Tuyển sinh đại học 2023: Tránh đưa ra nhiều phương thức xét tuyển

Theo Bộ GDĐT, công tác tuyển sinh năm 2023 và các năm tiếp theo về cơ bản sẽ giữ ổn định như năm 2022, đồng thời Bộ sẽ yêu cầu các trường tránh đưa ra nhiều phương thức xét tuyển gây khó cho thí sinh.

Chuẩn bị sớm, đầy đủ các điều kiện để tổ chức tốt Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023

Theo báo cáo của Bộ GDĐT, kế thừa kết quả đạt được trong công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT các năm 2020 và 2021, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 đã được tổ chức thành công, bảo đảm nghiêm túc, công bằng và an toàn. Tổng số thí sinh dự thi là 989.863, đạt tỷ lệ 98,75% so với tổng số thí sinh đăng ký dự thi.

Đây cũng là năm đầu tiên thí sinh đang học lớp 12 thực hiện đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT theo hình thức trực tuyến trên Hệ thống quản lý thi. Bộ GDĐT cũng đã triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra thi tốt nghiệp THPT năm 2022 ở các khâu chuẩn bị, coi thi, chấm thi; đồng thời thành lập 5 đoàn kiểm tra công tác phúc khảo bài thi tại 10 sở GDĐT. Hiện Bộ GDĐT đang hoàn thiện dự thảo thông báo kết quả kiểm tra.

Thí sinh tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.

Thí sinh tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.

Bộ GDĐT cho biết, Bộ sẽ chuẩn bị sớm, đầy đủ các điều kiện để tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023; xây dựng các phương án bảo đảm an ninh, an toàn và dự phòng để xử lý các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình tổ chức thi, nhất là ứng phó với diễn biến phức tạp của thiên tai, dịch bệnh (nếu có).

Đồng thời, Bộ GDĐT sẽ hoàn thiện để công bố và từng bước chuẩn bị triển khai phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 phù hợp với lộ trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, bảo đảm kết quả thi phản ánh trung thực, khách quan, đúng trình độ, năng lực học sinh, có độ tin cậy, sự phân hóa để xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh và cung cấp thông tin để đánh giá chất lượng giáo dục, điều chỉnh quá trình dạy học nhằm nâng cao chất lượng dạy học trong các trường phổ thông.

Tỷ lệ thí sinh ảo giảm nhiều

Về công tác tuyển sinh năm 2022, theo báo cáo công tác tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2022 của Bộ GDĐT gửi Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội, tổng số nguyện vọng đủ điều kiện trúng tuyển vào các cơ sở đào tạo đưa lên Hệ thống để xử lý nguyện vọng là 1.259.645.

Tổng số thí sinh được xét trúng tuyển đợt 1 là 567.399 thí sinh (trong đó, 3.580 thí sinh trúng tuyển cao đẳng sư phạm), đạt 97,03% chỉ tiêu. Tổng chỉ tiêu toàn quốc năm 2022 tăng khoảng 60.000 tương đương với 12% so với năm 2021.

Thí sinh Hà Nội dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022.

Thí sinh Hà Nội dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022.

Trung bình số nguyện vọng đủ điều kiện trúng tuyển so với số nguyện vọng đạt (số thí sinh trúng tuyển) sau khi xử lý nguyện vọng (lọc ảo) là 2,22 lần; trong đó có những cơ sở đào tạo có tỷ lệ ảo gấp gần 6 lần như Khoa Y dược, Đại học Đà Nẵng.

Chỉ có các trường thuộc khối ngành công an, quân đội do chỉ xét tuyển nguyện vọng 1 nên không gặp phải hiện tượng ảo như các cơ sở đào tạo khác.

Qua quá trình xử lý nguyện vọng, đã có 567.000 thí sinh được xác định trúng tuyển, cao hơn số thí sinh trúng tuyển nhập học năm 2021 (516.000 thí sinh). Số lượng thí sinh xác nhận nhập học đạt 464.000, tỷ lệ đạt trên 82% (tính trên số thí sinh trúng tuyển), đều là những con số cao hơn nhiều so với các năm gần đây.

Đặc biệt, có tới 75% số cơ sở đào tạo có tỷ lệ nhập học vượt 80%, trong khi chỉ có 6% số cơ sở đào tạo có tỷ lệ nhập học dưới 50%. Đây là những con số thể hiện tỷ lệ thí sinh ảo đã giảm rất nhiều.

Qua các phương thức xét tuyển sớm theo kế hoạch tuyển sinh của từng trường đại học cho thấy, trung bình mỗi thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển vào 2, 3 nguyện vọng. Tuy nhiên, cũng theo báo cáo của Bộ GDĐT, trong số những thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm, chỉ 35% đăng ký nguyện vọng 1 với các phương thức này.

Nhìn lại mùa tuyển sinh năm nay, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT) đánh giá, về tổng thể, công tác tuyển sinh năm 2022 có những điều chỉnh tích cực, đặc biệt là sự chuyển đổi mạnh mẽ về ứng dụng công nghệ.

Việc tổ chức đăng ký và xử lý nguyện vọng xét tuyển trực tuyến không chỉ bảo đảm quyền lợi cho thí sinh, giảm thiểu số lượng thí sinh ảo mà còn góp phần thúc đẩy chuyển đổi số, trong đó đảm bảo việc minh bạch hóa công tác tuyển sinh của cả hệ thống.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho biết, trên cơ sở các số liệu về tuyển sinh năm 2022, Bộ GDĐT sẽ phối hợp với các cơ sở đào tạo phân tích, đánh giá và tổng kết những mặt được, chưa được và hướng khắc phục, trong đó có việc các trường cần hoàn thiện các phương thức tuyển sinh cho năm 2023 theo hướng đơn giản hóa, giảm thiểu các nhầm lẫn và khó khăn có thể gây ra cho thí sinh.

Để Hệ thống hoạt động ổn định trong các năm tiếp theo, trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc tự chủ trong tuyển sinh của các cơ sở đào tạo, Bộ GDĐT sẽ yêu cầu các cơ sở đào tạo phân tích, đánh giá hiệu quả của từng phương thức tuyển sinh để lựa chọn và sử dụng một số phương thức nhất định, tránh đưa ra nhiều phương thức xét tuyển dẫn đến không đảm bảo sự công bằng và gây khó khăn, nhầm lẫn cho thí sinh.

Nguyễn Hoài

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tuyen-sinh-dai-hoc-2023-tranh-dua-ra-nhieu-phuong-thuc-xet-tuyen-5698827.html