Tuyển sinh đại học 2025: Chọn ngành trước, chọn trường sau
Trong năm đầu tiên tuyển sinh các thí sinh của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, các trường đại học (ĐH) có nhiều điều chỉnh về phương án tuyển sinh, tổ hợp. Thí sinh cần đọc kỹ đề án của các trường để biết trường mình định xét tuyển có những phương thức, tổ hợp nào để chuẩn bị sẵn sàng.
Xu thế đào tạo đón đầu nghề mới
Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới diễn ra đầu năm 2024, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng, khoảng 40% việc làm trên toàn thế giới có thể bị ảnh hưởng bởi sự phát triển của AI (trí tuệ nhân tạo). Nhóm công việc dễ bị AI tranh nhiều nhất là kế toán, lập trình, nhân viên ngân hàng… Đây cũng là băn khoăn của nhiều học sinh, phụ huynh khi tham gia Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp 2025 vừa qua.
Theo ThS. Phạm Thanh Hà - Trưởng phòng Quản lý đào tạo (Trường ĐH Ngoại thương), AI giúp chúng ta nhập và phân tích dữ liệu, gợi ý giải pháp chứ không làm thay con người. Các cơ sở đào tạo sẽ phải rà soát, điều chỉnh chương trình đào tạo với những cách tiếp cận mới để có thể trang bị cho người học tư duy mới và các kỹ năng cần thiết để làm chủ công nghệ.

Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2025.
Vừa qua, Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH giai đoạn 2021 – 2030 được Chính phủ phê duyệt có nội dung tăng quy mô đào tạo lĩnh vực STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán) của Việt Nam lên khoảng 1 triệu người học, trong đó có 1% trình độ tiến sĩ, 7% thạc sĩ. Chính vì vậy, trong năm 2025, các trường ĐH tiếp tục chú trọng mở ngành mới và tăng quy mô đào tạo các ngành học này. Đơn cử, hàng loạt trường mở các ngành học mới đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực Công nghệ số như Trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội) mở thêm 4 ngành, chương trình mới; Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông mở 5 ngành mới, Trường ĐH Xây dựng Hà Nội mở 8 ngành mới... Bên cạnh đó, các trường ĐH cũng tập trung đầu tư, hỗ trợ triển khai các chương trình đào tạo tài năng gắn với nghiên cứu, đổi mới sáng tạo nhằm tạo ra môi trường học tập, nghiên cứu hấp dẫn và các chính sách hỗ trợ học bổng, học phí để thu hút sinh viên.
Sự thay đổi của công nghệ tác động mạnh mẽ đến thị trường việc làm. Việc lựa chọn cho mình một ngành nghề phù hợp chính là bước đệm quan trọng giúp người trẻ phát triển trong tương lai. Đưa ra lời khuyên cho các bạn trẻ trước ngưỡng cửa vào đời, các chuyên gia chia sẻ, không nên để các thông tin khách quan tác động quá nhiều. Việc chính của các em là xây dựng cho mình một chiến lược học tập, ôn tập thật tốt để trong những năm tháng học tại trường phổ thông và nghiên cứu kỹ về thế mạnh, mong muốn của bản thân để tìm kiếm ngành nghề phù hợp theo học ở bậc ĐH, cao đẳng.
Tuy nhiên, có không ít sinh viên khi bước vào giảng đường ĐH mới thấy sự khác biệt giữa cảm nhận của mình về ngành học khi đăng ký xét tuyển so với thực tế. Khi nhận ra ngành học đó không phù hợp với bản thân, có em muốn chuyển ngành, chuyển trường hoặc học song ngành. Lúc này, lựa chọn tiếp tục hay dừng lại sẽ vô cùng khó khăn vì không chỉ chậm một nhịp so với bạn bè cùng lứa mà còn phải cân nhắc về tài chính, thời gian và hướng đi tiếp theo liệu đã thực sự là lựa chọn đúng đắn hay vẫn chưa phải là điểm dừng chân phù hợp. Vì vậy, theo ThS. Trần Nam - Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM (ĐH Quốc gia TPHCM), thí sinh cần chọn ngành mình thực sự yêu thích và phù hợp thay vì chọn theo bạn bè, theo số đông hay vì bố mẹ. Muốn vậy, các em cần tìm hiểu kỹ về các ngành nghề, có thể làm các bài trắc nghiệm nghề nghiệp. ThS. Trần Nam cũng nhấn mạnh, dù chọn ngành nghề nào thì kiến thức, thái độ và kỹ năng tốt vẫn là chìa khóa để thành công trong công việc. Khi có đam mê và trình độ, các em sẽ có nhiều cơ hội việc làm, thậm chí có khả năng "nhảy việc" ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực liên quan.
