Tuyên truyền pháp luật cho hơn 800 học sinh thông qua phiên tòa giả định

Phiên tòa giả định tuyên truyền pháp luật về bạo lực học đường do VKSND TP Từ Sơn (Bắc Ninh) thu hút các thầy, cô giáo và hơn 800 học sinh trường Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp (GDNN)- Giáo dục thường xuyên (GDTX) TP Từ Sơn tham dự.

Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11), VKSND TP Từ Sơn vừa phối hợp với Ban chỉ huy quân sự TP Từ Sơn và Thành Đoàn TP Từ Sơn tổ chức Phiên tòa giả định xét xử vụ án hình sự phạm tội “Cố ý gây thương tích” với mục đích tuyên truyền pháp luật về bạo lực học đường và tư vấn tuyển sinh quân sự năm 2025 cho học sinh, đoàn viên, thanh niên tại Trung tâm GDNN- GDTX thành phố Từ Sơn.

Đồng chí Lưu Hồng Anh, Viện trưởng VKSND TP Từ Sơn phát biểu khai mạc tại phiên tòa giả định.

Đồng chí Lưu Hồng Anh, Viện trưởng VKSND TP Từ Sơn phát biểu khai mạc tại phiên tòa giả định.

Đây được xem là một trong những hình thức tuyên truyền pháp luật hiệu quả giúp các đoàn viên, các em học sinh cùng những người tham dự nhận thức rõ hành vi sai phạm ảnh hưởng đến xã hội, ý thức trách nhiệm của bản thân công dân của kỷ nguyên số, góp phần nâng cao ý thức pháp luật, nhằm hạn chế các vụ đánh nhau gây thương tích, làm nhục người khác ở lứa tuổi học đường.

Tham dự phiên tòa giả định có đồng chí Lưu Hồng Anh – Thành ủy viên, Viện trưởng VKSND TP Từ Sơn; đồng chí Đỗ Thị Kim Đức – Phó Trưởng phòng Tư pháp TP Từ Sơn; đồng chí Nguyễn Trường Thành – Bí thư Thành đoàn Từ Sơn; đồng chí Đỗ Vượng – Bí thư Đảng ủy phường Đông Ngàn; đồng chí Vũ Chí Nghiêm – Chủ tịch UBND phường Đông Ngàn; đồng chí Tạ Đình Đạo – Trưởng Đài phát thanh TP Từ Sơn; đồng chí Trần Văn Tùng – Giám đốc Trung tâm GDNN- GDTX TP Từ Sơn, cùng toàn thể các thầy, cô giáo và hơn 800 các em học sinh trường Trung tâm GDNN- GDTX TP Từ Sơn.

 Kiểm sát viên thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa giả định.

Kiểm sát viên thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa giả định.

Tình huống giả định xoay quanh về việc các nữ sinh trong trường có mâu thuẫn về tình cảm nên đã ghen tức, nhiều lần gây sự, xô xát, thách thức đánh nhau để dằn mặt. Khi xảy ra mâu thuẫn, các nữ sinh hẹn đánh nhau có sử dụng hung khí gây tổn thương cho người khác. Ngoài ra, các bạn học sinh khác trong trường thấy hai bạn đánh nhau, xé áo nhưng không can ngăn mà cười nhạo và lấy điện thoại di động ra quay video, phát livestream trên mạng xã hội Facebook.

Trên cơ sở tính chất, mức độ vi phạm và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, Hội đồng xét xử đã tuyên bị cáo 36 tháng tù. Đây là mức án thể hiện sự nghiêm khắc của pháp luật, có tính giáo dục riêng đối với bị cáo và phòng ngừa chung các hành vi vi phạm pháp luật đối với các đoàn viên, các em học sinh tham dự phiên tòa.

 Hơn 800 học sinh tham dự.

Hơn 800 học sinh tham dự.

Các tình tiết trong vụ án đã thực sự lôi cuốn các em học sinh và giáo viên nhà trường, nội dung vụ án sát với thực tế, xoay quanh mâu thuẫn thường xuất hiện trong học sinh hiện nay. Bên cạnh việc tổ chức phiên tòa giả định, Ban Tổ chức đã lồng ghép kiến thức về pháp luật vào việc giao lưu dưới dạng trả lời câu hỏi về kiến thức pháp luật liên quan đến tình huống vụ án và biện pháp phòng chống bạo lực học đường.

 Lãnh đạo, Kiểm sát viên VKSND TP Từ Sơn tuyên truyền, giải đáp pháp luật với học sinh Trung tâm GDNN – GDTX TP Từ Sơn.

Lãnh đạo, Kiểm sát viên VKSND TP Từ Sơn tuyên truyền, giải đáp pháp luật với học sinh Trung tâm GDNN – GDTX TP Từ Sơn.

Phần giao lưu, giải đáp câu hỏi của Kiểm sát viên nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các em học sinh, góp phần tăng tính tương tác và hiệu quả của buổi tuyên truyền. Thông qua chương trình, hình ảnh, vai trò và chức năng của ngành Kiểm sát được các em học sinh hiểu biết đến nhiều hơn.

Tuy đây chỉ là phiên tòa giả định, nhưng là bài học không chỉ cho các em học sinh mà còn cho phụ huynh, thầy, cô giáo, trong việc quan tâm, sâu sát hơn nữa đối với con em, học sinh của mình.

 Học sinh đặt câu hỏi với lãnh đạo, Kiểm sát viên trong phần giao lưu.

Học sinh đặt câu hỏi với lãnh đạo, Kiểm sát viên trong phần giao lưu.

Phiên tòa giả định là hoạt động thiết thực giúp cho mỗi học sinh, đoàn viên, thanh niên có thêm kiến thức pháp luật, kỹ năng ứng xử và cách sử dụng mạng xã hội phù hợp với lứa tuổi... đặc biệt là tầng lớp thanh, thiếu niên hiện nay, đồng thời, cũng cảnh báo những hậu quả nghiêm khắc khi các em cố tình vi phạm, có thể bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính, thậm chí có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.

Với tinh thần trách nhiệm và sự phối hợp tốt trong công tác chuẩn bị, tổ chức, phiên tòa giả định đã diễn ra thành công, nhận được sự đánh giá cao, góp phần giúp nhà trường, cấp ủy, chính quyền địa phương, Thành đoàn Từ Sơn thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật cho đoàn viên, thanh niên trên địa bàn, nhất là đối với học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, nâng cao ý thức pháp luật, giáo dục lối sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.

Việc tổ chức phiên tòa ngoài việc mang ý nghĩa giáo dục pháp luật, VKSND TP Từ Sơn còn làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền pháp luật của Ngành, hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam 9/11/2024.

 Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

VKSND TP Từ Sơn tuyên truyền kiến thức pháp luật về bạo lực học đường thông qua việc giao lưu dưới dạng tổ chức phiên tòa giả định và trả lời câu hỏi về kiến thức pháp luật là biện pháp phòng, chống bạo lực học đường, có hiệu quả và định hướng cho học sinh, đoàn viên, thanh niên tại Trung tâm GDNN – GDTX TP Từ Sơn.

Đặng Thị Quỳnh Trang

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/cai-cach-tu-phap/thuc-tien-kinh-nghiem/tuyen-truyen-phap-luat-cho-hon-800-hoc-sinh-thong-qua-phien-toa-gia-dinh-167328.html