Tuyển sinh đại học năm 2022: Điểm chuẩn có thể cao hơn nhiều so với điểm sàn

Cho đến thời điểm này, gần 70 trường đại học (ĐH) trên cả nước đã công bố điểm sàn xét tuyển ĐH năm 2022 (bằng điểm thi tốt nghiệp THPT). Các chuyên gia lưu ý thí sinh, dự báo điểm chuẩn của một số trường, một số ngành 'hot' sẽ cao hơn nhiều so với điểm sàn công bố.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Ảnh: Quang Vinh

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Ảnh: Quang Vinh

Đơn cử, Trường ĐH Ngoại thương công bố điểm sàn cơ sở Hà Nội và TPHCM là 23,5 điểm; cơ sở Quảng Ninh là 20 điểm. Trường ĐH Quốc gia Hà Nội công bố ngưỡng điểm sàn là 20 điểm (gồm điểm ưu tiên và khu vực, chưa nhân hệ số). Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM có mức điểm sàn từ 16-20 điểm tùy từng ngành. Trường ĐH Thủy lợi công bố mức điểm sàn từ 17- 23 điểm. Trong đó ngành có điểm sàn cao nhất là Công nghệ thông tin…

Đáng lưu ý, theo Trường ĐH Quy Nhơn công bố thì 6 ngành sư phạm (Sư phạm Toán học, Sư phạm Vật lý, Sư phạm Hóa học, sư phạm Ngữ văn, Sư phạm Lịch sử và Sư phạm Địa lý) của trường đều có mức điểm sàn lên đến 28,5 điểm. Ngược lại có những trường mức điểm sàn chỉ ở 14 điểm (Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TPHCM).

PGS. TS Lê Hoằng Bá Huyền - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa) có lời khuyên, thí sinh cần tìm hiểu kỹ cơ sở đào tạo mà mình đã trúng tuyển có điều kiện như: Tên phương thức trúng tuyển sớm, tổ hợp xét tuyển là gì… Ngoài ra, trong quá trình xét tuyển sớm, có thí sinh nhập sai khu vực và đối tượng dẫn đến điểm xét tuyển thay đổi. Với những trường hợp sai thông tin đến khi hậu kiểm mới phát hiện, khi đó Hệ thống tuyển sinh của Bộ GDĐT đã đóng, thí sinh không thể điều chỉnh nguyện vọng khác nên có thể bị trượt các nguyện vọng. Do đó, các thí sinh cần đặc biệt lưu tâm để tránh trượt oan.

PGS. TS Lê Đình Tùng - Trưởng phòng Quản lý đào tạo đại học, Trường ĐH Y Hà Nội cho hay, nhiều thí sinh chưa biết cách sắp xếp nguyện vọng xét tuyển. Chẳng hạn, có thí sinh đặt nguyện vọng không thích nhất là nguyện vọng 1 nhưng lại muốn trúng tuyển vào nguyện sau (là nguyện vọng yêu thích nhất). Điều này vô hình trung dẫn đến tình trạng “trúng tuyển nhầm” nguyện vọng.

Còn GS. TS Nguyễn Trung Việt - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thủy lợi chia sẻ, khi theo đuổi một ngành nghề nào đó, quan trọng nhất là năng lực, sở trường của thí sinh. Do đó, việc đầu tiên các em phải chọn đúng ngành, sau đó kiên trì theo đuổi, trau dồi chuyên môn, ngoại ngữ và kỹ năng mềm.

Theo các chuyên gia giáo dục, thí sinh cần hết sức lưu ý để tránh bị nhầm lẫn, điểm sàn chỉ là điểm đủ điều kiện tối thiểu để nộp hồ sơ vào trường, không phải là điểm chuẩn. Đôi khi, điểm chuẩn và điểm sàn của nhiều trường ĐH sẽ chênh lệch rất lớn.

Từ thực tế điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2022, các chuyên gia dự báo điểm chuẩn vào các trường thành viên của ĐH Quốc gia Hà Nội có thể sẽ biến động khá mạnh sau khi công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào tăng 2 điểm so với năm trước.

GS. TSKH Nguyễn Đình Đức - Trưởng ban Đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào năm 2022 của trường tăng 2 điểm với tất cả 143 ngành/chương trình đào tạo so với năm trước. Điều này thể hiện quyết tâm chú trọng nâng cao chất lượng đầu vào, chất lượng đào tạo của nhà trường. Năm 2022, trường bắt đầu triển khai chính sách học bổng nhằm thu hút học sinh giỏi, xuất sắc đăng ký học các ngành Khoa học cơ bản (bao gồm 18 ngành, trong đó: Trường ĐH Khoa học Tự nhiên: 9 ngành, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn: 9 ngành).

Dự báo điểm chuẩn vào các trường thành viên, trường/khoa trực thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ tùy theo ngành/chương trình đào tạo (trừ một số ngành khó tuyển), điểm trúng tuyển năm 2022 sẽ cao hơn điểm sàn phổ biến từ 2-6 điểm, một số ngành cực hot như Công nghệ thông tin, Khoa học máy tính, Y dược, Hàn Quốc học,… có thể cao hơn điểm sàn 7-8 điểm.

Dung Hòa

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tuyen-sinh-dai-hoc-nam-2022-diem-chuan-co-the-cao-hon-nhieu-so-voi-diem-san-5693094.html