Tuyển Việt Nam và hệ giá trị mới
Đội tuyển Việt Nam đã trải qua trận bán kết lượt về đầy cảm xúc với Indonesia tại Mỹ Đình. Những điều rút ra sau cả hành trình đã qua tại AFF Cup 2022 là những hệ giá trị mới.
Sau AFF Cup 2022, huấn luyện viên Park Hang-seo sẽ chia tay đội tuyển Việt Nam. VFF đang trong quá trình xúc tiến tìm người thay thế. Mới nhất, Phó Chủ tịch VFF Trần Anh Tú đã chia sẻ: “Từ khi ông Park thông báo không gia hạn hợp đồng, dù nhiều công việc nhưng chúng tôi vẫn xúc tiến tìm kiếm ứng viên. Hiện tại, chúng tôi đang thu thập hồ sơ, đánh giá ứng viên và sau AFF Cup sẽ chuyển cho Hội đồng Huấn luyện viên quốc gia. Thông qua tư vấn, Thường trực Ban Chấp hành VFF sẽ tiến hành tiếp cận ứng viên, đánh giá và lựa chọn người phù hợp".
VFF cần huớng đến một hệ giá trị mới. Đó là tìm một tư duy khác có thể giúp bóng đá Việt Nam vươn tầm. Đội tuyển Việt Nam chưa từng được dẫn dắt bởi huấn luyện viên đã tham gia World Cup. Đấy có thể là một gợi ý cho VFF trong việc lựa chọn ứng viên. Nhiệm kỳ hơn 5 năm của huấn luyện viên Park Hang-seo có thể được coi là bước đệm để chúng ta hướng đến một huấn luyện viên đẳng cấp hơn.
Khi đội tuyển Việt Nam đã có thành tích, chúng ta cũng đã dự vòng loại thứ 3 World Cup 2022, việc tìm huấn luyện viên đẳng cấp cũng là điều hợp lý. Ngay với bản thân các cầu thủ cũng cần được tiếp cận với những hệ giá trị mới mẻ và cao hơn. Ít nhất là tư duy chơi bóng sẽ khác. Chúng ta không chỉ hướng đến thành tích ở sân chơi khu vực như AFF Cup.
Tuyển Việt Nam không còn tạo ra hiệu ứng như trước đây với khán giả ở sân chơi AFF Cup. Điều này không nằm ở vấn đề chủ quan từ thầy trò ông Park. Khán giả đã có những thay đổi nhất định về cách tiếp nhận các trận đấu và giải đấu của tuyển Việt Nam sau khi chứng kiến đội tuyển tham dự vòng loại thứ 3 World Cup 2022.
AFF Cup không còn là giải đấu duy nhất mà khán giả dõi theo tuyển Việt Nam. Nói đúng hơn, điều mà khán giả mong đợi là những trận đấu đỉnh cao ở sân chơi châu lục. Nhu cầu thưởng thức các trận đấu chất lượng cũng chính là hệ tư tưởng mới của chính người hâm mộ. Tâm lý khán giả không còn theo hiệu ứng đám đông chỉ ở quanh những giải đấu “ao làng”.
Hồi tháng 10/2022, trang Nielsen.com đã xếp Việt Nam đứng đầu danh sách quốc gia có tỉ lệ người quan tâm đến bóng đá cao nhất ở khu vực châu Á với 75% dân số yêu thích bóng đá. Nhưng thực tế, tại vòng bảng AFF Cup 2022, lượng khán giả đến sân Mỹ Đình cổ vũ tuyển Việt Nam ở 2 trận vòng bảng chỉ đứng thứ 3 so với khu vực (trong trận đấu gặp Malaysia đón 17.545 khán giả và trận gặp Myanmar chỉ ở khoảng 11.575 người). Sân đấu đón lượng khán giả lớn nhất là sân Bukit Jalil của tuyển Malaysia với tổng 95.108 lượt người sau 2 trận.
Chất lượng sân bãi là một trong những vấn đề được nhắc đến nhiều thời gian qua. Việc sân Mỹ Đình quá kém chất lượng từ mặt cỏ đến khán đài đã nhận được cái nhìn thiếu thiện cảm từ người hâm mộ. Chúng ta vẫn hô hào khẩu hiệu vươn tầm và hướng đến World Cup, thế nhưng với cơ sở vật chất hiện tại, khó có thể chắp cánh cho những giấc mơ.
Những điều cần thay đổi nên từ sân thi đấu. Hãy nhìn ra các nước trong khu vực đã đủ thấy chúng ta thua thiệt ra sao chứ chưa nói đến tầm châu lục. Chính vì thế, phần nào cơn sốt vé không được tạo ra tại AFF Cup 2022. Điều này cho thấy, bóng đá Việt Nam vẫn còn phụ thuộc vào những sự vận động đồng bộ của xã hội trên con đường phát triển.
Tuyển Việt Nam dưới thời huấn luyện viên Park Hang-seo đã cho thấy một diện mạo mới. Chúng ta không chỉ có được thành tích mà từ đó còn xác định rõ mục tiêu chiến lược. Đại hội VFF đã xác định mục tiêu để tuyển Việt Nam dự vòng loại cuối cùng World Cup 2026 và vòng chung kết World Cup 2030.
Để thực hiện được lộ trình này, trước tiên chúng ta cần thay đổi được những hệ giá trị. AFF Cup có thể vẫn là sân chơi cần được đầu tư nhưng không phải thước đo để chúng ta vươn tầm. Nhìn sang câu chuyện của Thái Lan để thấy những bài học trong việc xác định chiến lược.
Hy vọng, VFF sẽ sớm có chương trình hành động cụ thể sau kỳ AFF Cup lần này.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/the-thao/tuyen-viet-nam-va-he-gia-tri-moi-i680565/