Tuyến trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ sở thần tiên

Chuẩn bị cho sự kiện Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của mạng lưới Công viên địa chất (CVĐC) Toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2024 tại Cao Bằng, các huyện: Quảng Hòa, Trùng Khánh, Hạ Lang xúc tiến nhiều hoạt động chuẩn bị để tăng thêm sức hấp dẫn, đón đại biểu, khách quý trong nước và quốc tế đến trải nghiệm tuyến thứ 3, phía Đông 'Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ sở thần tiên' của CVĐC Non nước Cao Bằng.

Đúng như tên gọi “Xứ sở thần tiên”, tuyến thứ 3 phía Đông, xuất phát từ thành phố Cao Bằng đi các huyện Quảng Hòa, Trùng Khánh, Hạ Lang có nhiều di sản địa chất, diện mạo, cảnh quan đẹp hùng vĩ, thơ mộng như tranh vẽ và di sản văn hóa bản địa đặc sắc của dân tộc Tày, Nùng quần cư sinh sống lâu đời.

Huyện Quảng Hòa có cảnh quan núi đá vôi karst trưởng thành với nhiều cảnh đẹp thiên nhiên tuyệt đẹp, mỗi mùa ban tặng một vẻ đẹp màu sắc khác nhau. Điểm đầu tiên là đèo Mã Phục - di sản bazan cầu gối với cung đèo 7 tầng uốn lượn trên độ cao 700 m là dấu tích 260 triệu năm trước có nhiều núi lửa hoạt động ngầm dưới biển. Dung nham núi lửa phun lên trong nước biển bị nguội đột ngột tạo thành các cầu gối xếp chồng lên nhau với nhiều kích thước và màu sắc (bazan cầu gối).

Tiếp theo là danh thắng Mắt Thần núi là kiến tạo địa chất hiếm có trên thế giới, tọa lạc trên những đồng cỏ bằng phẳng. Đến mùa mưa (tháng 6 - 8) trở thành một hồ nước trong xanh, đồng thời liên thông với một hồ nước phía sau núi thủng rộng khoảng 15 ha tên gọi hồ Nặm Trá. Phía bên phải, cách hồ khoảng 500 - 600 m là thác Nặm Trá tung dòng nước trắng xóa xuống dòng suối rồi chảy bao quanh cánh đồng lúa, ngô xanh mướt. Cảnh đẹp nơi đây hiện lên như bức tranh ngọc bích.

Cùng với nhiều cảnh quan đẹp, đồng bào dân tộc Nùng An xã Phúc Sen (Quảng Hòa) với trí tuệ thông minh và bàn tay khéo léo, sự cần cù, chăm chỉ lao động vẫn còn lưu giữ nghề truyền thống rèn dao thủ công, làm hương thơm, làm giấy bản phục vụ đời sống và được nhiều khách cả nước tin dùng đã mở rộng thị trường đến các tỉnh trong cả nước. Vào mùa xuân, đồng bào nơi đây tổ chức Lễ hội tranh đầu pháo, Lễ hội Nàng Hai, Lễ hội Thanh Minh… với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian đặc sắc, độc đáo, giàu tính nhân văn.

Dòng sông Quây Sơn chảy qua địa phận xã Ngọc Côn (Trùng Khánh). Ảnh Thế Vĩnh

Dòng sông Quây Sơn chảy qua địa phận xã Ngọc Côn (Trùng Khánh). Ảnh Thế Vĩnh

Huyện Trùng Khánh có dòng sông Quây Sơn chảy hiền hòa, uốn lượn ôm lấy chân những dãy núi đá karst và cánh đồng lúa tạo nên cảnh bình nguyên xen lẫn núi đá đẹp thơ mộng. Dòng sông chảy dưới những chân núi bất chợt đổ dòng nước xuống vách đá cao tạo thành thác nước hùng vĩ, tung bụi nước trắng xóa trên những cánh đồng lúa xanh mướt như bức tranh ngọc bích. Đến mùa thu, khi cánh đồng lúa chín, thác nước đổ xuống trên màu vàng tươi nổi bật giữa nền trời xanh, thiên nhiên lại vẽ cho thác Bản Giốc trở thành thác nước đổ xuống màu vàng rực rỡ hiện giữa nền trời xanh làm mãn nhãn người ngắm cảnh. Mỗi mùa, thác Bản Giốc khoác lên mình một vẻ đẹp khác nhau của tạo hóa vì thế mà tích xưa ví đây là chốn tiên cảnh có những nàng tiên đến đây tắm rồi để quên đôi cánh, hằng năm trở về thác hòa mình vào cảnh đẹp nơi đây. Cảnh đẹp hùng vĩ của thác Bản Giốc được mệnh danh là thác nước lớn thứ 4 thế giới, nằm trên biên giới Việt - Trung. Kiến tạo địa chất ban tặng cho huyện Trùng Khánh động Ngườm Ngao nằm trong top hang động đẹp nhất Việt Nam bởi hệ thống nhũ khổng lồ tạo nên nhiều khung cảnh sinh động vô cùng kỳ thú, tráng lệ.

