Tuyển Việt Nam lộ điểm yếu

Những sai sót trong hiệp hai khiến tuyển Việt Nam thủng lưới 2 bàn và đối mặt với nhiều khó khăn ở chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Có được một thế trận không hề tồi trong 45 phút thi đấu đầu tiên, nhưng ĐT Việt Nam đã để cho đối phương có được hai bàn thắng liên tiếp trong hiệp thi đấu thứ 2 trong những tình huống mà hệ thống chiến thuật của HLV Park Hang-seo bộc lộ ra những điểm yếu.

Bên phía Thái Lan, dù cẩn trọng, nhưng các học trò của ông Mano Polking vẫn có được một kết quả có lợi bằng phẩm chất của những gương mặt chất lượng trong đội hình.

Hiệp một ấn tượng của ĐT Việt Nam

Đánh giá cao sức mạnh của đội chủ nhà, lần đầu tiên tại AFF Cup 2022 ông Mano Polking sử dụng hệ thống 3 trung vệ khi Thái Lan phòng ngự. Cầu thủ đa năng Weerathep Pomphan được sử dụng bên cạnh Kritsada Kaman và Pansa Hemviboon. Trên hàng tấn công, cả hai tiền vệ cánh của đội khách là Bordin Phala và Ekanit Panya đều không đá chính. Thái Lan cho thấy sự cẩn trọng với hệ thống 3-5-2/5-3-2.

 ĐT Thái Lan lựa chọn sơ đồ 5-3-2 khi phòng ngự.

ĐT Thái Lan lựa chọn sơ đồ 5-3-2 khi phòng ngự.

Về phía đội chủ nhà, ông Park Hang-seo tiếp tục sử dụng hệ thống 3-5-2 với những con người ưng ý nhất trong tay của mình trên hàng tấn công.

Ý đồ của chiến lược gia người Hàn Quốc là đẩy đội hình lên phần sân đối phương, tạo áp lực trực tiếp lên khâu triển khai bóng của người Thái, cũng như đoạt lại quyền kiểm soát ngay khi vừa để mất bóng.

 ĐT Việt Nam quyết định gây áp lực lên tuyến triển khai đầu tiên của Thái Lan.

ĐT Việt Nam quyết định gây áp lực lên tuyến triển khai đầu tiên của Thái Lan.

Trong ý tưởng phòng ngự tầm cao ấy, Đỗ Hùng Dũng và Nguyễn Quang Hải thường trực có mặt ở khu vực hoạt động của cặp tiền vệ trung tâm Peeradol Chamrasamee và Theerathon Bunmathan bên phía đội khách, khiến những tình huống triển khai từ tuyến dưới của Thái Lan không thể duy trì tính liền mạch.

 Kiểm soát không gian hoạt động của hai tiền vệ trung tâm của Thái Lan khi đội khách triển khai bóng.

Kiểm soát không gian hoạt động của hai tiền vệ trung tâm của Thái Lan khi đội khách triển khai bóng.

Nền tảng thể lực, cùng khả năng tranh chấp nhỉnh hơn đã giúp đội chủ nhà có được một thế trận không đến nỗi tồi trong khoảng thời gian 45 phút thi đấu đầu tiên. Tính liên tục là thứ được ĐT Việt Nam duy trì để khiến trận đấu diễn ra ở một tốc độ cao, nhịp độ mà người Thái không thực sự thoải mái trong lối chơi.

 Duy trì cường độ chơi đủ tốt, gây áp lực ngay sau khi để mất bóng.

Duy trì cường độ chơi đủ tốt, gây áp lực ngay sau khi để mất bóng.

Không chỉ hạn chế phần nào khả năng áp đặt thế trận của Thái Lan, ĐT Việt Nam còn trực tiếp tạo ra những cơ hội ghi bàn với khối đội hình đẩy cao của mình, trong những thời cơ mà cả Tuấn Hải và Tiến Linh đã thực hiện những tình huống xâm nhập vòng cấm sở trường.

 Cơ hội của ĐT Việt Nam trong hiệp 1.

Cơ hội của ĐT Việt Nam trong hiệp 1.

Sai lầm ở hiệp 2

Có được lợi thế dẫn bàn từ một tình huống cố định sau hiệp 1, đội bóng của HLV Park Hang-seo lựa chọn cách tiếp cận trận đấu sau giờ nghỉ theo một cách hoàn toàn khác.

Đội chủ nhà không chủ trương gây áp lực mạnh lên các trung vệ của đối phương khi Thái Lan kiểm soát bóng. Trong bối cảnh Theerathon Bunmathan luôn có xu hướng lùi lại tuyến triển khai bóng đầu tiên của đội khách, thì việc cầu thủ này không gặp phải sức ép lớn khi nhận bóng như ở trong hiệp một là thứ đã khiến ĐT Việt Nam phải nhận bàn thua.

 Không có áp lực trực tiếp lên tuyến triển khai bóng đầu tiên của Thái Lan.

