Tuyên truyền pháp luật trong trường học: Đa dạng nội dung, đổi mới hình thức

Thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trong trường học được ngành giáo dục và đào tạo (GDĐT) tỉnh chú trọng thực hiện với nhiều hình thức, nội dung đa dạng, đổi mới. Trong đó, các trường chú trọng tuyên truyền trực quan, sinh động, lựa chọn nội dung gần gũi, sát thực tế, phù hợp với học sinh.

Tháng 11/2023, Trường THPT Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn được Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam lựa chọn là địa điểm tổ chức cuộc thi “Trường học không ma túy”. Cuộc thi được tổ chức dưới dạng gameshow truyền hình, các đội thi tham gia 3 phần gồm: trắc nghiệm, hùng biện và tài năng.

Học sinh lớp 11A4, Trường THPT Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn tìm hiểu pháp luật trong giờ học Giáo dục Kinh tế và Pháp luật

Học sinh lớp 11A4, Trường THPT Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn tìm hiểu pháp luật trong giờ học Giáo dục Kinh tế và Pháp luật

Bà Nông Thủy Kiều, Phó hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Văn Thụ nhấn mạnh: Cuộc thi là hình thức PBGDPL rất bổ ích và thiết thực với học sinh. Qua cuộc thi các em hiểu rõ hơn về ma túy và tác hại của ma túy, từ đó chủ động phòng ngừa, tránh xa ma túy và tuyên truyền lan tỏa tới người thân, gia đình và toàn xã hội. Chúng tôi luôn chú trọng công tác PBGDPL cho học sinh thông qua giờ học trên lớp, các hoạt động ngoại khóa. Mỗi tháng nhà trường tuyên truyền ít nhất 1 văn bản pháp luật vào tiết chào cờ thứ hai hằng tuần. Qua tuyên truyền giúp học sinh nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, góp phần nâng cao kết quả học tập, rèn luyện. Từ năm 2023 đến nay, trường không có trường hợp giáo viên, học sinh vi phạm pháp luật.

Nhận thấy phiên tòa giả định là hình thức PBGDPL trực quan, sinh động, tạo hứng thú cho học sinh, sinh viên, những năm gần đây các trường học phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường tổ chức phiên tòa giả định. Riêng từ năm 2023 đến nay, toàn tỉnh tổ chức được 11 phiên tòa giả định tại các trường học trên địa bàn tỉnh. Đơn cử tháng 3/2024, Huyện đoàn Chi Lăng, các cơ quan khối nội chính của huyện phối hợp với Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS &THPT huyện Chi Lăng tổ chức phiên tòa giả định và tuyên truyền, phổ biến pháp luật phòng chống tệ nạn xã hội, ma túy, phòng cháy chữa cháy, với hơn 300 học sinh tham dự. Phiên tòa giả định được thể hiện dưới hình thức sân khấu hóa, kịch bản xây dựng trên tư liệu của một vụ án có thật, liên quan đến tội phạm xâm phạm tình dục trẻ em, với các điều luật được áp dụng trong tình huống giống như phiên tòa thật. Em Lường Thị Ngọc, lớp 11A, học sinh nhà trường chia sẻ: Lần đầu tiên em được tham dự một phiên tòa giả định. Qua theo dõi phiên tòa, tham gia giao lưu trả lời các câu hỏi liên quan đến phiên tòa, nghe tuyên truyền về phòng cháy chữa cháy, xem video về an toàn giao thông, chúng em dễ hiểu hơn các quy định của pháp luật. Đồng thời rút ra bài học cho bản thân thực hiện tốt các quy định của pháp luật, tránh xa tệ nạn xã hội.

Trên đây chỉ là hai ví dụ cụ thể về hình thức PBGDPL trong các trường học. Hiện nay toàn tỉnh có 660 trường học, trên 209.000 học sinh và hơn 20.000 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Từ năm 2023 đến nay, theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, toàn ngành GDĐT tổ chức, phối hợp tổ chức được trên 3.000 cuộc PBGDPL cho trên 1 triệu lượt học sinh, sinh viên, cán bộ, giáo viên, nhân viên tham dự với nội dung đa dạng, phù hợp với nhu cầu của học sinh, sinh viên như: chăm sóc, bảo vệ trẻ em; giao thông đường bộ; phòng chống ma túy, mua bán người, tệ nạn xã hội…

Nổi bật các nhà trường chủ động phối hợp với các ngành chức năng, lựa chọn hình thức tuyên truyền phù hợp với từng cấp học, thay vì tuyên truyền một chiều, triển khai văn bản, các trường đổi mới, tăng cường cho học sinh trải nghiệm, thực hành, phát huy tính chủ động tìm hiểu, học tập pháp luật. Hiện nay hình thức PBGDPL trong nhà trường sáng tạo, đổi mới hơn khi học sinh vừa được lồng ghép tuyên truyền pháp luật trong giờ học chính khóa; vừa nghe, xem video; ngoại khóa thực hành trải nghiệm; sân khấu hóa, phiên tòa giả định, giao lưu, tọa đàm, cuộc thi tìm hiểu về pháp luật, vẽ tranh chủ đề pháp luật…

Ông Hoàng Văn Hưng, Chánh Thanh tra Sở GDĐT khẳng định: Xác định tầm quan trọng của công tác PBGDPL trong trường học, chúng tôi đã tham mưu lãnh đạo sở chỉ đạo các đơn vị, cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh triển khai nghiêm túc, kịp thời, thường xuyên và bám sát các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp về công tác PBGDPL. Từ đó các nhà trường triển khai PBGDPL trong các hoạt động giáo dục chính khóa và ngoài giờ lên lớp; khai thác tủ sách pháp luật; thông qua việc hưởng ứng, tham gia các cuộc thi trực tiếp, trực tuyến về tìm hiểu pháp luật do các cơ quan, tổ chức phát động, triển khai; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL. Nhờ thực hiện tốt công tác PBGDPL góp phần hình thành ý thức, thói quen “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” cho các em ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Bằng hình thức đa dạng, đổi mới, công tác PBGDPL trong trường học ngày càng nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu của học sinh, sinh viên. Qua đó góp phần nâng cao ý thức học tập, rèn luyện, giáo dục đạo đức, ý thức chấp hành pháp luật của học sinh, phòng ngừa, ngăn chặn các tệ nạn xã hội xâm nhập vào học đường. Đơn cử năm học 2022 – 2023, 100% trường học xây dựng trường học hạnh phúc (trong đó có tiêu chuẩn môi trường giáo dục an toàn không có bạo lực học đường, vi phạm pháp luật), 98,95% trường học hạnh phúc xếp loại khá, tốt; tỷ lệ bình quân học sinh cấp THCS, THPT đạt hạnh kiểm khá, tốt đạt trên 90%; tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2023 đạt 98,24% (tăng 0,29% so với năm 2022).

DƯƠNG DUYÊN

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/tuyen-truyen-phap-luat-trong-truong-hoc-da-dang-noi-dung-doi-moi-hinh-thuc-5005969.html