục kích của đối phương được bố trí rất khéo, đánh trúng đại đội 2 của chúng ta mới ngày 2210 tại Mác Khan (cây số 7)... Thật là một lỗ hổng đau đớn cho hàng ngũ ta. Đại đội 2 do đại úy Săngtuýt chỉ huy đã rước lấy cái chết với bao cái xác trong con suối cạn nổi tiếng là hỏa ngục” (1). Cánh quân đường thủy của Kêgavát và Pôtét cũng rơi vào cảnh khốn cùng, luôn phải gọi điện cấp báo cho Commuynan. Đoàn tàu bị mắc cạn, thiếu lương ăn. Một bộ phận quân Pháp phải đi trên đường bộ để hộ tống đoàn tàu và sục sạo vào các làng để cướp lương thực, thực phẩm. Tuy nhiên, chúng đã bị lọt vào trận địa phục kích của quân ta. 22 tên Pháp, trong đó có 1 đại úy bị giết, 12 tên bị thương. Tiểu đoàn 2 của Pôtét và tiểu đoàn 3 của Kêgavát lâm vào cảnh khốn cùng.

Di tích Quốc gia Chiến thắng Km số 7.

Di tích Quốc gia Chiến thắng Km số 7.

Tuy nhiên, đến ngày 19-10-1947, cánh quân đường thủy cũng tiến được vào huyện lỵ Chiêm Hóa. Tại Chiêm Hóa, địch cũng liên tiếp bị quân ta tập kích, phục kích. Địch tập kích vào Trường Lục quân, nhưng mới tiến cách Đầm Hồng 4 km, chúng bị ta phục kích tiêu diệt 14 tên. Tuy chiếm được Đầm Hồng song chúng lại bị ta đánh cầm chân 7 ngày không thể tiến lên Đài Thị được. Không đón được cánh quân của Bôphơrê từ Bắc Kạn xuống, ngày 1-11-1947, quân Pháp buộc phải tìm cách rút về thị trấn Chiêm Hóa.

Đoán được ý đồ của địch, ta phục kích tại Vật Nhèo. Khi cánh quân bộ của địch tới nơi, ta chặn đánh quyết liệt, chúng buộc phải bỏ đường cái, men theo bờ sông Gâm để về thị trấn Chiêm Hóa. Cánh quân thủy của địch cũng bị chặn đánh quyết liệt, cả 2 ca nô đều bị bắn cháy. Kết quả, trong trận này ta tiêu diệt gần 200 tên, phá hủy 2 ca nô, thu 2 đại liên, 2 khẩu 30 ly và hàng trăm súng các loại khác.

Quân địch ở Chiêm Hóa lâm vào tình thế bị mắc kẹt: Tổ chức chiếm đóng thì bị cô lập, không có lương thực tiếp tế, còn tiếp tục hành quân thì bị đánh ở mọi nơi, mọi lúc, tinh thần binh lính hoang mang, mệt mỏi. Đã bị chậm bảy ngày so với dự kiến mà cánh quân hướng đông vẫn chưa gặp được cánh quân hướng tây, cả hai gọng kìm của cuộc hành quân Lêa không khép lại được. Bị khốn quẫn giữa rừng núi Việt Bắc, cánh quân Commuynan hầu như mất sức chiến đấu, tính kế rút lui.

Những chiến công đã đạt được trong đợt chiến đấu nói trên đã làm cho quân và dân Tuyên Quang thêm tin ở sức mình, tin ở vũ khí, tin ở thắng lợi, càng hăng hái thi đua giết giặc lập công. Rút kinh nghiệm qua thực tiễn, Đảng bộ tỉnh đã thấy rõ chỗ mạnh, chỗ yếu của địch và những mặt ưu điểm, khuyết điểm của ta. Đặc biệt có những trận ta để mất thời cơ tiêu diệt địch đã được nêu ra... Tỉnh ủy Tuyên Quang đã chỉ đạo các huyện tăng cường cán bộ xuống cơ sở để động viên và chỉ thị cho các lực lượng vũ trang mau chóng triển khai trận địa, phối hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực, kiên quyết tiêu diệt địch trên đường chúng rút chạy.

