Tuyển sinh vào lớp 10: môn Nghệ thuật vẫn vắng bóng
Việc các nhà trường chưa bố trí các môn Nghệ thuật vào tổ hợp lựa chọn là thiệt thòi cho học sinh. Và mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng chưa đạt được như chương trình tổng thể, chương trình môn học Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề ra.
Các trường Trung học phổ thông hiện đang gửi kế hoạch tuyển sinh lớp 10 của đơn vị mình đến các trường Trung học cơ sở trên cùng địa bàn nhằm giúp các nhà trường tư vấn, định hướng cho học sinh lớp 9 chuẩn bị lựa chọn tổ hợp khi bước vào đầu cấp học.
Mặc dù kế hoạch tuyển sinh lớp 10 cho năm học 2023 - 2024 tới đây đã là năm thứ 2 của chương trình giáo dục phổ thông 2018 nhưng hiện nay đa phần các trường Trung học phổ thông vẫn chưa có giáo viên dạy các môn Nghệ thuật (Âm nhạc và Mĩ thuật) nên vẫn chưa thể đưa môn học này vào các tổ hợp lựa chọn.
Chính vì thế, học sinh vẫn chưa thể lựa chọn môn Nghệ thuật và ngay cả Nội dung giáo dục địa phương-là môn học bắt buộc cũng chưa thể dạy 2 phân môn này. Nhiều địa phương đã chủ trương tăng tiết các phân môn khác nhằm lấp đầy số tiết cho Nội dung giáo dục địa phương ở các nhà trường.
Nguồn tuyển giáo viên Nghệ thuật hiện nay rất khan hiếm
Chương trình 2006, các môn học Âm nhạc, Mĩ thuật đã kết thúc vào cuối học kỳ I của lớp 9 và từ học kỳ II của lớp 9 đến hết lớp 12 sẽ không có 2 môn học này. Điều này đã gây ra những khó khăn nhất định cho những học sinh có nguyện vọng thi, xét tuyển vào khối ngành, trường có liên quan đến 2 môn học này.
Những học sinh thi vào các chuyên ngành Âm nhạc, Mĩ thuật, Kiến trúc bắt buộc phải luyện thi từ bên ngoài các trường học nên rất tốn kém và khó khăn tìm thầy cô để ôn luyện. Chính vì vậy, chương trình giáo dục phổ thông mới đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương đưa môn học Nghệ thuật vào giảng dạy ở khối Trung học phổ thông.
Môn Nghệ thuật đã trở thành môn học lựa chọn trong nhóm tổ hợp và Âm nhạc, Mĩ thuật cũng trở thành 2 phân môn trong Nội dung giáo dục địa phương (môn học bắt buộc). Điều này có nghĩa là nếu như đầy đủ giáo viên 2 môn học này thì học sinh nào cũng sẽ được học môn Nghệ thuật bởi vì cho dù không lựa chọn môn Nghệ thuật trong tổ hợp thì học sinh cũng được học hơn 10 tiết ở Nội dung giáo dục địa phương.
Thế nhưng, điều đáng tiếc xảy ra khi triển khai chương trình mới ở lớp 10 trong năm học 2022-2023 này thì đa phần các địa phương, các nhà trường đều đồng thanh lên tiếng về việc không tuyển được giáo viên Nghệ thuật. Một số địa phương còn có chủ trương đãi ngộ đối với giáo viên mới được tuyển vào ngành nhưng cũng không có nguồn để tuyển.
Vì thế, trong năm học 2022 - 2023 này, phần lớn học sinh lớp 10 ở các trường Trung học phổ thông công lập vẫn không được học các môn Nghệ thuật - đây là một điều đáng tiếc vô cùng.
Bởi vì các môn Nghệ thuật không chỉ giúp cho học sinh định hướng nghề nghiệp sau này mà còn giúp cho học sinh được học đầy đủ các môn học - nhất là các môn này giúp cho học sinh có được một sự thoải mái trong học tập, bớt đi những căng thẳng sau những tiết học các môn văn hóa.
