Tuyển sinh ảm đạm vì dịch Covid-19, đại học Mỹ thất thu 23 triệu USD
Số lượng thí sinh nhập học khóa mới sẽ giảm 15%, các trường thất thu khoảng 23 triệu USD. Trong khi đó, gói cứu trợ 14 triệu USD từ chính phủ không đủ để giải cứu trường.
Nhiều năm trời, Claire McCarville vẫn mơ ngày đến New York hoặc Los Angeles, Mỹ, học đại học. Vì thế, cuối tháng trước, nữ sinh vô cùng mừng rỡ khi biết mình trúng tuyển vào đại học danh tiếng ở cả hai thành phố.
Thế nhưng, chưa đầy một tháng sau, Claire đành phải đóng 300 USD, quyết định chọn vào ĐH bang Arizona tại thành phố Phoenix, cách nhà chỉ 15 phút lái xe.
“Điều đó dễ hiểu thôi, do virus corona cả”, nữ sinh tâm sự.
Thất thu 23 triệu USD vì dịch
Trên toàn nước Mỹ, nhiều sinh viên như Claire McCarville đang suy xét lại lựa chọn của mình trong thế giới xáo trộn vì Covid-19.
Trong khi đó, lo lắng tuyển sinh sụt giảm dẫn đến thất thu, các đại học cố đưa ra biện pháp đối phó. Những quyết định như vậy có thể thay đổi nền giáo dục đại học trong nhiều năm tới.
Sự kiện thể thao bị hủy bỏ. Trường buộc phải trả lại tiền nội trú, tiền ăn đã thu. Sinh viên một số nơi còn yêu cầu hoàn trả số học phí đã đóng cho học kỳ xuân mà thực tế, họ không được học.
Các nguồn thu khác như chương trình trao đổi sinh viên, nhà sách trong trường cũng cạn kiệt. Tài trợ nghiên cứu liên bang đứng trước nguy cơ tạm dừng.
Không những vậy, dự kiến, số lượng sinh viên quốc tế, đặc biệt từ châu Á, sẽ giảm do lệnh hạn chế nhập cảnh. Du học sinh thường đóng học phí đầy đủ là nguồn thu lớn tại nhiều trường, từ Ivy League đến cao đẳng cộng đồng.
Nhiều trường đã thất thu 100 triệu USD và sẽ đối mặt thiệt hại lớn hơn trong học kỳ thu sắp tới, nếu phải tiếp tục dạy học online.
Bộ phận tuyển sinh các trường dự đoán dưới tác động tâm lý và tài chính từ dịch, sinh viên sẽ chọn trường gần nhà hơn, ít theo học trường có học phí cao, thậm chí hoãn một năm hay bỏ đại học.
Một nhóm thương mại giáo dục đại học dự đoán tỷ lệ nhập học cả nước Mỹ giảm 15%, tương đương thất thu 23 triệu USD, theo New York Times.
Kent Syverud, Hiệu trưởng ĐH Syracuse, cho biết ông chưa từng trải qua thời điểm mà mối lo sức khỏe, an toàn, kinh tế cùng ập đến một lúc. Ông tin chắc hầu hết lãnh đạo đại học khác cũng vậy.
“Tôi chưa từng trải qua thời kỳ mà mối lo sức khỏe, an toàn và tài chính cùng ập đến một lúc, tin chắc hầu hết lãnh đạo đại học khác cũng vậy”, Kent Syverud, Hiệu trưởng ĐH Syracuse, nói.
Ông băn khoăn liệu phụ huynh có để con vào đại học giữa lúc khó khăn đủ bề không.
Cần ít nhất 46,6 triệu USD để giải cứu
Virus corona buộc các trường đóng cửa một thời gian. Trong đó, đại học, với gần 4 triệu nhân viên, đối mặt những thách thức lớn. Thí sinh ứng tuyển giảm. Học phí cao cùng khoản nợ sinh viên khiến nhiều người nghi ngại liệu tấm bằng đại học có đáng để đầu tư không.
Giữa tháng 4, Công ty Dịch vụ Đầu tư Moody đánh giá triển vọng của giáo dục đại học từ mức ổn định xuống tiêu cực. Họ dự đoán những trường lớn như Harvard, Stanford có thể trụ vững sau dịch, trong khi tương lai của các trường nhỏ ảm đạm hơn.
