Tuyên truyền pháp luật thông qua xét xử lưu động

Thời gian qua, Tòa án nhân dân huyện Bát Xát tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các phiên tòa xét xử lưu động, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về pháp luật.

Tòa án nhân dân huyện Bát Xát:

Ngày 28/6/2022, tại xã Pa Cheo, Tòa án nhân dân huyện Bát Xát tổ chức xét xử lưu động vụ án “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” đối với nhóm đối tượng gồm 6 người, do Lý A Phải, cư trú tại thôn Bản Giàng, xã Pa Cheo (Bát Xát) làm chủ mưu.

Đầu tháng 10/2021, Lý A Phải thu hoạch thảo quả trên nương của gia đình ở gần khu vực rừng tự nhiên thuộc thôn Trung Hồ, xã Phìn Ngan (Bát Xát) đã phát hiện 1 cây rừng bị đổ. Lý A Phải liền nảy sinh ý định xẻ cây lấy gỗ sửa lại nhà. Lý A Phải về rủ thêm 5 người (trong đó có 2 em ruột và 3 người khác cùng thôn) lên rừng xẻ cây gỗ trên. Đến ngày 9/11/2021, Phải cùng cả nhóm mang theo cưa máy, rìu, dụng cụ xẻ gỗ và một số vật dụng khác lên rừng. Cả nhóm thống nhất nếu Phải lấy đủ gỗ để sửa nhà, còn bao nhiêu thì những người còn lại chia nhau. Khi đang xẻ gỗ, nhóm đối tượng bị lực lượng chức năng phát hiện và mời về trụ sở UBND xã làm việc. Phải và đồng bọn đã xẻ được 59 tấm gỗ (dài 2,4 m; rộng 50 cm; dày 7 cm) với khối lượng 3,758 m3 và 2 khúc gỗ chưa xẻ tấm có khối lượng 5,438 m3.

Quá trình đấu tranh, Lý A Phải thừa nhận toàn bộ hành vi vi phạm pháp luật. Hiện trường xảy ra vụ việc đã xác định nhóm đối tượng khai thác cây gỗ mỡ thuộc Tiểu khu 101, khoảnh 1, lô 3, thuộc rừng tự nhiên, chức năng phòng hộ do UBND xã Phìn Ngan quản lý. Qua định giá tài sản, khối gỗ thu giữ có trị giá 43,5 triệu đồng.

Tòa án nhân dân huyện Bát Xát tổ chức phiên tòa xét xử lưu động tại xã Pa Cheo.

Phiên tòa xét xử lưu động diễn ra tại Nhà văn hóa xã Pa Cheo đã nhận được nhiều sự chú ý từ dư luận, người dân địa phương đến theo dõi. Xét hành vi của các bị cáo xâm phạm đến chế độ quản lý, khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản của Nhà nước, Hội đồng xét xử tuyên án bị cáo Lý A Phải 15 tháng tù giam. Các bị cáo còn lại nhận mức án từ 9 đến 12 tháng tù cho hưởng án treo.

Từ bản án của Phải và đồng bọn, nhiều người dự phiên tòa mới vỡ lẽ về hành vi trên là phạm tội, phải ngồi tù. Các đối tượng nghĩ rằng, cây trong rừng bị đổ thì có thể tự ý khai thác, mang về sử dụng. Ông Má A Páo, người dân địa phương cho biết: Không phải ai cũng biết sự việc như vậy là vi phạm pháp luật. Qua theo dõi xét xử vụ án, tôi và nhiều người nhận thức được rõ hơn quy định pháp luật, để không thực hiện hành vi trái pháp luật.

Ông Má A Chúng, Chủ tịch UBND xã Pa Cheo cho biết: Tổng diện tích rừng của xã hiện là 1.400 ha, trong đó có hơn 300 ha rừng tự nhiên. Cộng đồng dân cư tại địa phương cơ bản sống ngoài bìa rừng. Nhiều người dân chưa nhận thức rõ trách nhiệm trong việc bảo vệ rừng, còn tình trạng tự ý khai thác gỗ, củi trên rừng tự nhiên… Khi lên rừng, nhiều người cầm theo các vật dụng như bật lửa, diêm và hút thuốc lá, tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến cháy rừng vào mùa hanh khô, nắng nóng. Qua bản án, mặc dù số lượng và giá trị gỗ bị khai thác không lớn, nhưng khá nghiêm trọng do đây là khu vực rừng phòng hộ, được Nhà nước giao quản lý, bảo vệ và nghiêm cấm mọi hành vi khai thác trái pháp luật.

Thời gian qua, Tòa án nhân dân huyện Bát Xát đã mở thêm 3 phiên tòa xét xử lưu động về mua, bán, tàng trữ và sử dụng trái phép ma túy. Mỗi vụ việc có tính chất khác nhau, nhưng có sự tham gia của phụ nữ, trẻ vị thành niên. Đây cũng là vấn đề xuất phát từ thực tế tại Bát Xát, nhất là các địa phương vùng cao vẫn còn một số người dân chưa chấp hành nghiêm pháp luật phòng, chống ma túy, còn tiếp tay cho kẻ gieo “cái chết trắng” và nhiều hệ lụy khác trong đời sống xã hội.

Xác định tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động xét xử là nhiệm vụ quan trọng, Tòa án nhân dân huyện Bát Xát đã triển khai các phiên tòa xét xử lưu động nhằm tăng hiệu quả tuyên truyền pháp luật tới người dân, nhất là khu vực vùng cao, biên giới. Bà Phạm Thị Thu Hằng, Chánh án Tòa án nhân dân huyện Bát Xát cho biết: Với địa phương còn nhiều khó khăn như Bát Xát, đưa các vụ việc được dư luận xã hội quan tâm ra xét xử lưu động đã tạo được hiệu quả trong công tác tuyên truyền pháp luật.

Thời gian tới, Tòa án nhân dân huyện Bát Xát sẽ tổ chức các phiên xét xử lưu động liên quan đến hôn nhân và gia đình; tổ chức phiên tòa giả định tại các địa phương, trong trường học về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, đây là vấn đề đang nhức nhối tại các xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Bát Xát.

Chánh án Phạm Thị Thu Hằng cho biết thêm: Tòa án nhân dân huyện Bát Xát sẽ tăng cường đưa một số vụ án điểm xét xử lưu động tại chính địa bàn xảy ra phạm tội hoặc tranh chấp, vừa tuyên truyền, giáo dục pháp luật, vừa có tác dụng đấu tranh chống các luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc và nâng cao tinh thần cảnh giác trong Nhân dân.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/360220-tuyen-truyen-phap-luat-thong-qua-xet-xu-luu-dong