Tuyên truyền pháp luật cho phụ nữ: Hình thức phong phú, nội dung thiết thực
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho phụ nữ, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã quan tâm tổ chức bằng nhiều hình thức phong phú và nội dung thiết thực. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong cộng đồng nói chung, hội viên phụ nữ nói riêng.
Bà Trương Thị Hảo, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Xác định công tác tuyên truyền, PBGDPL là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm giúp hội viên, phụ nữ nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, hằng năm Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện và quán triệt triển khai đến các cấp hội phụ nữ trong tỉnh. Đồng thời, chỉ đạo các cấp hội phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền địa phương phổ biến và tuyên truyền kịp thời các văn bản pháp luật mới ban hành, các chính sách liên quan trực tiếp đến phụ nữ và trẻ em tới hội viên.
Quá trình phối hợp tổ chức tuyên truyền, PBGDPL, các cấp hội phụ nữ quan tâm lựa chọn nội dung phù hợp với điều kiện thực tế tại mỗi địa bàn để tuyên truyền đạt hiệu quả cao. Hình thức tuyên truyền được thực hiện linh hoạt, đa dạng như: thông qua hội nghị, tập huấn, sinh hoạt câu lạc bộ, tổ, nhóm; trên các phương tiện thông tin đại chúng; trên các nền tảng mạng xã hội; thông qua các cuộc thi, diễn đàn…
Tính riêng từ đầu năm 2024 tới nay, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức được trên 500 cuộc tuyên truyền, PBGDPL cho trên 65.000 người tham dự; hơn 200 tài khoản Facebook của các cấp hội thường xuyên cập nhật nội dung PBGDPL và các phong trào, hoạt động của hội... Bên cạnh đó, nhằm nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL, Hội LHPN tỉnh còn phối hợp với các đơn vị, cơ quan, ban, ngành của tỉnh để triển khai. Đơn cử năm 2024, các cấp hội trên địa bàn tỉnh phối hợp với Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tổ chức hơn 300 cuộc tuyên truyền về phong trào "Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới" cho hơn 14.000 lượt người tham dự.
Trong công tác PBGDPL, hội phụ nữ các cấp thường xuyên quan tâm đến nâng cao nhận thức cho hội viên về bình đẳng giới. Nổi bật là việc thực hiện Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, các cấp hội đã thành lập và duy trì 84 câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” ; 102 “Địa chỉ tin cậy”; 584 tổ truyền thông cộng đồng với trên 4.000 thành viên; hơn 100 nghìn mô hình "Gia đình hạnh phúc", “Phụ nữ với pháp luật”, "Truyền thông, tư vấn pháp luật"... Thông qua các mô hình câu lạc bộ, các cấp hội lồng ghép tuyên truyền, PBGDPL kịp thời đến hội viên phụ nữ, từ đó giúp lan tỏa các chính sách, pháp luật của Nhà nước đến đông đảo quần chúng nhân dân.
Cùng đó, thực hiện nội dung của Dự án 8, các cấp hội còn chú trọng tổ chức hội nghị đối thoại chính sách. Từ năm 2021 tới nay, hội LHPN các cấp đã tổ chức trên 240 hội nghị đối thoại chính sách tại các xã, cụm thôn bản ở vùng sâu, vùng xa khó khăn, biên giới của tỉnh cho trên 4.600 cán bộ, hội viên phụ nữ.
Bà Phạm Thị Thương, Chủ tịch Hội LHPN huyện Bình Gia cho biết: Đối thoại chính sách là một trong những nội dung quan trọng của Dự án 8. Từ đầu năm 2024 đến nay, Hội LHPN huyện đã tổ chức 4 hội nghị đối thoại chính sách tại các xã: Hoa Thám, Yên Lỗ, Minh Khai và Tân Hòa, với sự tham gia của gần 240 hội viên, phụ nữ. Các cuộc đối thoại diễn ra với tinh thần cởi mở, thẳng thắn, cầu thị, tôn trọng, lắng nghe, ghi nhận các ý kiến của cán bộ, hội viên, phụ nữ, tạo tâm lý thoải mái để người tham dự trình bày đầy đủ các ý kiến.Thông qua hội nghị, chúng tôi không chỉ nắm bắt được tâm tư nguyện vọng về những vấn đề liên quan đến phụ nữ, trẻ em; giải đáp, giải quyết kịp thời những vấn đề liên quan đến phụ nữ, trẻ em mà còn lồng ghép tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước…
Đặc biệt, năm 2024, Hội LHPN tỉnh bắt đầu triển khai hình thức tuyên truyền bằng phiên tòa giả định. Hai phiên tòa giả định đầu tiên do Hội LHPN tỉnh tổ chức vào tháng 9/2024 vừa qua đã thu hút được trên 600 hội viên, phụ nữ, người dân trên địa bàn huyện Cao Lộc và huyện Chi Lăng tham dự. Tại chương trình, hội viên phụ nữ và người dân được theo dõi quá trình xét xử một tình huống giả định, dựa trên một vụ án có thật liên quan đến bạo lực gia đình. Bằng hình thức sân khấu hóa sinh động, sát thực tiễn, phiên tòa giả định đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của hội viên phụ nữ trong việc phòng, chống bạo lực gia đình, xâm hại phụ nữ và trẻ em. Dự kiến trong thời gian tới, Hội LHPN tỉnh sẽ tổ chức phiên tòa giả định tại 11/11 huyện, thành phố trên địa bàn.
Chị Hà Thị Vinh, hội viên Chi hội Phụ nữ thôn Quán Bầu - Đồng Ngầu, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng chia sẻ: Đây là lần đầu tiên tôi được tham dự một phiên tòa giả định tái hiện trình tự tố tụng một phiên tòa. Chương trình có tính trực quan, phản ánh tình huống thực tế một cách sinh động nên đã giúp chúng tôi có thêm hiểu biết về pháp luật, quy định về phòng, chống bạo lực gia đình, xâm hại phụ nữ và trẻ em. Tại chương trình, chúng tôi còn được trực tiếp giao lưu, giải đáp các câu hỏi liên quan đến pháp luật từ các luật sư. Tôi mong rằng trong thời gian tới sẽ được tham dự nhiều phiên tòa giả định về pháp luật bổ ích như vậy.
Những hình thức tuyên truyền, PBGDPL đa dạng của Hội LHPN tỉnh đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho hội viên, phụ nữ và người dân, nhất là phụ nữ vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số. Tiêu biểu, trong nửa nhiệm kỳ giai đoạn 2021 - 2026, các cấp hội đã đạt được những kết quả như: có hơn 300 nghìn gia đình đạt tiêu chí “Gia đình 5 không, 3 sạch” (trong đó có tiêu chí gia đình không vi phạm pháp luật), vượt chỉ tiêu hằng năm 63%; 145/200 cơ sở hội đạt tỷ lệ thu hút, tập hợp hội viên đạt trên 60%; các cấp hội đã thực hiện đạt và vượt 100% chỉ tiêu nhiệm vụ đề ra...