Tuyển sinh khối sức khỏe và sư phạm thay đổi ra sao?
Bên cạnh xét điểm tốt nghiệp THPT, các trường đào tạo nhóm ngành sức khỏe và sư phạm còn đưa ra một số điều kiện mới để nâng chất lượng tuyển sinh đầu vào.
Đến thời điểm này, dù tuyển sinh ĐH năm 2021 đã vào mùa cao điểm nhưng nhiều trường đào tạo khối ngành sức khỏe và giáo viên chỉ mới công bố phương án tuyển sinh.
Hút thí sinh giỏi ngoại ngữ vào y dược
Năm 2021 được xem là năm nở rộ việc mở ngành học khối sức khỏe tại các trường ĐH. Các phương thức tuyển sinh cũng đa dạng hơn, mở rộng đến đối tượng giỏi ngoại ngữ hơn.
Như Khoa y (ĐH Quốc gia TP.HCM) năm nay dự kiến chỉ tuyển 325 chỉ tiêu nhưng sử dụng đến bảy phương thức tuyển sinh.
Trong đó, điểm mới nhất là trường sẽ dành 20% chỉ tiêu theo ngành cho phương thức tuyển sinh mới xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT năm 2021 kết hợp với chứng chỉ tiếng Anh quốc tế. Khoa cũng dự kiến mở hai ngành mới là y học cổ truyền (chất lượng cao).
Một trong những trường có số ngành sức khỏe dự kiến mở nhiều nhất là Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng với tám ngành mới, gồm y học cổ truyền, kỹ thuật hình ảnh y học, sức khỏe răng miệng, hộ sinh, dinh dưỡng, chăm sóc bệnh trẻ em (điều dưỡng), kỹ thuật phục hồi chức năng, quản lý bệnh viện.
Trường ĐH Văn Lang năm nay cũng sẽ tuyển mới ngành y khoa và y học cổ truyền, nâng khối ngành sức khỏe lên sáu ngành. Trường ĐH Công nghệ TP.HCM cũng dự kiến mở mới hai ngành khối sức khỏe là điều dưỡng và kỹ thuật xét nghiệm y học.
Theo công bố mới nhất của Trường ĐH Y Dược TP.HCM, năm nay trường này tuyển 2.365 chỉ tiêu cho 18 ngành học. Trong đó 2.214 chỉ tiêu cho xét điểm tốt nghiệp THPT, 119 chỉ tiêu xét tuyển thẳng và 32 chỉ tiêu dự bị dân tộc.
Điểm mới năm nay, trường tiếp tục dành 25% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển kết hợp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế (đối với ngành y khoa, răng hàm mặt, dược học và điều dưỡng). Nhưng trường điều chỉnh tăng điểm TOEFL iBT từ 60 điểm trở lên thành từ 80 điểm trở lên, áp dụng với ba ngành y khoa, răng hàm mặt và dược học.
Và trường cũng bổ sung tiêu chí điểm này cho ngành điều dưỡng. Thí sinh (TS) xét tuyển ngành này phải đạt IELTS Academic 5.0 trở lên hoặc TOEFL iBT 61 trở lên.
Ngoài ra, trường cũng bổ sung tuyển thẳng TS đoạt giải môn vật lý trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia thay vì chỉ ở môn sinh học và hóa học như năm 2020. Những em này sẽ được ưu tiên vào học ngành dược học.
Thêm kỳ thi riêng cho khối sư phạm
Đây là điểm mới đáng chú ý và thu hút sự quan tâm lớn từ phụ huynh, TS hiện nay khi Trường ĐH Sư phạm TP.HCM công bố phương án tuyển sinh năm 2021.
Theo đó, năm nay trường vẫn áp dụng các phương thức là tuyển thẳng; xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT và học bạ; thi tuyển kết hợp xét tuyển.
Tuy nhiên, điểm mới ở phương thức thi tuyển kết hợp xét tuyển, lần đầu tiên trường sẽ tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt với chỉ tiêu tối đa 20% từng ngành (trừ ngành giáo dục mầm non và giáo dục thể chất vì xét theo điểm thi năng khiếu).
