Tuyển sinh 2025: Nhiều tổ hợp mới lạ trình làng, cộng đồng choáng váng
Mùa tuyển sinh năm 2025, nhiều trường đại học có nhiều tổ hợp xét tuyển mới bên cạnh tổ hợp truyền thống. Tuy nhiên, có trường đưa tổ hợp mới không có môn học cốt lõi khiến cộng đồng dậy sóng.
Theo quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025, thí sinh thi 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 2 môn lựa chọn trong 9 môn gồm: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và Pháp luật, Tin học, Công nghệ.
Trong đó, các môn Giáo dục kinh tế và Pháp luật, Tin học, Công nghệ lần đầu xuất hiện ở kỳ thi tốt nghiệp, tạo nên sự thay đổi ở các tổ hợp xét tuyển đại học. Do đó, nhiều trường điều chỉnh tổ hợp xét tuyển.
Nhiều tổ hợp mới lạ...
Học viện Nông nghiệp Việt Nam bổ sung nhiều tổ hợp có môn Giáo dục kinh tế và Pháp luật, Tin học, Công nghệ như: Toán, Vật lý, Công nghệ; Toán, Ngữ văn, Giáo dục kinh tế và Pháp luật; Ngữ văn, Lịch sử, Giáo dục kinh tế và pháp luật; Ngữ văn, Địa lý, Giáo dục kinh tế và Pháp luật; Toán, Ngữ văn, Công nghệ...
Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng có nhiều tổ hợp mới gồm: Ngữ văn, tiếng Anh, Giáo dục kinh tế và Pháp luật; Ngữ văn, tiếng Anh, Tin học; Ngữ văn, Toán, Tin học; Ngữ văn, Toán, Giáo dục kinh tế và Pháp luật; Ngữ văn, Lịch sử, Tin học; Ngữ văn, Lịch sử, Giáo dục kinh tế và Pháp luật.
Trường đại học Thương Mại cho biết, năm 2025, nhà trường bổ sung thêm các tổ hợp xét tuyển mới như: Toán - Giáo dục kinh tế và Pháp luật - tiếng Anh, Toán -Tin học – tiếng Anh, Toán – Công nghệ - tiếng Anh, Toán – Lịch sử, Địa lý – Tiếng Anh. Đây là các tổ hợp mới song song với các tổ hợp truyền thống trước đây của nhà trường. Năm nay các tổ hợp bổ sung tương ứng với các môn thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025.
Theo thông tin từ Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, năm 2025, trường có 6 tổ hợp xét tuyển. Trong đó, ngoài các tổ hợp truyền thống, nhà trường đã bổ sung thêm 2 tổ hợp có môn Tin học là Toán, Tiếng Anh, Tin học và Toán, Vật lý, Tin học.
Trường Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội cũng bổ sung tổ hợp mới là GT1 (Toán, Vật lý, Tin học) từ năm 2025 với một số ngành như Khoa học máy tính, Công nghệ thông tin, Kỹ thuật điện, Kỹ thuật robot, Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa.
Trường Đại học Công thương TPHCM bổ sung 5 tổ hợp mới, trong đó có 4 tổ hợp khối C là C00 (Văn, Sử, Địa), C01 (Văn, Toán, Lý), C02 (Văn, Toán, Hóa), C14 (Toán, Văn, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật), chủ yếu để tuyển sinh các ngành Luật, Quản trị kinh doanh, Khách sạn...
...Thậm chí tréo ngoe
Bên cạnh những tổ hợp mới có môn cốt lõi, cũng không ít trường mở những tổ hợp mới toe, tréo ngoe, thiếu bóng dáng môn cốt lõi khiến không ít người tỏ ra băn khoăn.
Với ngành Sư phạm Lịch sử, Trường ĐH Thủ đô Hà Nội có những phương thức xét tuyển hoặc mã tổ hợp không có môn Lịch sử.
Cụ thể, ở 2 phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT và sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực năm 2025, có các tổ hợp không có môn Lịch sử như D01 (Toán, Văn, Tiếng Anh); C04 (Toán, Văn, Địa lý) và C14 (Toán, Văn, Giáo dục kinh tế và pháp luật).
Tương tự, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên thông báo, với ngành Sư phạm Lịch sử, nếu theo phương thức xét kết quả đánh giá năng lực, thí sinh có thể dùng điểm 3 môn Văn, Toán, Tiếng Anh để xét tuyển.
Còn theo phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT, trường này cho phép xét tuyển bằng tổ hợp D01 (Toán, Văn, Tiếng Anh) hoặc tổ hợp C20 (Văn, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật).

Các phương thức tuyển sinh và mã tổ hợp xét tuyển ngành Sư phạm Lịch sử của Trường đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên năm 2025.
Với ngành Sư phạm Lịch sử - Địa lý cũng vậy, ở phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, trường này cho phép thí sinh sử dụng cả tổ hợp Văn, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật.
Như vậy, với các phương thức và tổ hợp xét tuyển trên, không cần thí sinh phải dự thi môn Lịch sử.