Nhưng kể cả trường giàu cũng phải áp dụng biện pháp thắt lưng buộc bụng. Hôm 7/4, Robert Zimmer, Hiệu trưởng ĐH Chicago, gửi mail đến nhân viên, thông báo việc tạm dừng trả lương, hoãn tuyển dụng, chấm dứt việc chi tiêu tùy ý và tìm kiếm biện pháp cắt giảm ngân sách. ĐH Pennsylvania áp dụng cách tương tự.
Dù tháng trước, Quốc hội Mỹ đưa ra gói cứu trợ 14 triệu USD cho giáo dục đại học, 6 triệu USD trong số đó lại là khoản trợ cấp khẩn cấp cho sinh viên. Số còn lại chỉ tương đương 1% chi phí của trường đại học.
Hiệu trưởng các trường cho biết số tiền đó hoàn toàn không đủ để duy trì nhân viên, chương trình hiện tại. Họ buộc cắt giảm học bổng, thậm chí tuyên bố phá sản. Để giải cứu giáo dục đại học, Chính phủ Mỹ cần chi ít nhất 46,6 triệu USD.
Mỹ có khoảng 4.000 cơ sở giáo dục đại học với 20 triệu sinh viên. Theo Hội đồng Giáo dục Mỹ, năm 2016-2017, các trường mang lại khoảng 650 triệu USD. Tại một số bang như California, Iowa, Maryland, họ là nhà tuyển dụng lớn nhất.
Trong thư gửi Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi hôm 9/4, Hội đồng Giáo dục Mỹ dự đoán tuyển sinh đại học năm tới sẽ giảm 15%, trong đó, số lượng sinh viên quốc tế giảm 25%. Du học sinh là nguồn thu lớn giúp các trường đảm bảo ngân sách và có tiền hỗ trợ người học trong nước.
“Dịch bệnh bùng nổ ngay tại cao điểm tuyển sinh. Lãnh đạo các trường biết trước số lượng sinh viên nhập học sẽ giảm đáng kể, do cả sinh viên không trở lại hoặc không bao giờ học đại học nữa”, ông viết.
Các đợt thi SAT hay ACT cho tuyển sinh khóa tới cũng phải hủy bỏ. Bên tổ chức cho biết sẽ phát triển hệ thống thi online nếu trường tiếp tục đóng cửa đến học kỳ sau.
Trong sự xáo trộn vì dịch, nhiều trường, từ trường nhỏ, danh tiếng như ĐH Williams đến trường lớn như hệ thống ĐH California, hoãn thời gian nộp kết quả thi SAT, ACT.
Sinh viên đòi giảm học phí
Tuy nhiên, nhiều sinh viên không hài lòng khi virus thay đổi bản chất của đại học. Với họ, học online, đóng cửa trung tâm sinh viên, phòng tập gym, phòng thí nghiệm khoa học là lãng phí số tiền họ đã đóng. Tại một số trường như ĐH Chicago, ĐH bang Iowa, sinh viên kiến nghị trường giảm 50% học phí trong thời kỳ dịch bệnh.
Trong khi đó, các trường không đồng ý, cho biết sẽ cố tăng trợ cấp tài chính - dù nguồn tài trợ, quyên tặng giảm khiến điều này khó thực hiện. Ngày 13/4, ĐH Chicago tuyên bố vẫn giữ nguyên học phí cùng phí ký túc xá.
Hầu hết đại học không xác định được sinh viên sẽ phản ứng như thế nào trong tương lai. Nhiều trường dời hạn xác nhận nhập học từ 1/5 sang 1/6. Một số trường khác xem xét khả năng lùi sâu hơn.
Richard Ekman, Chủ tịch Hội đồng Đại học Tư thục, cho rằng có thể phải đến ngày hội định hướng, các trường mới biết số lượng sinh viên theo học trong năm tới là bao nhiêu rồi quyết định tuyển thêm hay sa thải, điều chuyển giảng viên. Theo ông, mọi thứ đều chỉ xác định vào phút cuối.
Claire McCarville cho biết dịch Covid-19 khiến cô hiểu giá trị của cuộc sống cạnh gia đình. Dù những trường cô từng hướng tới ở New York hay Los Angeles đều hứa hẹn trao học bổng, học phí tại ĐH bang Arizona vẫn rẻ hơn nhiều, điều kiện tổng thể cũng tốt hơn.
Trước đây, cô chưa từng bận tâm mấy việc đó. Virus corona thay đổi tất cả.
“Tôi sẽ học đại học với chi phí thấp nhất có thể. Như vậy, tôi có thể giảm thiểu khoản nợ sinh viên khi ra trường. Tôi chưa từng gặp nhiều khó khăn ở tình huống bất định như thế này”, nữ sinh chia sẻ.