Một số trường có mời giáo viên thỉnh giảng một số lớp nhất định nhưng cũng rất ít trường thực hiện công việc này vì nó liên quan đến kinh phí chi trả và tìm giáo viên thỉnh giảng hiện nay cũng không hề đơn giản.
Sự thiếu vắng các môn học Nghệ thuật ở cấp Trung học phổ thông khi giảng dạy chương trình mới không chỉ ở năm đầu tiên và năm học 2023 - 2024 tới đây vẫn tiếp tục rơi vào tình trạng tương tự. Các tổ hợp vẫn thiếu vắng các môn Nghệ thuật để học sinh lựa chọn.
Khó đảm bảo quyền lợi học tập chính đáng cho học sinh khi thiếu vắng môn Nghệ thuật
Năm học 2022-2023 là năm đầu tiên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 10. Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, mỗi học sinh sẽ có 8 môn học bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Lịch sử, Giáo dục thể chất, Giáo dục Quốc phòng và An ninh, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, Nội dung giáo dục địa phương.
Ngoài ra, học sinh lớp 10 sẽ lựa chọn 4 trong 9 môn học gồm: Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mĩ thuật.
Quy định và hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo là vậy nhưng vì không có giáo viên Âm nhạc, Mĩ thuật nên trên thực tế là học sinh chỉ lựa chọn 4/7 môn mà thôi. Nhưng, nói đúng ra là đa số các trường Trung học phổ thông đã sắp sẵn từng nhóm tổ hợp, học sinh chỉ có thể lựa chọn vào một tổ hợp theo kế hoạch của nhà trường chứ không được lựa chọn từng môn học theo sở trường.
Bởi lẽ, nếu để học sinh chọn môn theo sở thích sẽ dẫn đến tình trạng có những môn học được lựa chọn nhiều nhưng cũng sẽ có những môn mà học sinh không muốn lựa chọn vì nó không nằm trong định hướng nghề nghiệp của các em sau này.
Khi xảy ra tình trạng này, nhà trường sẽ gặp khó khăn trong việc sắp xếp nhân sự. Bởi lẽ, nhân sự được cấp trên phân bổ đưa về theo đúng định mức vị trí việc làm; kinh phí hoạt động hàng năm của nhà trường thì đã được các cơ quan chức năng khoán và phê duyệt từ đầu năm.
Vì thế, những môn nhiều học sinh đăng ký sẽ dẫn đến thừa giờ, nhà trường lấy tiền đâu chi trả? Những môn giáo viên thiếu tiết cũng không thể nào cắt lương được vì họ đang hưởng lương theo hệ số, phụ cấp theo hướng dẫn của các văn bản hiện hành. Vậy nên, nói là học sinh lựa chọn nhưng thực tế là nhà trường sắp xếp tổ hợp sẵn.
Đối với các môn Âm nhạc và Mĩ thuật đã và đang thiếu giáo viên. Khó khăn này không chỉ ở năm học 2022 - 2023 mà có thể đến khi thực hiện cuốn chiếu xong chương trình mới ở cấp Trung học phổ thông vào năm học 2024 - 2025 tới đây thì việc tuyển dụng giáo viên Nghệ thuật vẫn là một việc khó khăn của các địa phương.
Rõ ràng, chương trình mới đưa môn Nghệ thuật vào giảng dạy ở cấp Trung học phổ thông là một điểm mới, phù hợp với thực tiễn nhằm đáp ứng yêu cầu học tập của nhiều em yêu thích môn Nghệ thuật. Thế nhưng, nhìn vào thực tế bố trí tổ hợp của các nhà trường hiện nay đa phần đang thiếu các môn học Nghệ thuật - đây là một điều đáng tiếc vô cùng.
Việc các nhà trường chưa bố trí các môn Nghệ thuật vào tổ hợp lựa chọn không chỉ là một thiệt thòi cho học sinh mà điều này còn cho thấy chủ trương, mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông 2018 chưa đạt được như chương trình tổng thể, chương trình môn học mà Bộ đã thông qua từ mấy năm về trước.