Ngày 1-11-1947, toán quân địch từ Đầm Hồng gồm 2 ca nô, có lực lượng hộ tống trên bờ theo sông Gâm rút về Chiêm Hóa. Nắm được ý đồ của địch, bộ đội chủ lực và du kích tự vệ địa phương đã tổ chức trận địa mai phục tại Vật Nhèo (cách Đầm Hồng 4km). Hai ca nô và gần 200 tên địch bị tiêu diệt. Ta thu 2 khẩu 12,7 ly và hàng trăm súng các loại. Bọn sống sót hoảng sợ chạy thục mạng vào rừng tìm đường về Chiêm Hóa.

Sông Gâm đoạn qua thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa). Ảnh: Hoàng Thảo

Sông Gâm đoạn qua thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa). Ảnh: Hoàng Thảo

Từ ngày 3-11-1947, quân Pháp bắt đầu rút khỏi Chiêm Hóa bằng cả đường thủy lẫn đường bộ. Ta chủ trương truy kích tiêu diệt địch. Bộ đội Trung đoàn 112 cắt rừng vượt về Yên Nguyên phối hợp cùng dân quân, du kích địa phương lập một trận địa phục kích từ chân đèo Gà tới tận cầu Cả. Pháo binh được điều gấp từ Yên Bình về bố trí phục kích tàu chiến địch ở Khe Lau (điểm hợp lưu giữa sông Lô và sông Gâm).

16 giờ ngày 4-11-1947, quân Pháp lọt vào trận địa phục kích của ta tại cầu Cả, gần 100 tên bị ta tiêu diệt tại chỗ, một số kéo ra đóng tại chợ Bợ, một số khác chạy tắt qua Bắc Nhụng xuống ca nô về Tuyên Quang. Đêm 7-11-1947, quân ta dùng súng cối và trung liên tập kích địch tại chợ Bợ.

Sáng 8-11-1947, toán quân này rút về tới Km 24 (đường Tuyên Quang - Hà Giang) thì bị ta phục kích phải bỏ đường quốc lộ cắt rừng mà đi và mãi tới ngày 15-11-1947 mới về tới Lang Quán (Yên Sơn). Tại đây, chúng lại bị đánh, bị tiêu hao nặng, phải rút chạy dọc theo đường sông Lô và ngày 19-11-1947 mới về tới thị xã Tuyên Quang. Trong khi đó cánh quân rút theo đường thủy cũng hết sức lao đao. 14 giờ ngày 10-11-1947, đoàn tàu của địch gồm 2 chiếc LCT, 1 ca nô chở 200 lính Âu - Phi từ Chiêm Hóa chạy về tới Hòn Lau. Pháo binh của ta dồn dập nhả đạn. Cả 2 chiếc LCT của địch đều bị trúng đạn, bốc cháy. Chiếc ca nô địch tháo chạy nhưng cũng bị trúng đạn. Bọn lính chạy lên bờ liền bị dân quân, du kích nổ súng tiêu diệt. Phần lớn quân Pháp bị thiệt mạng. Bị mất liên lạc với đoàn tàu, Commuynan ra lệnh cho đội Commăngđô đi ứng cứu. Tàn binh địch dần dần tập trung thành 2 tốp, một tốp liều mạng len lỏi qua rừng lau sậy, men theo sông Lô về thị xã Tuyên Quang; tốp khác, 4 ngày sau mới sang hữu ngạn sông Lô, gặp đội quân cứu viện.

