Tuyến tránh Chư Sê sụt lún, chủ đầu tư nói gì?
Chủ đầu tư chính thức có thông tin về tình trạng sụt lún tại tuyến tránh Chư Sê, tỉnh Gia Lai...
Huy động hội đồng chuyên gia đánh giá hiện trạng sụt lún
Ban QLDA 6 (Bộ GTVT) vừa phát đi thông tin về việc khắc phục hư hỏng sụt, lún nền mặt đường đoạn Km10+200 - Km10+330 thuộc dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh Chư Sê, tỉnh Gia Lai.
Đại diện Ban QLDA 6 cho biết, dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh Chư Sê, tỉnh Gia Lai có chiều dài 10,82km, điểm đầu tại Km0+000 (giao tại Km1.627+700 - QL14), điểm cuối tại Km10+821.29 (giao tại Km1.637+450 - QL14). Dự án có tổng mức đầu tư 248,92 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn dư của dự án nâng cấp, mở rộng QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên.
Dự án được khởi công xây dựng từ tháng 5/2018, đến nay đã cơ bản hoàn thành, đang trong thời gian chờ nghiệm thu đưa vào khai thác. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, khu vực Tây Nguyên xảy ra mưa lớn, đặc biệt tập trung từ ngày 23/8 đến ngày 3/9/2019 do ảnh hưởng của cơn bão số 3 và số 4 gây thiệt hại, hư hỏng khoảng 130m dài đường, đoạn lý trình Km10+200 - Km10+330 thuộc gói thầu xây lắp số 10 do Công ty CP 471 thực hiện.
Theo Ban QLDA 6, ngay khi xảy ra tình trạng hư hỏng sụt lún, nền mặt đường, Ban QLDA 6 đã có công điện gửi các cơ quan, đơn vị liên quan để tổ chức phối hợp triển khai thực hiện công tác đảm bảo an toàn giao thông cho người và các phương tiện, đồng thời huy động gấp hội đồng chuyên gia, lực lượng cán bộ có trách nhiệm đến ngay hiện trường để kiểm tra, xem xét đánh giá hiện trạng, nguyên nhân để đưa ra giải pháp khắc phục.
“Ngay trong ngày 4/9, hội đồng chuyên gia, lực lượng cán bộ có trách nhiệm, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát và nhà thầu thi công Công ty CP 471 đã có mặt trên hiện trường để tổ chức thực hiện những công việc cần thiết”, đại diện Ban QLDA 6 thông tin.
Về hiện trạng, đại diện Ban QLDA 6 cho biết, đoạn tuyến từ Km10+200 - Km10+330 trên phạm vi chiều dài khoảng 130m xảy ra hiện tượng sụt lún nền mặt đường theo phương thẳng đứng. Bề rộng vết nứt rộng nhất khoảng 20cm, đặc biệt đoạn Km10+260 - Km10+300 cao độ mặt đường bị lún sụt theo phương thẳng đứng khoảng 60 - 80cm. Không có hiện tượng đẩy trồi sang hai bên hông phạm vi phía chân mái taluy.
Cử cán bộ túc trực trên hiện trường 24/24 để đảm bảo ATGT
“Ngay sau khi xảy ra sụt lún, ngày 3/9, Ban QLDA 6 đã phối hợp với Công ty QLSC đường bộ Gia Lai huy động lực lượng đến hiện trường để thực hiện công tác đảm bảo ATGT khu vực. Ban QLDA 6 đã chỉ đạo, yêu cầu tư vấn giám sát, nhà thầu thi công cử cán bộ túc trực trên hiện trường 24/24 để đảm bảo ATGT”, Ban QLDA 6 thông tin và cho biết, đoạn tuyến từ nút giao QL25 (Km9+00) đến điểm cuối dự án (Km10+821, nút giao QL14) dài khoảng 1,8 km đã được đóng cứng bằng dải phân cách và bố trí biển cấm các phương tiện. Còn lại, đoạn từ đầu dự án Km0+00, tại nút giao QL14 (lý trình Km1627+700 đường HCM) đến Km9+00 (giao với QL25) các phương tiện giao thông vẫn tham gia lưu thông đảm bảo khai thác.
Cũng theo Ban QLDA 6, để có giải pháp xử lý triệt để nhằm đảm bảo ổn định, bền vững công trình, Ban QLDA 6 đã yêu cầu đơn vị tư vấn thiết kế khẩn trương khảo sát bổ sung về địa hình, khoanh vùng bị ảnh hưởng để tiến hành khoan khảo sát địa chất và tính toán thủy văn khu vực bị ảnh hưởng nhằm đánh giá chính xác các nguyên nhân gây ra sụt lún, cũng như đánh giá chất lượng thi công đất đắp nền đường (tiến độ yêu cầu hoàn thành trước ngày 18/9/2019). Sau khi có báo cáo kết quả khảo sát bổ sung của đơn vị tư vấn thiết kế, Ban QLDA 6 sẽ báo cáo Bộ GTVT xem xét, chấp thuận giải pháp xử lý cụ thể.
Về chất lượng dự án, đại diện Ban QLDA 6 khẳng định, hiện nay trên toàn tuyến, qua kiểm tra tổng thể về chất lượng nền mặt đường công trình ngoại trừ 130m sụt lún nêu trên, các phạm vi còn lại trên dự án vẫn ổn định đảm bảo yêu cầu.