Tuyển sinh ĐH 2023: Phập phù đào tạo giáo viên theo đặt hàng
Trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) trực thuộc UBND tỉnh/thành phố đào tạo nhóm ngành sư phạm phải đợi địa phương đặt hàng mới có chỉ tiêu đào tạo. Từ đây phát sinh những chuyện cười ra nước mắt.
Đã chốt đăng ký nguyện vọng, chỉ tiêu vẫn chưa có
Ngày 30/7, hệ thống tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT khóa cổng đăng ký nguyện vọng xét tuyển ĐH năm 2023. Nhưng đến hôm qua, 31/7, Trường ĐH Hồng Đức, Thanh Hóa vẫn chưa có chỉ tiêu đào tạo nhóm ngành sư phạm. Trước đó, các phương thức tuyển sinh sớm của trường ĐH này đã công bố điểm trúng tuyển có điều kiện nhưng chỉ có các ngành cử nhân, còn ngành sư phạm “trắng” thông tin. Trong khi đó, hồi tháng 2, đề án tuyển sinh của Trường ĐH Hồng Đức có chỉ tiêu đào tạo nhóm ngành sư phạm. Chính sự bất thường này khiến thí sinh, dư luận băn khoăn.
Theo thông báo mới nhất của Trường ĐH Hồng Đức (ngày 29/7) do Hiệu trưởng Bùi Văn Dũng ký, đến thời điểm này Trường chưa được UBND tỉnh Thanh Hóa giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên năm 2023 theo Nghị định 116 của chính phủ về đặt hàng đào tạo giáo viên. Do đó, thí sinh có nguyện vọng học ngành đào tạo giáo viên tại trường cân nhắc để điều chỉnh nguyện vọng từ Trường ĐH Hồng Đức sang cơ sở giáo dục ĐH khác. Khi được UBND tỉnh Thanh Hóa giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên năm 2023 theo Nghị định 116, nhà trường sẽ thông báo xét tuyển bổ sung. Đối với thí sinh đã dự thi năng khiếu tại Trường ĐH Hồng Đức, nếu không được tuyển sinh vào ngành đào tạo giáo viên có tổ hợp tuyển môn năng khiếu, nhà trường sẽ hoàn trả lệ phí dự thi trực tiếp đến từng thí sinh.
Từ năm 2022, các ngành thuộc nhóm ngành Đào tạo giáo viên, Bộ GD&ĐT xác định và thông báo chỉ tiêu tuyển sinh theo từng ngành đào tạo ở trình độ cao đẳng, trình độ đại học hình thức chính quy trên cơ sở năng lực đào tạo của cơ sở đào tạo, nhu cầu sử dụng của các địa phương và cả nước.
Thông báo của Trường ĐH Hồng Đức là một câu chuyện buồn trong vấn đề đấu thầu, đặt hàng đào tạo giáo viên theo Nghị định 116 hiện nay. Trong khi theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, cả nước vẫn còn thiếu hàng chục nghìn giáo viên, các địa phương không mặn mà với đặt hàng, đấu thầu để tạo nguồn tuyển, tức là không chịu bỏ tiền ra để đào tạo giáo viên cho địa phương. Vì vậy, chỉ tiêu đào tạo giáo viên của các trường ĐH, CĐ phập phù lên xuống theo “tâm trạng” của địa phương đặt hàng.
Năm 2022, điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển của 6 ngành đào tạo giáo viên thuộc Trường ĐH Quy Nhơn nhảy vọt lên 28,5/30 điểm/tổ hợp khiến thí sinh choáng váng. Về tình trạng cao đột biến này, Trường ĐH Quy Nhơn lý giải do 6 ngành này chỉ được giao rất ít chỉ tiêu, có ngành dưới 10 chỉ tiêu nên điểm sàn phải ở mức ít thí sinh đạt được. Nhưng năm nay, điểm sàn của nhóm ngành này của Trường ĐH Quy Nhơn lại tụt dốc tới 8,5 điểm so với năm trước với lý do chỉ tiêu được giao đào tạo tăng lên. Từ khi Nghị định 116 có hiệu lực (năm 2021), chỉ tiêu đào tạo sư phạm không chỉ phụ thuộc vào năng lực đào tạo của cơ sở giáo dục mà còn phụ thuộc vào đặt hàng của địa phương. Vì thế, chỉ tiêu của các trường tăng giảm qua mỗi năm và tình trạng bất ổn trong thừa thiếu giáo viên vẫn diễn ra không có giải pháp triệt để tháo gỡ.
