Tuyển sinh đại học năm 2025: Cần thống nhất quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ
Phần lớn trường đại học (ĐH) sử dụng chứng chỉ IELTS để xét tuyển đầu vào, nhưng giá trị quy đổi không giống nhau, khiến thí sinh bối rối.
Bất cập quy đổi điểm
Đến thời điểm hiện nay, đã có hàng chục trường ĐH thông báo sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ để xét tuyển. Nhiều trường công bố bảng quy đổi điểm IELTS, với mức từ 4.0 trở lên như Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trường ĐH Thủ đô Hà Nội, Trường ĐH Sài Gòn, Trường ĐH Phan Châu Trinh. Mức quy đổi điểm IELTS từ 4.0 trở lên tương đương 6 - 8/10 điểm. Học viện Ngân hàng và Trường ĐH CMC yêu cầu thí sinh đạt IELTS 8.0 mới được quy đổi thành 10/10 điểm; Trường ĐH Thương mại lại quy đổi IELTS 5.0 thành 10/10 điểm.

Học sinh sau kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: NHƯ Ý
ĐH Quốc gia Hà Nội công nhận quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ từ 5.5 IELTS trở lên thành các mức: 5.5 IELTS/72-78 TOEFL iBT thành 8,5/10 điểm môn tiếng Anh; 6.0 IELTS/79-87 TOEFL iBT tương đương 9,0/10 điểm; 6.5 IELTS/88-95iBT tương đương 9,5/10 điểm; 7.0-9.0 IELTS/96-120 TOEFL iBT tương đương 10/10 điểm.
Một số trường còn kết hợp cả hai hình thức: quy đổi điểm và cộng điểm khuyến khích cho thí sinh có chứng chỉ IELTS. Chẳng hạn, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội áp dụng cộng thêm từ 1 đến 3 điểm cho thí sinh có IELTS từ 6.5 trở lên với các ngành giảng dạy bằng tiếng Anh như Sư phạm tiếng Anh, Sư phạm Toán học, Vật lí, Hóa học. Trường ĐH Sài Gòn sử dụng điểm IELTS để quy đổi trong tổ hợp có môn tiếng Anh, đồng thời cộng điểm ưu tiên (từ 1 đến 2 điểm) nếu tổ hợp xét tuyển không có tiếng Anh.
Như vậy có thể thấy, cùng đạt mức 5.5 IELTS nhưng khi quy đổi sang giá trị tương đương của thang điểm xét tuyển ĐH, có trường là 10 điểm (Trường ĐH Thương mại), nhưng có trường chỉ 8 điểm (ĐH Kinh tế Quốc dân). Trong khi đó, năng lực của thí sinh ở môn ngoại ngữ rõ ràng tương đương nhau nhưng khi nộp hồ sơ xét tuyển vào 2 trường ĐH, điểm quy đổi lại chênh tới 2/10 điểm. Mặt khác, một thí sinh đạt 5.0 IELTS và một em đạt 7.5 IELTS chênh lệch về năng lực rất lớn, nhưng cả hai đều có mức quy đổi chung là 10/10 điểm. Đây là một trong những bất cập khi xét tuyển ĐH.
Tại Hội nghị tuyển sinh ĐH năm 2025 được tổ chức hồi tháng 3, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cũng nêu bất cập trong việc quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ hiện nay và giao Vụ Giáo dục ĐH nghiên cứu để có hướng dẫn cho các trường ĐH thực hiện đảm bảo công bằng cho thí sinh và giữa các trường.
Từ năm 2024 trở về trước, ngoại ngữ là môn thi tốt nghiệp THPT bắt buộc đối với tất cả thí sinh. Kết quả cho thấy, những tỉnh có điểm trung bình tiếng Anh thấp nhất nước thuộc các tỉnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa như Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Cao Bằng, Bắc Kạn, Đắk Nông, Hòa Bình, Trà Vinh, Hậu Giang, Lạng Sơn.
