Tuyển sinh đại học 2024: Thấy gì từ thực trạng hơn 9 điểm một môn vẫn trượt nguyện vọng 1?

Từ câu chuyện 'lạm phát' điểm cao, hơn 9 điểm một môn vẫn trượt nguyện vọng 1 là những vấn đề đáng suy nghĩ trong tuyển sinh đại học năm nay...

Thực trạng hơn 9 điểm một môn vẫn trượt nguyện vọng 1 là điều đáng suy nghĩ trong mùa tuyển sinh đại học năm nay. (Ảnh minh họa: VGP)

Thực trạng hơn 9 điểm một môn vẫn trượt nguyện vọng 1 là điều đáng suy nghĩ trong mùa tuyển sinh đại học năm nay. (Ảnh minh họa: VGP)

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 đã khép lại với nhiều bất ngờ, đặc biệt là câu chuyện điểm chuẩn vào các trường đại học tăng cao đột biến. Thậm chí, nhiều thí sinh đạt 9,5 điểm/môn vẫn không thể đỗ vào ngành mình mong muốn. Điều này đã dấy lên nhiều tranh cãi và đặt ra nhiều câu hỏi về công bằng, chất lượng giáo dục và định hướng tương lai của các sĩ tử.

"Vậy việc hơn 9 điểm một môn vẫn trượt đại học nói lên điều gì? Phải chăng kỳ thi tốt nghiệp THPT không phải là thước đo duy nhất và tuyệt đối để đánh giá năng lực của một học sinh? Điểm số cao chỉ phản ánh một phần kiến thức của thí sinh, còn rất nhiều yếu tố khác cũng rất quan trọng như kỹ năng, tư duy sáng tạo, khả năng làm việc nhóm".

Trước hết, phải thừa nhận rằng, việc cạnh tranh vào đại học ngày càng khốc liệt. Số lượng thí sinh tăng cao, trong khi số lượng chỉ tiêu vào các trường đại học lại có hạn. Điều này dẫn đến tình trạng “cháy” chỉ tiêu ở nhiều ngành hot, kéo theo sự tăng vọt của điểm chuẩn. Tuy nhiên, việc điểm chuẩn tăng cao đến mức các thí sinh đạt điểm số cao vẫn trượt lại là một vấn đề đáng suy nghĩ.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, đây có thể do số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường top đầu ngày càng tăng, tạo ra áp lực cạnh tranh lớn. Đồng thời, tiêu chí xét tuyển của các trường đại học ngày càng đa dạng, không chỉ dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT mà còn xét đến các yếu tố khác như điểm học bạ, đánh giá năng lực...

Vậy việc hơn 9 điểm một môn vẫn trượt đại học nói lên điều gì? Phải chăng kỳ thi tốt nghiệp THPT không phải là thước đo duy nhất và tuyệt đối để đánh giá năng lực của một học sinh? Điểm số cao chỉ phản ánh một phần kiến thức của thí sinh, còn rất nhiều yếu tố khác cũng rất quan trọng như kỹ năng, tư duy, sáng tạo, khả năng làm việc nhóm. Việc quá chú trọng vào điểm thi sẽ dẫn đến tình trạng học sinh chỉ tập trung vào việc học thuộc lòng kiến thức để đạt điểm cao, mà không quan tâm đến việc phát triển toàn diện bản thân.

Thực tế, áp lực học tập của học sinh ngày càng lớn. Để đạt được điểm số cao, nhiều em phải học tập căng thẳng, học cả ngày lẫn đêm. Có lẽ, đã đến lúc chúng ta nên thay đổi cách đánh giá học sinh. Thay vì chỉ tập trung vào việc truyền đạt kiến thức, nhà trường nên chú trọng hơn đến việc phát triển năng lực tư duy, sáng tạo, giải quyết vấn đề cho học sinh. Đặc biệt, cần có những chính sách giảm tải chương trình học, tạo điều kiện cho học sinh tham gia các hoạt động ngoại khóa, phát triển kỹ năng.

Bên cạnh đó, các trường học phải tư vấn, cung cấp cho học sinh những thông tin đầy đủ và chính xác về các ngành nghề, trường đại học, giúp các em lựa chọn ngành học phù hợp với năng lực và sở thích của bản thân.

Việc giải quyết vấn đề bất cập trong xét tuyển đại học là một quá trình lâu dài và đòi hỏi sự nỗ lực của nhiều phía. Trong đó, cần thiết đổi mới phương pháp dạy và học, tập trung phát triển năng lực tư duy, sáng tạo, giải quyết vấn đề cho học sinh thay vì chỉ chú trọng vào kiến thức sách vở. Xây dựng cơ sở dữ liệu về năng lực của học sinh, giúp các trường đại học có cái nhìn toàn diện hơn. Điều chỉnh chỉ tiêu, cân đối chỉ tiêu tuyển sinh giữa các ngành học, tránh tình trạng quá tải ở một số ngành và thiếu sinh viên ở các ngành khác.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục, đặc biệt là vào việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, xây dựng cơ sở vật chất hiện đại và đổi mới chương trình đào tạo. Từ đó, có thể tạo ra một môi trường giáo dục công bằng, chất lượng và thực sự phát huy được năng lực của mỗi cá nhân.

Ngay sau khi hàng loạt trường đại học công bố điểm chuẩn xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT thì những bất cập, hạn chế của tuyển sinh cũng lộ diện. Nhiều ngành của nhiều trường, điểm chuẩn tăng vọt, phổ biến trên 28 điểm. Đặc biệt, ngành Sư phạm Ngữ văn và Sư phạm Lịch sử của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, điểm chuẩn tổ hợp C00 (Văn - Sử - Địa) lên đến 29,3 – cũng là mức điểm cao kỷ lục của trường này.

Ngành Báo chí và ngành Quan hệ công chúng của Viện Đào tạo báo chí và Truyền thông, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) có mức điểm chuẩn tổ hợp C00 lần lượt là 29,03 và 29,1. Trường ĐH Văn hóa Hà Nội điểm chuẩn cũng tăng đột biến khi có 6/18 ngành xét điểm C00 từ 23,85 đến dưới 26,98 điểm; 12 ngành còn lại có điểm chuẩn trên 27, ngành cao nhất lên đến 28,9 điểm…

Quỳnh Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tuyen-sinh-dai-hoc-2024-thay-gi-tu-thuc-trang-hon-9-diem-mot-mon-van-truot-nguyen-vong-1-283448.html