TUYỂN VÀ THI TUYỂN CÁN BỘ

Cuối năm 2017, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Tổ chức Trung ương là cơ quan đầu tiên trong số 14 ban, bộ, ngành Trung ương tổ chức thi tuyển cán bộ lãnh đạo cấp vụ. Quá trình chuẩn bị và thi tuyển được tiến hành kỹ lưỡng, chặt chẽ, bảo đảm công tâm, khách quan, bám sát hướng dẫn của Bộ Nội vụ.

3 ứng viên xuất sắc nhất được trao quyết định bổ nhiệm ngay sau khi trúng tuyển. Tiếp nối thành công đó, lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương ban hành kế hoạch thi tuyển các chức danh trưởng phòng. Qua hai cuộc thi, lãnh đạo ban có thêm căn cứ lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ xứng đáng với vị trí lãnh đạo, quản lý cần bổ nhiệm.

Cùng với Ban Tổ chức Trung ương, 13 cơ quan Trung ương và 22 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được chọn thực hiện thí điểm đổi mới phương thức tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, sở, phòng thông qua hình thức thi tuyển. Tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Đề án “Thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng” do Bộ Nội vụ và Ban Tổ chức Trung ương tổ chức cuối tháng 4 vừa qua, đại diện các cơ quan, đơn vị, địa phương được lựa chọn thực hiện thí điểm đều cho rằng: Những người trúng tuyển, được bổ nhiệm vào vị trí cán bộ lãnh đạo, quản lý đều thực sự có đức, có tài, góp phần quan trọng làm chuyển biến mọi mặt của tổ chức, cơ quan, đơn vị do người đó lãnh đạo, quản lý. Đây là căn cứ thực tiễn xác đáng để khẳng định chủ trương nêu trên của Đảng là đúng đắn.

Thực tiễn cho thấy, ngoài hiện tượng chạy chức, chạy quyền thì tình trạng tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, trong đó có cả người nhà, người thân, người cùng “phe cánh” xảy ra ở một số nơi, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Để khắc phục những bất cập trên, Nghị quyết 26 của Hội nghị Trung ương 7, khóa XII yêu cầu tiếp tục nghiên cứu, thực hiện mở rộng việc thi tuyển để bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp vụ, sở, phòng. Nghị quyết trên nhận được sự đồng tình ủng hộ của dư luận xã hội. Bởi việc mở rộng diện quy hoạch và tổ chức thi tuyển là điều kiện để mỗi cơ quan, đơn vị có thể trọng dụng được người có đức, có tài, tận tâm cống hiến cho đất nước. Đồng thời, việc đổi mới phương thức tuyển chọn và bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý bằng cách thi tuyển cạnh tranh sẽ nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị hiện nay.

Thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý không phải là vấn đề mới, nhưng đây là một cách làm mang tính đột phá trong công tác tuyển dụng cán bộ, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ nói chung, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý nói riêng và của nền công vụ quốc gia. Việc thi tuyển tạo ra cơ chế tốt hơn để các cơ quan, đơn vị chủ động thu hút cán bộ có năng lực lãnh đạo, trình độ quản lý và chuyên môn nghiệp vụ; mặt khác, kiểm soát được hoạt động tuyển dụng, tránh tuyển tràn lan, thiếu công bằng, minh bạch hoặc lợi dụng công tác này để thu lợi riêng.

Thi tuyển lãnh đạo, quản lý với phương thức cạnh tranh công khai, công bằng, minh bạch sẽ góp phần quan trọng khắc phục những nhược điểm của công tác bổ nhiệm cán bộ hiện nay. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cần bảo đảm nguyên tắc Đảng lãnh đạo trực tiếp và toàn diện công tác cán bộ. Cần có giải pháp kết hợp chặt chẽ, hợp lý giữa quy hoạch và thi tuyển cạnh tranh, nhằm phát huy tối đa hiệu quả công tác tuyển dụng cán bộ. Thi tuyển cần tạo được đột phá nhưng phải nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng trong quá trình thực hiện để có cách thức nhân rộng phù hợp, tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh để tuyển chọn cán bộ có đức, có tài từ nguồn tài nguyên nhân lực rộng lớn của xã hội.

Theo Quân đội nhân dân

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/van-de-cung-ban-luan/tuyen-va-thi-tuyen-can-bo-z89n20200625080733877.htm