Tuyển sinh lớp 10 ở Hà Nội: Đăng ký nguyện vọng phù hợp
Ngày 19/4, học sinh Hà Nội nộp phiếu đăng ký dự tuyển vào lớp 10. Năm nay, nhiều trường THPT công lập giảm chỉ tiêu tuyển sinh khiến phụ huynh và học sinh đắn đo về phương án chọn trường.
Tăng - giảm chỉ tiêu nhiều trường
Hà Nội đã công bố chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 công lập năm học 2024 - 2025. Mặc dù tổng chỉ tiêu so với năm 2023 tăng thêm 1.500, tổng số 73.695 học sinh, nhưng chỉ tiêu của nhiều trường nội thành giảm. Cụ thể, các trường có chỉ tiêu giảm bao gồm: trường Cầu Giấy, Yên Hòa, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Gia Thiều, Xuân Đỉnh, Lê Quý Đôn (Hà Đông), Quang Trung (Hà Đông). Mức giảm khoảng 40 - 80 chỉ tiêu.
Trong khi đó, các trường Chu Văn An, Phạm Hồng Thái, Nguyễn Trãi (Ba Đình), Tây Hồ, Ngọc Hồi, Nguyễn Quốc Trinh, Trung Văn, Phú Xuyên B, Khương Hạ, Lưu Hoàng, Hồng Thái… tăng từ 40 - 135 chỉ tiêu. Đặc biệt, Trường THPT Đông Mỹ (Thanh Trì) từ 405 chỉ tiêu năm 2023 tăng lên 675 chỉ tiêu của năm nay.
Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hà Nội đã giao chỉ tiêu tuyển sinh cho 85 trong số hơn 100 trường tư thục trên địa bàn với 29.636 học sinh. Các trường còn lại chưa đủ điều kiện tuyển sinh.
Ngoài ra, Sở GDĐT Hà Nội cũng công bố chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 năm học 2024 - 2025 của 29 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên với hơn 11.500 chỉ tiêu.
Riêng đối với 4 trường THPT có lớp chuyên, năm học 2024 - 2025, Hà Nội tăng chỉ tiêu tuyển sinh so với năm học trước, lên 2.970 học sinh. Trong đó, có 630 học sinh lớp không chuyên và 100 học sinh hệ song bằng tú tài. Chỉ tiêu tăng là ở Trường THPT Chu Văn An, hệ thường tuyển 360 học sinh, tăng 90 chỉ tiêu so với năm học 2023, trong đó có 2 lớp tiếng Pháp song ngữ và 1 lớp tiếng Nhật.
Cẩn trọng để tránh trượt oan
Liên quan tới việc đăng ký nguyện vọng vào lớp 10 THPT công lập không chuyên cũng như đăng ký dự thi, xác nhận nhập học, ông Nguyễn Quang Tuấn - Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội lưu ý các thí sinh cần chú ý các quy định. Trong đó, mỗi học sinh được đăng ký tối đa 3 nguyện vọng (NV) dự tuyển vào 3 trường THPT công lập xếp theo thứ tự NV1, NV2 và NV3, trong đó NV1 và NV2 phải thuộc cùng một khu vực tuyển sinh theo quy định, NV3 có thể thuộc khu vực tuyển sinh bất kỳ. Học sinh không được thay đổi NV dự tuyển sau khi đã đăng ký.
Nhấn mạnh nguyên tắc xét tuyển hiện nay tạo điều kiện thuận lợi cho các em học sinh có thêm cơ hội trúng tuyển vào các trường THPT công lập, ông Tuấn đưa ra lời khuyên với thí sinh và gia đình, cần căn cứ vào khả năng học tập của bản thân, điều kiện của học sinh và gia đình, nguyện vọng học tập tại trường THPT để cân nhắc lựa chọn trường phù hợp đăng ký nguyện vọng dự tuyển. "Những năm học qua, phương án thi và tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập của Hà Nội ổn định đã nhận được sự đồng tình của đông đảo cha mẹ học sinh, học sinh và các nhà trường. Việc có học sinh dù học tốt nhưng chọn không khéo vẫn có thể trượt tất cả các nguyện vọng là do học sinh chưa nghiên cứu kỹ về phương án xét tuyển, trường THPT mình muốn theo học (điều kiện cơ sở vật chất, điểm chuẩn…), khả năng học tập của bản thân….” - ông Tuấn chia sẻ.
Từ kinh nghiệm tuyển sinh nhiều năm, các chuyên gia cũng nhấn mạnh việc lựa chọn nguyện vọng dự tuyển vào lớp 10 trường công lập cần lưu ý 3 yếu tố gồm năng lực học tập của học sinh (căn cứ kết quả khảo sát hàng tháng và năng lực học tập hàng ngày), điểm chuẩn vào lớp 10 của trường trong 3 năm trở lại đây, khoảng cách di chuyển từ nhà đến trường.
Bên cạnh đó, việc định hướng phân luồng học sinh sau THCS cũng là vấn đề được Sở GDĐT tạo Hà Nội lưu ý. Vừa qua, một clip được cho là phụ huynh đứng lên phát biểu trong cuộc họp giữa nhà trường và phụ huynh học sinh về việc phân luồng vào lớp 10 gây xôn xao dư luận. Theo đó, phụ huynh này bức xúc cho rằng nhà trường “nhồi nhét” cho học sinh đi học ngành nghề không phải thi khiến các con nản chí. Nguyện vọng của gia đình và thí sinh cũng đang cố gắng để ôn thi, hi vọng có thể trúng tuyển. Còn nếu trượt thì học sinh sẽ vào học nghề, không phải vội vã không cho thi từ đầu.
Câu chuyện này không hiếm khi mùa tuyển sinh lớp 10 nào cũng có thông tin phản ánh từ phụ huynh về việc nhà trường “vận động” phụ huynh và thí sinh không dự thi vào lớp 10 THPT mà trực tiếp đăng ký đi học nghề. Phụ huynh bức xúc, thí sinh nản chí khi bị “ép buộc” phải chọn hệ đào tạo khác như dân lập, học nghề mà không được thi chuyển cấp. Theo các chuyên gia, thi là quyền lợi chính đáng của học sinh và nhà trường không thể vì sợ mất thành tích mà ép buộc học sinh không được thi. Sở GDĐT cần có chỉ đạo kịp thời đối với các nhà trường để việc phân luồng học sinh đi vào thực chất, hiệu quả và tạo sự đồng thuận giữa nhà trường, phụ huynh, tránh tạo áp lực thêm cho học sinh.