Tuyên truyền cho hơn 23.000 đại biểu tại TP Hồ Chí Minh về hai luật mới

Ngày 8/8, Thành ủy TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị trực tiếp và trực tuyến tuyên truyền Luật Căn cước và Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự (ANTT) ở cơ sở.

Tham dự có lãnh đạo Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh và hơn 23.000 đại biểu tại 391 điểm cầu thuộc Thành ủy TP Thủ Đức và các quận ủy, huyện ủy; các đảng ủy cấp trên cơ sở trực thuộc Thành ủy; các sở, ban, ngành thành phố.

Tại hội nghị, Thiếu tướng Trần Đức Tài, Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, Luật Căn cước có hiệu lực từ ngày 1/7, gồm 7 chương 46 điều. Trong đó, Luật quy định về giải thích từ ngữ để làm rõ một số thuật ngữ liên quan đến công tác quản lý nhà nước về căn cước như sinh trắc học; người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam...

Thiếu tướng Trần Đức Tài, Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh thông tin về Luật Căn cước.

Thiếu tướng Trần Đức Tài, Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh thông tin về Luật Căn cước.

“Luật sửa đổi, bổ sung theo hướng lược bỏ vân tay và sửa đổi quy định về thông tin số căn cước, dòng chữ “căn cước công dân, quê quán, nơi thường trú, chữ ký của người cấp thẻ” thành “số định danh cá nhân, căn cước, nơi đăng ký khai sinh, nơi cư trú trên thẻ căn cước...”, Thiếu tướng Trần Đức Tài cho hay và khẳng định việc thay đổi như trên để tạo thuận lợi hơn cho người dân trong quá trình sử dụng căn cước, hạn chế việc phải cấp đổi căn cước và bảo đảm tính riêng tư của người dân.

Luật cũng quy định về quản lý, cấp căn cước cho người dưới 14 tuổi để đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng cũng như thực hiện Chính phủ số, xã hội số. Việc cấp căn cước cho người dưới 14 tuổi sẽ thực hiện theo nhu cầu, còn với người từ đủ 14 tuổi trở lên là bắt buộc.

Hội nghị có sự tham dự của hơn 23.000 đại biểu tại 391 điểm cầu.

Hội nghị có sự tham dự của hơn 23.000 đại biểu tại 391 điểm cầu.

Một điểm mới của Luật là quy định cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch. “Việc này nhằm đảm bảo quyền, lợi ích của người gốc Việt chưa xác định quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam, đồng thời phục vụ tốt hơn công tác quản lý nhà nước về dân cư”, Thiếu tướng Trần Đức Tài nhấn mạnh.

Theo Thiếu tướng Trần Đức Tài, Luật Căn cước còn quy định về việc tích hợp một số thông tin có tính ổn định, được sử dụng thường xuyên của người dân ngoài thông tin về căn cước vào thẻ, có giá trị tương đương như việc cung cấp thông tin hoặc sử dụng các giấy tờ có chứa thông tin đó trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công và giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại khác, giúp giảm giấy tờ cho người dân, tạo thuận lợi trong thực hiện giao dịch dân sự, thực hiện chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính…

Đối với Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, Đại tá Nguyễn Đình Dương, Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, Luật này có hiệu lực từ ngày 1/7, gồm 5 Chương 33 Điều, quy định chung về từ ngữ, vai trò, chức năng, nguyên tắc hoạt động, quan hệ công tác, nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở; xây dựng lực lượng, đảm bảo điều kiện hoạt động cho lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong thi hành Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.

Đại tá Nguyễn Đình Dương, Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh, thông tin về Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.

Đại tá Nguyễn Đình Dương, Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh, thông tin về Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.

Luật đã quy định 6 nhóm nhiệm vụ cơ bản của lực lượng này từ Điều 7 đến Điều 12 cụ thể, hỗ trợ nắm tình hình về ANTT; hỗ trợ xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; hỗ trợ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; hỗ trợ quản lý hành chính về trật tự xã hội; hỗ trợ vận động, giáo dục người đã có hành vi vi phạm pháp luật đang cư trú tại cơ sở; hỗ trợ tuần tra bảo đảm ANTT, an toàn giao thông; thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT khi được điều động.

Theo Đại tá Nguyễn Đình Dương, lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở làm việc theo chế độ thường trực bảo đảm 24/24 giờ. Ban ngày tại điểm làm việc của Tổ bảo vệ ANTT để xử lý công việc; ban đêm ứng trực, tổ chức tuần tra canh gác; Công an cấp xã có trách nhiệm phân công ca làm việc của Tổ bảo vệ ANTT hợp lý, đảm bảo yêu cầu đảm bảo ANTT và sức khỏe của thành viên Tổ bảo vệ ANTT.

Trong thời gian tới, thành phố tiếp tục phấn đấu đến năm 2025, hoàn thành Đề án của HĐND TP Hồ Chí Minh, bố trí đủ 4.861 Tổ bảo vệ ANTT với 15.031 thành viên, đảm bảo kinh phí hoạt động, nơi làm việc, trang thiết bị, phương tiện đáp ứng yêu cầu công tác.

Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thọ Truyền, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh đề nghị các cấp ủy trực thuộc Thành ủy; Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố; đội ngũ báo cáo viên các cấp và tuyên truyền viên cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và nhân dân thành phố hiểu đúng, đầy đủ về 2 Luật kể trên.

Phú Lữ

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/tuyen-truyen-cho-hon-23-000-dai-bieu-tai-tp-ho-chi-minh-ve-hai-luat-moi-i739901/