Tuyển sinh lớp 1 tại Hà Nội: Đảm bảo đủ chỗ, cố gắng đáp ứng số học sinh/lớp theo điều lệ trường học

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thời điểm tổ chức tuyển sinh vào lớp 1 năm học 2020 - 2021 tại Hà Nội triển khai từ ngày 1-8, chậm hơn so với các năm trước 1 tháng. Tuy nhiên, phương thức tuyển sinh vẫn giữ ổn định. Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết sẽ kiểm soát chặt chỉ tiêu tuyển sinh của các trường nhằm bảo đảm đủ chỗ học, đáp ứng yêu cầu của điều lệ trường học về số học sinh/lớp.

So với năm học trước, công tác tuyển sinh lớp 1 của Hà Nội không có nhiều xáo trộn khi TP vẫn áp dụng phương thức tuyển sinh trực tiếp và trực tuyến để tạo thuận lợi cho học sinh cũng như phụ huynh. Trên cơ sở bảo đảm quyền lợi của học sinh, phòng GD&ĐT các quận, huyện thực hiện theo những tiêu chí rõ ràng về chỉ tiêu, thời gian, phương thức, trách nhiệm và tuyến tuyển sinh.

Theo ông Phạm Quốc Toản - Trưởng phòng Quản lý thi và kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD&ĐT Hà Nội), yêu cầu chung đối với các đơn vị trong công tác tuyển sinh là bảo đảm đủ chỗ học cho học sinh, tránh tình trạng quá tải ở một số trường.

Tuyển sinh lớp 1 năm học 2020-2021 của Hà Nội cơ bản đảm bảo ổn định, đáp ứng đầy đủ chỗ học và cố gắng đảm bảo sĩ số theo điều lệ trường học. Ảnh: T.F

Tuyển sinh lớp 1 năm học 2020-2021 của Hà Nội cơ bản đảm bảo ổn định, đáp ứng đầy đủ chỗ học và cố gắng đảm bảo sĩ số theo điều lệ trường học. Ảnh: T.F

Sở sẽ kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh nhằm sắp xếp số học sinh/lớp đúng quy định của điều lệ trường học. Các phòng GD&ĐT phải công khai kế hoạch tuyển sinh trước thời điểm tuyển sinh ít nhất 15 ngày. Kế hoạch tuyển sinh phải bảo đảm “5 rõ”: Rõ chỉ tiêu, thời gian, phương thức, trách nhiệm, tuyến tuyển sinh. Theo quy định, để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, cấp tiểu học không quá 35 học sinh/lớp, cấp THCS không quá 45 học sinh/lớp nhằm nâng cao chất lượng dạy và học.

Tuy nhiên, con số này là thách thức không nhỏ với ngành GD&ĐT Thủ đô nhiều năm qua do dân số cơ học tăng nhanh, trong khi việc xây dựng trường lớp, chưa đáp ứng được nhu cầu chỗ học của tốc độ gia tăng về dân số. Theo số liệu khảo sát trẻ trong độ tuổi ở Hà Nội, tổng số trẻ dự kiến tuyển vào các trường mầm non trên địa bàn TP năm học 2020-2021 là hơn 623.000 trẻ. Các trường tiểu học tuyển vào lớp 1 khoảng 167.000 học sinh, tăng 9.500 học sinh. Các trường trung học cơ sở tuyển vào lớp 6 khoảng 135.000 học sinh, tăng 6.200 học sinh so với năm học 2019-2020.

Trong cuộc họp về tuyển sinh đầu cấp của Hà Nội, ông Phạm Văn Đại - PGĐ Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu: Các đơn vị phải quản lý chặt việc thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh, không để xảy ra hiện tượng quá tải ở một số trường; khai thác hiệu quả các điều kiện dạy học (cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên), tránh tình trạng có trường tuyển sinh vượt quá chỉ tiêu, trường lại không tuyển đủ chỉ tiêu gây lãng phí và khiến người dân bức xúc.

Để giải quyết bài toán quá tải trong trường học, lớp học và thực hiện triển khai Chương trình GDPT mới, mấy năm trở lại đây, Sở GD&ĐT Hà Nội tiếp chỉ đạo các phòng GD&ĐT quận, huyện, thị xã thực hiện việc rà soát hiện trạng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học ở các nhà trường. Theo đó, các đơn vị có trách nhiệm đánh giá thực trạng quy mô mạng lưới trường lớp, học sinh; xác định quy mô, nhu cầu đầu tư cơ sở vật chất, phòng học, phòng chức năng, thiết bị dạy học...

Năm học 2019 - 2020, toàn thành phố có 67 trường học các cấp được xây dựng mới và 407 trường học được cải tạo với số tiền hàng nghìn tỷ đồng. Trên cơ sở tổng hợp về thực trạng cơ sở vật chất của các trường học trên địa bàn toàn TP, Sở sẽ tham mưu, đề xuất UBND TP có kế hoạch về nguồn kinh phí nhằm hỗ trợ các nhà trường chuẩn bị các điều kiện để thực hiện tốt Chương trình GDPT mới. Trong đó, các đơn vị ưu tiên đầu tư phòng học đối với cấp tiểu học theo hướng bảo đảm mỗi lớp có một phòng học để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày (hiện tỉ lệ học sinh học 2 buổi/ngày đạt 96,5%).

T.Fan

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/tuyen-sinh-lop-1-tai-ha-noi-dam-bao-du-cho-co-gang-dap-ung-so-hoc-sinhlop-theo-dieu-le-truong-hoc-195840.html