Nhùng nhằng cấp kinh phí
TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp - Bộ GD&ĐT, cho rằng do không thực hiện quy hoạch nhân lực giáo viên tốt và trong bối cảnh tự chủ của ĐH, việc tạo ra cung giáo viên đáp ứng cầu rất khó khăn. Chất lượng các trường sư phạm không đồng đều khiến sinh viên ra trường chất lượng khác nhau… Hơn nữa, đào tạo sư phạm vẫn mang tính bao cấp nên có thể một số trường không quan tâm nhiều đến chất lượng. “Đấu thầu lấy tiêu chí chất lượng và chi phí làm điều kiện chính để đặt hàng. Vấn đề là đấu thầu trên phạm vi cả nước hay theo địa phương? Nếu đấu thầu trong địa bàn nơi chính trường đào tạo sư phạm đóng trên đó thì ý nghĩa của việc đấu thầu sẽ rất thấp”, ông Vinh nói. Ông nhấn mạnh, quan trọng là minh bạch trong đấu thầu.
Trong năm học 2021 - 2022, hàng trăm sinh viên học ngành sư phạm của Trường ĐH Thủ đô Hà Nội phải kêu cứu vì không được chi trả sinh hoạt phí theo quy định của Nghị định 116 dù đã đăng ký. Nghị định 116 cũng quy định việc cấp ngân sách cần dựa trên cơ sở giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu. Chỉ khi địa phương có giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu thì mới có cơ sở để thông qua chi ngân sách, việc này phải đúng quy trình, minh bạch. Nhưng năm học 2021-2022, UBND TP Hà Nội chưa giao nhiệm vụ, đặt hàng với Trường ĐH Thủ đô nên không có căn cứ để chi ngân sách.
Năm học 2023 - 2024, Hà Nội đăng ký, đặt hàng với Bộ GD&ĐT là 2.883 chỉ tiêu đào tạo giáo viên ở tất cả các cấp học. Tuy nhiên, con số thực tế còn cần dựa vào chỉ tiêu tuyển sinh của trường được giao, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Thủ đô và số lượng thí sinh đang ký nhận trợ cấp này. Chỉ tiêu tuyển dụng giáo viên hằng năm sẽ thay đổi theo số giáo viên về hưu, chuyển công tác, số lượng học sinh tăng - giảm. Với số lượng giáo viên thành phố hiện có, số sinh viên đã tốt nghiệp sư phạm và đang đào tạo thì đảm bảo đủ giáo viên trong những năm tới.
Chia sẻ về việc thực hiện, triển khai Nghị định 116, một số địa phương cho rằng quá trình triển khai vẫn còn một số vướng mắc. Cụ thể, việc giao chỉ tiêu, đặt hàng, đấu thầu đến chi ngân sách đều thuận lợi, nhưng địa phương sẽ gặp nhiều khó khăn khi sinh viên tốt nghiệp không làm việc trong các cơ sở giáo dục. Địa phương sẽ phải đòi lại khoản tiền hỗ trợ. Có địa phương muốn đẩy cái khó này về phía Ngân hàng Chính sách khi đề xuất Nhà nước nên xem xét rót tiền vốn hỗ trợ cho sinh viên sư phạm thông qua hệ thống của ngân hàng này. Ngân hàng cấp tiền hỗ trợ sinh viên dưới dạng khoản vay. Trong vòng 2 năm sau khi tốt nghiệp theo đúng quy định trong Nghị định 116, nếu sinh viên đáp ứng yêu cầu, làm việc trong ngành giáo dục thì khoản vay trên sẽ được tự động xóa. Trường hợp sinh viên không đáp ứng yêu cầu, ngân hàng sẽ thu hồi khoản vay đã cấp.