Năm nay, Trường ĐH Hòa Bình tuyển sinh ngành Y khoa và Y học cổ truyền có 4/5 tổ hợp không có môn Sinh. Đặc biệt hơn, nhà trường tuyển sinh ngành Ngôn ngữ Anh có 2/5 tổ hợp không có môn tiếng Anh là C00 (Văn, Sử, Địa) và C01 (Văn, Toán, Vật lí).
Một số một cơ sở đào tạo thuộc khối ngành Nông – Lâm - Ngư tuyển hai ngành Công nghệ Sinh học và Công nghệ sinh dược 130 chỉ tiêu với 9 tổ hợp xét tuyển, tuy nhiên 8/9 tổ hợp không có môn Sinh học...
Trường ĐH Văn Lang cũng xét tuyển nhiều tổ hợp lạ cho khối ngành sức khỏe, trong đó có y khoa với các tổ hợp tréo ngoe như Toán - Hóa - Giáo dục kinh tế pháp luật; Toán - Hóa - Công nghệ…
Cơ hội để 'vớt' thí sinh?
Nói về việc đưa các tổ hợp mới vào tuyển sinh, đại diện nhiều trường cho rằng, đó là điều bình thường và không phạm quy chế. Đó là cách để "tạo cơ hội nhiều hơn cho thí sinh và đảm bảo công bằng trong tiếp cận đại học".
"Với Trường ĐH Thương mại, các tổ hợp xét tuyển đều có môn Toán và môn Ngoại ngữ, do đó dù kết hợp với bất kỳ một môn nào liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 thì các em đều đủ năng lực, đủ kiến thức nền để vào học tốt các chương trình của trường", Phó trưởng phòng Truyền thông và Tuyển sinh, trường Đại học Thương mại Nguyễn Quang Trung nhận định.
Nêu quan điểm về công tác tuyển sinh năm nay, PGS.TS Lê Hữu Lập, nguyên Phó Giám đốc Học viện Bưu chính Viễn thông cho rằng, nếu tuyển vào Sư phạm Sử mà không có bất cứ tổ hợp nào có môn Sử là rất dở.
“Vì các em có kết quả học tốt môn Sử, chắc chắn là yêu thích môn Sử, như vậy vô hình dung đã loại đi các thí sinh yêu thích và có kết quả cao về môn Sử rồi. Đó là sai lầm trong tuyển sinh”- ông Lập nói.
Tuy nhiên, cũng theo ông Lập, việc đưa ra nhiều tổ hợp trong xét tuyển đó là quyền của mỗi trường đại học khi trường được tự chủ tuyển sinh. Có thể trường có mục đích cứ để các tổ hợp không có môn Lịch sử để tuyển các em giỏi Văn, Toán, Tiếng anh (D01) và có thể học tốt Lịch sử (nếu các em có nguyện vọng). Đa dạng các tổ hợp khiến các trường dễ tuyển hơn.
“Nhiều phương thức thì tạo được nhiều cơ hội cho thí sinh hơn. Tôi nghĩ rằng, thực tế một số học sinh khá giỏi lịch sử đăng ký vào Sư phạm Sử không đủ chỉ tiêu, nên các trường đó bắt buộc phải có nhiều tổ hợp khác. Đó là kinh nghiệm từ các năm trước”- ông Lập nói.
Theo Bộ GD&ĐT, kết quả thực hiện tuyển sinh năm 2024 cho thấy thực trạng các cơ sở đào tạo sử dụng quá nhiều phương thức xét tuyển gây nhiễu thông tin. Có tới hơn 200 phương thức không có hoặc rất ít thí sinh đăng kí; chưa đảm bảo công bằng giữa các phương thức xét tuyển. Nhiều cơ sở đào tạo chưa phân tích tương quan, đánh giá đối sánh kết quả học tập của sinh viên theo các phương thức xét tuyển.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng, việc không giới hạn số lượng tổ hợp không có nghĩa là để các trường tự do trong việc đưa các tổ hợp chỉ với mục đích tuyển được nhiều hơn.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhận định, nếu một phương thức xét tuyển/tổ hợp xét tuyển không đánh giá được tri thức, năng lực cốt lõi dành cho ngành đó thì các trường phải xem lại.
Trường tuyển sinh tổ hợp tréo ngoe: Bị giải trình
Bộ GD&ĐT vừa có công văn yêu cầu các cơ sở đào tạo đại học rà soát lại các tổ hợp, phương thức xét tuyển để bảo đảm yêu cầu về kiến thức nền tảng và năng lực cốt lõi mà thí sinh cần có để theo học. Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường đặc biệt lưu ý, đối với các chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo sử dụng nhiều tổ hợp, phương thức xét tuyển rà soát các tổ hợp, phương thức xét tuyển; lựa chọn tổ hợp môn xét tuyển bảo đảm phải dựa trên yêu cầu về kiến thức nền tảng và năng lực cốt lõi mà thí sinh cần có để theo học; riêng đối với các ngành đào tạo sư phạm, tổ hợp môn xét tuyển hoặc ngưỡng đầu vào phải có yêu cầu cụ thể kiến thức môn học tương ứng.