Tuyển sinh ĐH 2022: Cẩn trọng với trúng tuyển sớm
Nhiều trường đại học ở TPHCM đã công bố điểm chuẩn xét tuyển năm 2022 theo phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực, học bạ, tuyển thẳng… (ngoại trừ xét điểm thi tốt nghiệp THPT). Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây chỉ là điều cần, còn điều kiện đủ là thí sinh phải tốt nghiệp THPT, đồng thời đặt nguyện vọng 1 vào đúng nguyện vọng như đã đăng ký trước đó trong đợt xét tuyển chung sắp tới, nếu không vẫn có nguy cơ trượt đại học.
Điểm chuẩn tăng
Điểm chuẩn bằng phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực do ĐHQG TPHCM tổ chức năm nay tăng khá cao so với các năm trước. Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM có mức điểm chuẩn từ 610-900 điểm/1.200 điểm. Ngành Truyền thông đa phương tiện đứng đầu với 900 điểm; tiếp theo là Ngôn ngữ Anh 870 điểm, Tâm lý học 860 điểm, Quan hệ quốc tế 850 điểm, Báo chí 825 điểm… Tại Trường ĐH Quốc tế - ĐHQG TPHCM, ngành Ngôn ngữ Anh có điểm chuẩn cao nhất với 835 điểm (theo thang điểm 1.200). Các ngành còn lại có điểm dao động từ 600-820 điểm. Với Trường ĐH Công nghệ thông tin TPHCM, điểm chuẩn các ngành dao động từ 805-940 điểm, trong đó ngành Trí tuệ nhân tạo có mức điểm cao nhất là 940.
Thạc sĩ Nguyễn Hải Trường An, Giám đốc Trung tâm Truyền thông và tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế - Luật TPHCM, cho hay, năm 2022 trường nhận 29.115 hồ sơ đăng ký xét tuyển bằng phương thức đánh giá năng lực với 55.889 nguyện vọng. “Điểm trung bình năm 2022 là 853 (tính theo thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển), trong đó, điểm trung bình khối ngành Kinh tế là 843 điểm, khối ngành Kinh doanh & Quản lý là 872 điểm và khối ngành Luật là 819 điểm. Chương trình đào tạo có điểm dự kiến trúng tuyển cao nhất là Kinh doanh quốc tế với mức 928 điểm”, bà An nói.
Theo lãnh đạo Trường ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM, so với năm 2021, trường có 9 ngành giảm điểm, 3 ngành không thay đổi, còn lại 14 ngành tăng. Việc một số ngành giảm điểm có thể lý giải thông qua phổ điểm đánh giá năng lực năm nay có phần “lệch trái” so với các năm trước, đồng thời các ngành thuộc lĩnh vực Khoa học tự nhiên, Khoa học sự sống thường ít được thí sinh lựa chọn.
Tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM, ngành Khoa học máy tính (chương trình tiên tiến) có điểm chuẩn cao nhất với 1.001 điểm, theo thang điểm 1.200. Đây là ngành đầu tiên lấy điểm chuẩn trên 1.000 điểm kể từ khi có phương thức xét tuyển bằng đánh giá năng lực vào năm 2018. Đa số các ngành tăng điểm thuộc nhóm điểm chuẩn cao (từ 700-900 điểm).
“Điểm tăng cao nhất thuộc về nhóm ngành Toán học, Toán ứng dụng, Toán Tin (tăng 80 điểm, tương đương 11%), còn lại đều tăng nhẹ từ 10-30 điểm. Điều này nằm trong dự báo trước đó của nhiều chuyên gia, bởi kỳ thi đánh giá năng lực năm nay có số lượng thí sinh đăng ký đông, nhóm thí sinh được phân loại khá rõ rệt”, lãnh đạo Trường ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM thông tin.
Lưu ý về đăng ký nguyện vọng
Thạc sĩ Trần Nam, Trưởng phòng Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp - Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM, nói rằng, nhiều trường đã công bố điểm chuẩn nhưng đây chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ là đỗ tốt nghiệp THPT và thí sinh phải đăng ký lại nguyện vọng trên cổng thông tin chung để lọc ảo. Theo ông Nam, thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển vào ngành học của trường với phương thức trên phải tiếp tục thực hiện các bước theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, cụ thể, từ ngày 22/7 đến 17h ngày 20/8, thí sinh đăng ký, cập nhật, điều chỉnh nguyện vọng trên hệ thống tuyển sinh của Bộ GD&ĐT.
“Từ ngày 21/8 đến 17h ngày 28/8, nếu thí sinh xác định nhập học vào trường, khi thực hiện “xác nhận thứ tự của nguyện vọng”, thí sinh phải điều chỉnh và xác nhận ngành đủ điều kiện trúng tuyển mà thí sinh muốn học ở thứ tự đầu tiên (nguyện vọng số 1). Trong trường hợp thí sinh chưa xác định nhập học, thí sinh có thể tiếp tục đăng ký nguyện vọng để tham gia xét tuyển ở đợt xét chung. Điều này đồng nghĩa với việc thí sinh không còn trong danh sách đủ điều kiện trúng tuyển”, ông Nam nói.
TS Mai Đức Toàn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh & Truyền thông - Trường ĐH Gia Định, khuyên thí sinh nên sắp xếp các nguyện vọng ưu tiên từ cao xuống thấp, tốt nhất từ 1-3 nguyện vọng để tăng cơ hội trúng tuyển. “Trong trường hợp nhiều nguyện vọng đủ điều kiện trúng tuyển, thí sinh chỉ được công nhận trúng tuyển và gọi nhập học theo nguyện vọng cao nhất, ưu tiên nhất. Ngoài ra, trường hợp không đủ điều kiện trúng tuyển vào một ngành đào tạo theo nguyện vọng, thí sinh vẫn có thể tiếp tục đăng ký ngành đào tạo đó theo phương thức tuyển sinh khác trên hệ thống”, ông Toàn thông tin.