Không có áp lực trực tiếp lên tuyến triển khai bóng đầu tiên của Thái Lan.

Còn nhớ, tại Bung Karno, những đường chuyền ra sau lưng hàng phòng ngự của ĐT Việt Nam là vũ khí mà Indonesia đã khai thác một cách triệt để. Tại Mỹ Đình, những sai lầm trong cách phản xạ với những đường chuyền theo chiều sâu thêm một lần nữa lại bộc lộ ở hàng phòng ngự của ĐT Việt Nam.

 Tình huống dẫn đến bàn thắng gỡ hòa của Thái Lan.

Tình huống dẫn đến bàn thắng gỡ hòa của Thái Lan.

Một tình huống 3 trung vệ thiếu đi tính thông tin, trong khi trung vệ đội trưởng Quế Ngọc Hải thậm chí đứng cao hơn cầu thủ trong khu vực mình kiểm soát là Poramet Arjvirai – người trực tiếp thoát xuống mang về bàn thắng gỡ hòa cho Thái Lan.

 Khả năng kiểm soát khoảng trống sau lưng không tốt của 3 trung vệ.

Khả năng kiểm soát khoảng trống sau lưng không tốt của 3 trung vệ.

Phòng ngự từ khu vực 1/3 giữa sân với những áp lực không đủ tốt từ tuyến tiền đạo luôn là một bối cảnh khiến ĐT Việt Nam gặp khó ở giải đấu lần này. Đội bóng được dẫn dắt bởi HLV Park nhanh và mạnh hơn đối phương khi đẩy cao đội hình và gây áp lực tầm cao, lì lợm khi phòng ngự ở khu vực nửa sân nhà.

Song, khu vực 1/3 giữa sân luôn yêu cầu khả năng phản xạ chính xác của các trung vệ để bảo vệ khoảng trống sau lưng, điều các hệ thống phòng ngự của chúng ta không thực sự cho thấy sự đảm bảo. Đặc biệt là khi Thái Lan sở hữu một Theerathon quá giỏi trong việc điều tiết bóng.

Đội trưởng của ĐT Thái Lan đồng thời là cầu thủ thực hiện số đường chuyền dài nhiều nhất, tạt bóng nhiều nhất, tạo ra nhiều cơ hội dứt điểm nhất, và kiến tạo nhiều nhất tại kì AFF Cup lần này.

Một sơ hở của đối phương, một khoảng trống lớn, số 3 của Thái Lan hoàn toàn có thể tạo nên khác biệt. Bàn thua thứ 2 của ĐT Việt Nam trên sân Mỹ Đình là một ví dụ. Trong tình huống mà các học trò của HLV Park Hang-seo gặp áp lực lớn từ các trung vệ, đội chủ nhà đã mắc sai lầm, để thời cơ cho đối phương phản công và ngay lập tức phải đối mặt với một đường chuyền đầy trực diện từ Theerathon.

 ĐT Việt Nam gặp áp lực từ hàng thủ, và chuyền bóng hỏng.

ĐT Việt Nam gặp áp lực từ hàng thủ, và chuyền bóng hỏng.

 Đường kiến tạo đẳng cấp của Theerathon trong pha phản công nhanh của Thái Lan.

Đường kiến tạo đẳng cấp của Theerathon trong pha phản công nhanh của Thái Lan.

May mắn cho ĐT Việt Nam là sức ép ở những phút còn lại của trận đấu vẫn mang về bàn thắng quý giá của Văn Thanh từ một tình huống cố định. Nhưng xét một cách tổng thể, những gì mà đội bóng của HLV Park Hang-seo thể hiện trong trận chung kết lượt đi tại Mỹ Đình là không thực sự thuyết phục.

Nhập trận với một phương án chiến thuật đủ tốt, có bàn thắng dẫn trước, nhưng quyết định không duy trì áp lực một cách liên tục lên đối phương, để rồi bộc lộ những sai lầm.

Tâm thế của ĐT Việt Nam trong trận đấu lượt về sẽ là khó khăn hơn rất nhiều, khi buộc phải tìm kiếm bàn thắng trên sân Thái Lan. Với nền tảng sức mạnh thể chất và tốc độ của mình, chúng ta đã từng vượt qua điều đó trước Indonesia ở trận bán kết.

Nhưng song song với việc tạo ra cơ hội ăn bàn, HLV Park Hang-seo và các trợ lý sẽ cần tìm ra những phương án để kiểm soát Theerathon Bunmathan xuyên suốt trận đấu, để hạn chế khả năng sáng tạo của cầu thủ có đẳng cấp cao nhất tại AFF Cup lần này.

Highlights Việt Nam 2-2 Thái Lan Khoảnh khắc xuất thần của Vũ Văn Thanh giúp tuyển Việt Nam gỡ hòa 2-2 trước Thái Lan ở chung kết lượt đi AFF Cup 2022 diễn ra vào tối 13/1.

Thành Vũ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tuyen-viet-nam-lo-diem-yeu-post1393701.html