ThS Lê Phan Quốc, Phó Trưởng phòng Đào tạo của trường, cho biết trường mở thêm kỳ thi này vì muốn thực hiện mục tiêu đa dạng hóa phương thức tuyển sinh, đồng thời hướng đến việc tuyển chọn được những TS có đủ năng lực, phù hợp với yêu cầu đào tạo cụ thể của một số ngành học của trường.
Bởi thực tế ở phổ thông, có những trường đang đặt hàng giáo viên, nhất là một số trường chuyên ở các tỉnh cần những sinh viên ra trường phải giỏi cả chuyên môn lẫn nghiệp vụ để có khả năng dạy được tại trường đó.
“Việc có thêm kỳ thi này cũng sẽ tăng cơ hội cho TS và quan trọng là để thu hút sự quan tâm của TS hơn, tập trung được những em có nguyện vọng thực sự khi xét tuyển chứ không chỉ một cách cào bằng như xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp hay học bạ” - ThS Quốc nói.
Về kỳ thi này, trường sẽ tổ chức sáu bài thi cụ thể, gồm: Toán học, vật lý học, hóa học, sinh học, ngữ văn, tiếng Anh. TS sẽ làm bài thi trên máy tính tại các điểm thi do trường tổ chức.
Trong đó, bài thi toán học, vật lý học, hóa học, sinh học theo dạng trắc nghiệm với thời gian 90 phút, tiếng Anh là 180 phút. Bài thi ngữ văn cũng có thời gian làm bài là 90 phút nhưng dạng đề vừa trắc nghiệm lẫn tự luận.
Tùy theo nhu cầu xét tuyển vào các ngành học khác nhau, TS có thể lựa chọn đăng ký một hoặc một số bài thi để đăng ký xét tuyển.
Theo nhà trường, thời gian đăng ký thi dự kiến từ ngày 10 đến 28-5. Kỳ thi dự kiến được tổ chức trong khoảng thời gian từ ngày 4 đến 15-6 tại các điểm thi khác nhau, dự kiến sẽ tổ chức các điểm thi tại TP.HCM và một số tỉnh lân cận (Long An, Bình Dương, Tây Ninh).
Nhà trường cũng khẳng định nội dung các bài thi sẽ bám sát chương trình giáo dục phổ thông hiện hành. Trong đó, kiến thức lớp 12 chiếm khoảng 70%-80%. Còn lại là kiến thức lớp 10, 11.
Riêng bài thi tiếng Anh sẽ tiếp cận theo định dạng bài thi đánh giá năng lực từ bậc ba đến bậc năm theo khung tham chiếu năng lực ngoại ngữ dành cho Việt Nam. Các ngữ liệu trong đề thi sẽ đa dạng các lĩnh vực.
Còn với Trường ĐH Sài Gòn, năm 2021, trường này không thay đổi nhiều về cách thức tuyển sinh cho khối ngành sư phạm. Trường vẫn xét tuyển chính bằng điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021, kết hợp với thi năng khiếu.
Tiếp tục duy trì ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng
Năm 2021, Bộ GD&ĐT tiếp tục duy trì ngưỡng đảm bảo chất lượng cho khối ngành sức khỏe và đào tạo giáo viên. Đây là mức điểm sàn để các trường làm căn cứ xác định điểm nhận hồ sơ xét tuyển và điểm chuẩn trúng tuyển.
Như năm 2020, mức điểm này được Bộ GD&ĐT quy định cho trình độ đào tạo CĐ mầm non, điểm sàn là 16,5 điểm. Đối với trình độ đào tạo ĐH, điểm sàn là 18,5.
Nhóm ngành sức khỏe có ba mức điểm. Trong đó, y khoa và răng hàm mặt là 22 điểm, y học cổ truyền và dược là 21 điểm. Các ngành còn lại đều có mức điểm 19, gồm điều dưỡng, y học dự phòng, hộ sinh, kỹ thuật phục hình răng, kỹ thuật xét nghiệm y học, kỹ thuật hình ảnh y học, kỹ thuật phục hồi chức năng.