Với phụ huynh, ThS. Nguyễn Thị Kim Phụng - Phó Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp (Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM) đưa ra lời khuyên đó là đồng hành cùng con, giúp con hiểu rõ về bản thân và mục tiêu nghề nghiệp thông qua sở thích hiện nay, trong tương lai muốn làm công việc gì và ngành đó tương lai xu hướng nghề nghiệp như thế nào. Đồng thời, cần khuyến khích con phát triển các kỹ năng mềm và tinh thần tự học. Bởi dù học ở cấp độ nào thì kỹ năng học hỏi suốt đời và kỹ năng mềm là yếu tố quan trọng trên con đường thành công nghề nghiệp của mỗi người sau này.
Chiến thuật lựa chọn tổ hợp môn phù hợp
Theo số liệu các thí sinh trúng tuyển theo từng phương thức trong năm 2024, có trên 80% thí sinh trúng tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT và học bạ, trong đó hơn 52% số thí sinh trúng tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT và gần 28% thí sinh trúng tuyển bằng học bạ. Số còn lại trúng tuyển theo điểm thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy (3,36%); xét tuyển kết hợp giữa tuyển thẳng theo đề án (1,96%) và các phương thức khác; các phương thức khác với 12 phương thức (13,33%).
Như vậy, dù có cơ hội tham gia các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy… do các trường tổ chức hay sở hữu chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế hay không thì cơ hội vào ĐH dành cho thí sinh trên khắp cả nước bằng 2 phương thức truyền thống là kết quả thi tốt nghiệp và học bạ THPT vẫn rất rộng mở. Thậm chí, hầu hết các ĐH trên cả nước đều dành phần lớn chỉ tiêu để xét tuyển theo phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT nên theo các chuyên gia, thời điểm này, việc cần làm của các thí sinh đó là tập trung học và ôn tập các môn thi tốt nghiệp đạt kết quả tốt nhất.
Được biết, trong năm đầu kỳ thi tốt nghiệp THPT theo chương trình mới sẽ có hơn 1,1 triệu học sinh tham gia, tăng khoảng 40.000 em so với năm 2024. Bên cạnh đó, những thí sinh tự do sẽ thi theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006 với đề thi riêng căn cứ thực tế đăng ký. Nhóm thí sinh thi tốt nghiệp lần đầu phải làm 4 bài thi, bắt buộc có Toán và Ngữ văn. Ngoài ra, các em chọn 2 môn đã học ở trường (Hóa học, Vật lý, Sinh học, Địa lý, Lịch sử, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ và Ngoại ngữ).
Với phương án này, sẽ có tới 36 cách lựa chọn các môn thi, thay vì 4 tổ hợp như trước đây. Thí sinh có thể lựa chọn môn học thế mạnh để đăng ký dự thi nhưng cũng cần có thêm lựa chọn dự phòng nếu môn thế mạnh không may điểm chưa cao. Đặc biệt, với những thí sinh muốn sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển vào ĐH cần nghiên cứu kỹ đề án của các trường để biết trường mình định xét tuyển có những phương thức, tổ hợp nào, từ đó có sự chuẩn bị tốt nhất.
Cụ thể, đối với những thí sinh thi vào khối trường công an nhân dân lưu ý Bộ Công an mở rộng các tổ hợp xét tuyển từ 7 tổ hợp năm 2024 thành 15 tổ hợp trong năm 2025. Tương tự, nhiều trường ĐH dự kiến mở rộng các tổ hợp xét tuyển, tạo thêm nhiều cơ hội lựa chọn cho cả thí sinh và nhà trường, trong đó có sự xuất hiện 3 môn thi mới trong danh sách các môn tự chọn của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 là Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.
Các chuyên gia tuyển sinh nhìn nhận, nếu thí sinh chọn được tổ hợp môn xét tuyển ưu thế sẽ giúp tăng khả năng trúng tuyển vào ngành yêu thích. Chiến thuật lựa chọn tổ hợp môn phù hợp với quy định từng trường cần được thí sinh nắm vững.
TS Nguyễn Phi Sơn - Phó Giám đốc kiêm Trưởng phòng Đào tạo (ĐH Duy Tân) khuyên các thí sinh cần xác định rõ mình yêu thích, muốn theo học ngành gì rồi sau đó mới chọn trường có đào tạo ngành đó. Vì đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng nên các em có thể chọn nhiều trường theo thứ tự ưu tiên mong muốn học từ cao nhất đến thấp hơn với điều kiện phải xem trường đó có tổ hợp môn nào xét cho ngành của mình. Ngoài 2 môn bắt buộc thì với 2 môn tự chọn, môn nào xuất hiện nhiều nhất trong các tổ hợp thì các em lựa chọn 2 môn đó theo thế mạnh của mình để đảm bảo đạt kết quả cao và có cơ hội trúng tuyển lớn.
Dự kiến việc xét tuyển ĐH và cao đẳng 2025 sẽ được thực hiện chung một đợt trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GDĐT. Theo đó, trên hệ thống sẽ bổ sung danh sách trường cao đẳng cùng các ngành đào tạo. Tất cả điểm của thí sinh cũng được đưa lên để xét tuyển. Điều chỉnh này sẽ góp phần giảm chi phí, công sức cho thí sinh trong tham gia xét tuyển; các trường sẽ hạn chế được tỷ lệ ảo.