Tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia

Thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền xã Nậm Khao, huyện Mường Tè đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh công tác truyền thông, thông tin về các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), huy động sự vào cuộc cả hệ thống chính trị và toàn xã, sự đoàn kết, đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và nhân dân các dân tộc thực hiện hiệu quả mục tiêu các chương trình đã đề ra.

Xã Nậm Khao có 10.780,41ha diện tích tự nhiên, có 4 bản với 430 hộ, 1.741 khẩu, gồm có 2 dân tộc anh em cùng sinh sống (Cống và La Hủ). Ngay từ đầu năm 2021, để triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025, xã đã tích cực rà soát đối tượng thụ hưởng, giải quyết tình trạng thiếu nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho nhân dân. Đến nay, một số Dự án thuộc Chương trình cơ bản đã được triển khai kịp thời theo kế hoạch và bảo đảm công khai, minh bạch, đúng mục đích, đúng đối tượng; tạo điều kiện trực tiếp cho đồng bào DTTS ở các khu vực khó khăn có điều kiện phấn đấu vươn lên phát triển sản xuất và ổn định cuộc sống, góp phần tích cực cho công tác xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Đến nay, thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 25 triệu đồng; có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa; 4/4 bản có đường ô tô cứng hóa từ xã đến bản; 100% trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố: 99% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; 90% đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh…

Người dân xã Nậm Khao (huyện Mường Tè) chăm sóc đàn gia cầm.

Người dân xã Nậm Khao (huyện Mường Tè) chăm sóc đàn gia cầm.

Bên cạnh những thuận lợi đã đạt được xã cũng gặp không ít khó khăn như: Nội dung của Chương trình đầu tư tổng thể, các dự án, tiểu dự án đa dạng về nội dung, hình thức triển khai; một số nội dung lần đầu tiên thực hiện dẫn tới sự lúng túng, chậm trễ trong việc tổng hợp, xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện. Một bộ phận người dân có nhận thức chưa cao, tập quán sản xuất còn lạc hậu, phụ thuộc nhiều vào thời tiết, khí hậu, chưa áp dụng những tiến bộ khoa học vào sản xuất.

Để triển khai, thực hiện có hiệu quả các Chương trình Mục tiêu quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi trong những năm tiếp theo xã cần thực hiện một số giải pháp sau: Quán triệt, triển khai nghiêm túc, kịp thời các chủ trương, chính sách, nghị quyết, chương trình của Trung ương của tỉnh, huyện về giảm nghèo; cụ thể hóa thành chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã các nghị quyết, chương trình hành động, kế hoạch công tác toàn khóa và hàng năm của Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân xã để lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Hàng năm ban hành kế hoạch giảm nghèo, thực hiện truyên truyền về các Chương trình MTQG tại 4/4 bản đã thu hút đông đảo nhân nhân tham gia.

Tích cực tuyên truyền, vận động, thuyết phục, tạo sự thay đổi căn bản về nhận thức và thống nhất trong hành động của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về công tác giảm nghèo. Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội cùng chung sức thực hiện các chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới với các phong trào thi đua sâu rộng, lan tỏa trong toàn xã như: Hưởng ứng phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thông mới, đô thị văn minh”… Đặc biệt chú trọng phát huy vai trò chủ thể của người dân trong việc chủ động đóng góp công sức, trí tuệ, nỗ lực phấn đấu vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”, đưa việc thực hiện giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới trở thành nhu cầu, là khát vọng của các tầng lớp nhân dân.

Triển khai hiệu quả các biện pháp hỗ trợ sinh kế cho các hộ nghèo, cận nghèo thông qua việc thực hiện lồng ghép chương trình giảm nghèo với chương trình xây dựng nông thôn mới và các chương trình hỗ trợ có mục tiêu khác, thực hiện các chính sách, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển kinh tế, giảm nghèo theo hướng tích hợp, đồng bộ với các chính sách của Nhà Nước và phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương để phát huy tiềm năng, lợi thế và các yếu tố đặc thù của từng địa bàn, khu vực trong xã. Phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện hỗ trợ vật tư nông nghiệp, vận động ứng dụng một số tiến bộ khoa học kỹ thuật, xóa bỏ tập quán, thói quen canh tác lạc hậu, nâng cao chất lượng giá trị của sản phẩm, từng bước phát triển các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa tập trung theo chuỗi giá trị gồm các sản phẩm chủ lực, đặc sản, OCOP.

Chăm lo phát triển toàn diện Văn hóa - xã hội, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Bảo đảm chính sách an sinh xã hội, tích cực rà soát, kiến nghị hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo. Chú trọng làm tốt công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn để mở rộng sinh kế. Huy động, lồng ghép, sử dụng hiệu quả và phát huy tối đa các nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo...

T.C

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/%C4%91%E1%BB%9Di%20s%E1%BB%91ng/tuy%C3%AAn-truy%E1%BB%81n-v%E1%BA%ADn-%C4%91%E1%BB%99ng-nh%C3%A2n-d%C3%A2n-th%E1%BB%B1c-hi%E1%BB%87n-c%C3%A1c-ch%C6%B0%C6%A1ng-tr%C3%ACnh-m%E1%BB%A5c-ti%C3%AAu-qu%E1%BB%91c-gia