Trong trận Hòn Lau, ta đã bắn chìm 2 tàu và 1 ca nô, tiêu diệt gần 200 tên địch. Bản Trường ca sông Lô (2) và nhiều bài hát khác ca ngợi chiến công của quân dân sông Lô anh hùng cùng các chiến sĩ pháo binh “chân đồng vai sắt” ra đời từ đó. Cánh quân của Commuynan cả thủy lẫn bộ bị thất bại nặng nề trên mặt trận sông Lô. Kế hoạch Lêa phá sản. Bộ chỉ huy Pháp buộc phải quyết định lui quân. Nhận thấy địch có hiện tượng rút, Bộ Tổng chỉ huy chỉ thị cho các mặt trận bố trí lại lực lượng, bám sát hoạt động của địch, chớp thời cơ tiêu diệt địch, đồng thời phát huy phong trào toàn dân đánh giặc.

Ngày 21-11-1947, quân Pháp bắt đầu rút khỏi thị xã Tuyên Quang; đồng thời tăng cường quân từ Vĩnh Phúc lên để hợp sức với binh đoàn Commuynan từ Tuyên Quang xuống và cánh quân từ Thái Nguyên sang càn quét vùng Sơn Dương, lùng sục cơ quan lãnh đạo và kho tàng của ta. Các trận đánh thắng giòn giã của quân và dân Tuyên Quang liên tiếp nổ ra ở bến Hiên, Bình Ca, đèo Khế, Thiện Kế... Chiến tranh du kích của ta làm cho địch hết sức lúng túng, bị động.

Ngày 23-11-1947, quân Pháp bị chặn đánh ở Bình Ca khi chúng tiến vào Sơn Dương. Ngày 26-11-1947, ta bắn cháy 2 ca nô ở bến Cốc, gài địa lôi diệt 50 tên. Ta phục kích địch ở Bắc Lũng, đèo Khế (Sơn Dương). Cánh quân Pháp từ Vĩnh Phúc kéo lên cũng bị ta pháo kích, chặn đánh và bị thiệt hại nặng nề. Những cố gắng cuối cùng của quân Pháp trong việc lập gọng kìm càn quét vùng Sơn Dương và các địa phương giáp ranh thuộc Phú Thọ, Thái Nguyên bị phá sản hoàn toàn. Quân Pháp buộc phải vội rút khỏi mặt trận sông Lô. Từ ngày 4 đến ngày 15-12-1947, địch chia làm hai đường rút khỏi Sơn Dương: một qua đèo Khế sang Thái Nguyên, một qua Thiện Kế về Việt Trì, Vĩnh Yên.

Giữa tháng 12-1947, Tuyên Quang sạch bóng quân xâm lược. Cuối tháng 12-1947, chiến dịch tiến công Việt Bắc của Pháp hoàn toàn thất bại. Trong toàn chiến dịch, quân dân Việt Bắc đã tiêu diệt 3.300 tên địch, làm bị thương 1.300 tên, bắt sống 270 tên và phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh, thu nhiều vũ khí của địch. Ngày 23-12-1947, một cuộc duyệt binh lớn mừng chiến thắng Việt Bắc đã được tổ chức tại thị xã Tuyên Quang. Trong Chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông năm 1947, quân và dân Tuyên Quang đã đánh 48 trận (trong đó có 30 trận độc lập tác chiến, 18 trận phối hợp với bộ đội chủ lực), góp phần tiêu diệt 1.300 tên địch, bắn cháy và bắn hỏng 10 ca nô, tàu chiến, phá hủy 1 máy bay. Ngay sau ngày chiến thắng Việt Bắc, tại Khuổi Tấu (xã Hùng Lợi, huyện Yên Sơn), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài Việt Bắc anh dũng tuyên dương thành tích chiến đấu của quân, dân Việt Bắc, trong đó có quân và dân Tuyên Quang.

--------------------------------------------------------

1. L’Offensive contre le Việt Bắc, Trần Công Trường dịch, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1948, tr.37-38.

2. Một ca khúc của nhạc sĩ Văn Cao.

Theo Địa chí Tuyên Quang

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/tuyen-quang-trong-khang-chien-chong-thuc-dan-phap-xam-luoc-1945-1954-tiep-theo-198876.html