Quần cư sinh sống dưới những dãy núi đá vôi là dân tộc Tày, Nùng đã xây nhà sàn bằng đá rất độc đáo, điển hình là làng đá cổ Khuổi Ky. Chùa Phật tích Trúc Lâm Bản Giốc tọa lạc giữa mây núi là điểm đến tâm linh, lý tưởng để ngắm toàn cảnh thác, với tay bắt lấy bầu trời mây núi. Thiên nhiên còn ban tặng khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với trồng rừng cây dẻ xanh tốt ngút ngàn, có hạt dẻ đặc sản nổi tiếng. Rừng dẻ còn là nơi trải nghiệm du lịch sinh thái. Nguồn nước ngọt dưới chân núi tưới cho những cánh đồng lúa nếp Ong, nếp Pì Pất thơm nức vào mùa thu. Vào mùa xuân, bà con dân tộc Tày, Nùng tổ chức Lễ hội Lồng Tồng, Lễ hội đền Hoàng Lục, mùa thu tổ chức Lễ hội thác Bản Giốc… làm nô nức lòng người với lẽ sống hướng thiện, bảo vệ biên giới, thiên nhiên, môi trường…

Huyện Hạ Lang có nhiều di sản địa chất trên 400 triệu năm như: đại dương cổ và lục địa cổ xã Minh Long; hang Dơi là hang có nhiều cảnh kiến tạo địa chất kỳ thú; cảnh đẹp đồi cỏ Ba Quáng... Mùa xuân nơi đây, bà con tổ chức Lễ hội chùa Sùng Phúc (thờ ông Nguyễn Thành Vương tức Nguyễn Đình Bá (1678), bà Nguyễn Thị Duệ, đỗ tiến sĩ đầu bảng Trường Quốc học Bản Thảnh, Cao Bằng (triều Mạc) - nữ tiến sĩ duy nhất trong lịch sử khoa cử phong kiến Việt Nam. Di tích đồn của quan hai người Pháp trên Phja Rạc, xóm Bằng Ca (xã Lý Quốc) gồm 2 hệ thống tường vòng ngoài, vòng trong và một vài đoạn tường nhà ở của các quan Pháp và binh lính.

Để tăng sức hấp dẫn đón đại biểu quốc tế, khách quý đến trải nghiệm tuyến phía Đông, UBND các huyện Quảng Hòa, Trùng Khánh, Hạ Lang tích cực chuẩn bị, tăng sức hấp dẫn các điểm đến di sản CVĐC nổi tiếng để được đón khách quý chu đáo, tận tình; xây dựng hình ảnh, ấn tượng tốt đẹp về vùng đất “xứ sở thần tiên”. Phó Chủ tịch UBND huyện Trùng Khánh Chu Thị Vinh cho biết: Trùng Khánh có điểm di sản CVĐC nổi tiếng thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao dự kiến sẽ thu hút nhiều đại biểu, du khách quý lựa chọn đến trải nghiệm khi tham gia hội nghị. Do đó, UBND huyện xây dựng kế hoạch chỉ đạo các cơ quan chức năng, địa phương có điểm di sản tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân để nâng cao tinh thần tự hào, trách nhiệm tham gia các nhiệm vụ, hoạt động diễn ra trong chuỗi trải nghiệm của đại biểu, khách quý.

Đội văn nghệ hát Then - đàn tính làng đá Khuổi Ky và các nghệ nhân xã Đàm Thủy (Trùng Khánh) luyện tập văn nghệ.

Đội văn nghệ hát Then - đàn tính làng đá Khuổi Ky và các nghệ nhân xã Đàm Thủy (Trùng Khánh) luyện tập văn nghệ.

Tăng cường phối hợp với đơn vị giữ gìn vệ sinh môi trường, an ninh, bảo vệ cảnh quan các tuyến đường vào khu vực thăm quan thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, làng đá Khuổi Ky… Xây dựng đội văn nghệ quần chúng với sự tham gia của các nghệ nhân sưu tầm, luyện tập các tiết mục văn nghệ dân gian đặc sắc dân tộc Tày, Nùng để đón khách. Tuyên tuyền cho hộ cá thể, hợp tác xã, công ty hoạt động dịch vụ du lịch chỉnh trang lại cơ sở kinh doanh, khách sạn, nhà hàng… Treo cờ Tổ quốc, cờ Đảng, cờ hội nghị vào các ngày diễn ra hội nghị; chủ động làm mới các sản phẩm du lịch, ẩm thực từ sản vật đặc sản địa phương như hạt dẻ, cốm hạt dẻ, cốm nếp Ong, các món ăn, bánh từ gạo nếp Ong, thạch trắng mác púp, vịt quay… Tuyên truyền, tập huấn cho các nhà hàng, khách sạn, dịch vụ, người dân tiếp đón đại biểu tận tình, chu đáo, thân thiện, xây dựng hình ảnh đẹp, ấn tượng sâu sắc với khách quý như tên gọi “xứ sở thần tiên”.

Theo Giám đốc Công ty cổ phần thương mại, dịch vụ và du lịch Bản Giốc - Quây Sơn Trương Thị Minh Hậu, chủ khách sạn Bản Giốc, xã Đàm Thủy (Trùng Khánh), tháng 8/2024, tôi tham gia lớp tập huấn lễ tân đón khách nước ngoài để chuẩn bị cho các hoạt động đón khách đến dự Hội nghị. Đây là cơ hội cho Công ty tôi được đón đại biểu quốc tế đến nghỉ và sử dụng dịch vụ của Khách sạn. Vì vậy, sau khi được các ban, ngành của tỉnh, huyện thông tin, mời tập huấn, tôi chỉnh trang lại các khu cảnh quan, phòng nghỉ của khách sạn; sưu tầm, nghiên cứu nhiều món ăn ẩm thực đặc sắc của Trùng Khánh để có ẩm thực hấp dẫn, đặc sắc tiếp đãi khách chu đáo. Đồng thời, truyền đạt, yêu cầu toàn bộ nhân viên trong khách sạn về kiến thức, kỹ năng lễ tân để đón khách tận tình, chu đáo, thân thiện để mỗi đại biểu quốc tế, khách quý đến đây có ấn tượng tốt đẹp, sâu sắc về đất và người Cao Bằng.

Trường Hà

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/tuyen-trai-nghiem-van-hoa-ban-dia-o-xu-so-than-tien-3171541.html