Học sinh vùng khó chịu thiệt
Nhiều trường ĐH sử dụng IELTS để xét tuyển nhưng thực tế sân chơi này không dành cho học sinh ngoại tỉnh, nơi không có điều kiện để học thêm. Ghi nhận của phóng viên qua các chuyến thực tế, học sinh ở vùng sâu, vùng xa hay các vùng đặc biệt khó khăn gần như không có điều kiện tiếp cận ngoại ngữ. Trong nhà trường, giáo viên ngoại ngữ không đủ, ngoài trường, ít trung tâm ngoại ngữ để các em theo học. Gần 100% học sinh THPT ở vùng khó không có chứng chỉ ngoại ngữ để được miễn xét tốt nghiệp môn này.
Chia sẻ với báo chí, thầy Nông Thế Huân, Hiệu trưởng Trường THPT Đồng Văn (Hà Giang) khẳng định, một số học sinh ở trường sử dụng tiếng phổ thông còn chưa rõ nên việc học ngoại ngữ càng trở nên khó khăn. Những năm trước, nhà trường không có học sinh nào sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ để quy đổi điểm trong xét tốt nghiệp THPT. Hà Giang có rất ít trung tâm ngoại ngữ, đa phần các trung tâm đều tập trung ở thành phố và thường chỉ là trung tâm tiếng Anh cho trẻ dưới 16 tuổi. Vì thế, việc học sinh vùng sâu vùng xa có thể theo học tại các trung tâm tiếng Anh và ôn luyện rồi đi thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ gần như bằng không.
Thời gian qua, không ít chuyên gia bày tỏ băn khoăn về sự công bằng trong xét tuyển ĐH khi các phương thức tuyển sinh của những trường ĐH lớn chỉ có lợi cho học sinh ở các thành phố lớn và những gia đình có điều kiện. Ví dụ như xét chứng chỉ ngoại ngữ, xét kết quả kì thi riêng (kết quả thi đánh giá năng lực, thi đánh giá tư duy). Những phương thức này, học sinh vùng khó khăn gần như không có cơ hội tiếp cận.
Siết lại quy định
Theo GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội), hiện có tình trạng quy đổi không đồng nhất giữa các cơ sở đào tạo ĐH. Nguyên nhân do các trường được quyền tự quyết trong tuyển sinh nên việc quy đổi phụ thuộc vào ngành. Ông Đức dẫn ví dụ với những ngành như Ngôn ngữ Anh, hoặc những ngành đào tạo quốc tế yêu cầu chuẩn đầu vào tiếng Anh cao, nên điểm quy đổi sẽ thấp. Những ngành khác không chuyên tiếng Anh thường quy đổi điểm IELTS sẽ cao hơn.
Năm nay, một trong những điểm mới của Quy chế tuyển sinh, Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường thực hiện việc quy đổi điểm chuẩn tương đương giữa các phương thức xét tuyển trong cùng một ngành hoặc chương trình đào tạo. Mục tiêu là đảm bảo sự công bằng trong đánh giá năng lực thí sinh. Đặc biệt yêu cầu trường ĐH không chia chỉ tiêu theo phương thức xét tuyển sẽ hạn chế được phần nào những bất cập trong tuyển sinh như thời gian qua. Như vậy, những thí sinh vùng sâu, vùng khó khăn có cơ hội tiếp cận giáo dục ĐH nhiều hơn.
Bên cạnh đó, quy chế mới siết chặt giới hạn cộng điểm và quy đổi điểm như: Điểm quy đổi từ chứng chỉ ngoại ngữ không được vượt quá 50% tổng điểm tổ hợp (tức tối đa 15/30 điểm). Điểm cộng khuyến khích không vượt quá 10% thang điểm tối đa. Tổng điểm xét tuyển, bao gồm cả điểm ưu tiên, không được vượt quá điểm tuyệt đối. Như vậy, thí sinh đạt điểm thi theo tổ hợp xét tuyển càng cao thì việc có thêm chứng chỉ IELTS gần như không còn giá trị cộng điểm.